Giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán giải thích lý do virus không thể thoát ra bên ngoài

Thứ hai, ngày 11/05/2020 19:55 PM (GMT+7)
Người đứng đầu phòng thí nghiệm virus Vũ Hán cho rằng, họ đã tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt những quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm an toàn khi thực hiện nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất, vì thế, bất kỳ loại virus nào cũng không thể thoát ra ngoài từ cơ sở này.
Bình luận 0

Giám đốc phòng thí nghiệm virus Vũ Hán - Yuan Zhiming, cho biết cơ sở này từng thực hiện nghiên cứu về những loại virus rất nguy hiểm như virus Ebola, virus Lassa, virus sốt xuất huyết tại Crimean và Congo.

Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm ngặt những quy trình bảo đảm an toàn nên không thể có chuyện virus thoát ra ngoài từ cơ sở có mức an toàn sinh học cấp độ 4 này, theo ông Yuan Zhiming.

“Chúng tôi đã áp dụng một loạt các biện pháp để bảo đảm không có loại virus nào có thể lọt ra ngoài từ phòng thí nghiệm”, ông Yuan Zhiming khẳng định.

Theo ông Yuan Zhiming, phòng thí nghiệm virus Vũ Hán có hệ thống quản lý rất chặt chẽ và toàn diện, bao gồm cả quy trình xử lý chất thải, thiết bị nghiên cứu.

img

Các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm virus Vũ Hán (ảnh: SCMP)

“Tất cả các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm đều phải vượt qua những đánh giá về sức khỏe thể chất cũng như tâm lý để được cấp phép hoạt động.

Nhân viên phải tuân thủ các quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. Trước khi vào phòng thí nghiệm, tình trạng sức khỏe của họ phải ở mức bình thường. Ngoài đo huyết áp và thân nhiệt, các nhân viên cũng phải ký vào mẫu đăng ký và thông báo cho trung tâm giám sát bất cứ khi nào muốn ra vào phòng thí nghiệm”, ông Yuan Zhiming trình bày.

Ông Yuan Zhiming nói thêm rằng, bất kỳ ai cũng không được phép vào phòng thí nghiệm một mình và khi các thí nghiệm được tiến hành, tối thiểu là 2 nhà nghiên cứu phải có mặt trong phòng. Các nhà nghiên cứu chỉ có thể liên lạc ra bên ngoài thông qua trung tâm kiểm soát nếu họ vẫn đang ở trong phạm vi của phòng thí nghiệm virus.

img

Nhân viên tại phòng thí nghiệm virus Vũ Hán (ảnh: SCMP)

“Đồ bảo hộ phải được khử trùng sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng. Phòng thí nghiệm cũng sử dụng công nghệ áp lực âm để ngăn chặn khả năng virus thoát ra ngoài. Không khí trong phòng thí nghiệm được lọc 2 lần trước khi lưu thông với bên ngoài, nước thải cũng được xử lý bằng hệ thống lọc và bằng nhiệt độ cao.

Những thiết bị thí nghiệm trong phòng nghiên cứu cũng được kiểm tra hàng năm và thực hiện bởi các tổ chức độc lập”, ông Yuan Zhiming cho biết.

Guan Wuxiang, Phó giám đốc của Viện virus học Vũ Hán, cho biết, những nhà nghiên cứu tại đây nhận được mẫu bệnh phẩm virus Corona chủng mới vào ngày 30.12. Kể từ thời điểm đó, hơn 120 nhà nghiên cứu tại viện này đã tìm hiểu về Covid-19, bao gồm nguồn gốc, cách thức lây nhiễm, thuốc và vắc xin điều trị.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Vương Nam – SCMP (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem