Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: “Tránh bỏ trứng vào một giỏ”

Mai Hương Thứ hai, ngày 09/06/2014 05:59 AM (GMT+7)
"Các Hiệp định Thương mại tự do là cơ hội để Việt Nam (VN) giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và cần tìm lối ra để tránh bỏ trứng vào một giỏ". Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - ông Vũ Tiến Lộc - đã khẳng định như vậy và hiến kế giải pháp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bình luận 0
Tại diễn đàn VBF mới đây, ông đã khẳng định việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức từ các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết. Tại sao lại như vậy?

- Từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta. Việc này được dự báo nếu không ngăn chặn sẽ tác động đáng kể đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, từ góc độ kinh tế, chúng ta đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào . Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng hiện nay có thể là một cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu này.

imgMinh họa của Khều !

 

Ông cho rằng, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là thời cơ để VN giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc... Vậy điều đó làm bằng cách nào?

- Thực tế hiện nay về nguồn cung ứng đầu vào sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, VN sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, từ EU, từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga và các nền kinh tế khác. Đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Về đầu ra của nền kinh tế, theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng TQ lại là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của VN. Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của VN tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế VN mà cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt.

Theo ông, làm sao để cân bằng việc tránh lệ thuộc vào Trung Quốc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?

- Với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với TQ và VN chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Nhiều người lo ngại TQ đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với VN, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng TQ không dễ gì làm được điều đó ít nhất là từ góc độ chính thức và ở quy mô lớn. Chúng ta biết rằng các hoạt động giao thương với VN đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của TQ. VN cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu TQ.

Về phía Việt Nam cũng không thể không mua các sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới và không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế VN. Như vậy, trong quan hệ Việt – Trung, chúng ta vẫn cần khẳng định rằng sự lệ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu và việc duy trì quan hệ thương mại bình thường ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc là cần thiết vì lợi ích lâu dài của cả hai bên.

Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu TQ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng mọi động thái, bài xích, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương đầu tư giữa hai bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế VN.

Các chuyên gia cũng nhận định, nếu chúng ta có bước đi bài bản để đa dạng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước và cải cách ngành thương mại thì tối thiểu trong 2-3 năm là có thể giảm phụ thuộc TQ về kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Rất cần tìm ra những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc và bỏ "trứng" vào một giỏ như hiện nay”.
- Tôi cho rằng, nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc TQ, đầu tiên là phải đa dạng thị trường. Với tình hình hiện nay, VN hoàn toàn có điều kiện thực hiện, bởi chúng ta có quan hệ giao thương với hơn 200 nước, có hiệp định thương mại tự do đến hàng chục nước và sắp tới lại ký kết tiếp. Vấn đề bây giờ là đa dạng thị trường xuất nhập khẩu.

 

Thứ hai, là phải đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Tôi thấy một số nước rất ủng hộ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc... tại sao chúng ta không tận dụng?! Các bộ ngành, cơ quan chức năng phải xác định ta đang phải nhập khẩu những linh kiện, trang thiết bị nào rồi tính đến sản xuất trong nước. Vấn đề hiện nay chính là thiếu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Đối với nông sản phải xác định phát triển nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp có cạnh tranh cao. Do đó sản phẩm nông nghiệp phải gắn được với công nghiệp chế biến, gắn với các chuỗi giá trị. Nó bao gồm từ giống, cây trồng, thu hoạch bảo quản, chế biến… phải làm ra những sản phẩm từ ứng dụng công nghệ cao. Nói chung là phải đầu tư đủ mức và ứng dụng công nghệ cao thì mới mong tạo ra những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao. Trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do khi mở cửa thị trường nông sản thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác; tránh việc buôn bán theo kiểu có gạo gì thì bán gạo đó, có cà phê nào thì bán cà phê ấy, "tiền trao cháo múc" là xong...

Xin cảm ơn ông!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem