Giữ nếp nhà nơi làng cổ xứ Đoài

Nhà văn Hà Nguyên Huyến Thứ tư, ngày 25/01/2023 08:08 AM (GMT+7)
Chú tôi có một câu nói rất ấn tượng mà cho đến tận bây giờ nhiều người trong làng cổ Đường Lâm vẫn còn nhớ được: “Dù thế nào đi nữa thì mỗi tháng phải có một đôi ngày phong lưu!”. Sự phong lưu trong gia đình tôi đã được duy trì nhiều đời...
Bình luận 0

Năm 1955, trong "cải cách ruộng đất", chú thím tôi dính thành phần "địa chủ"! Ruộng của ông nội tôi để lại cho chú không nhiều. Dính "thành phần" có nguyên nhân từ thím. Thím sinh ra trong một gia đình ở làng bên cạnh, là làng Đông Sàng, thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Trên địa bàn làng Đông Sàng có chợ Mía - là một chợ cổ đã được hình thành trong đời chúa Trịnh Tráng. Gia đình thím đông anh chị em, 10 người nhưng chỉ duy nhất có một người con trai, thím là con gái út. 9 chị em gái lớn lên trong một gia đình khá giả, cả đời họ gắn liền với việc buôn bán ở chợ Mía và người nào cũng có vốn liếng.

Cổ nhân có câu: "Giàu con út, khó con út"! Thím về làm dâu nhà tôi đem theo cả vốn riêng về nhà chồng. Chú tôi học hết tiểu học Pháp Việt (tương đương với cấp I thời ấy) thì tham gia việc "Phát thuốc viện trợ Mỹ". Số là thế này, năm 1953 quân đội Pháp đang sa lầy ở Điện Biên Phủ. Mỹ viện trợ cho Pháp các loại chiến cụ, trong đó có thuốc tân dược. Chẳng hiểu sao thuốc tân dược lại có mặt trong các địa phương ở vùng "tề". Làng tôi - làng Mông Phụ, xã Đường Lâm có một phòng thuốc nhỏ, toàn những thuốc thông thường, phát miễn phí cho dân. Chú tôi có một ít kiến thức nên được dân cử ra giữ phòng thuốc này.

xuan/ - Ảnh 1.

Người dân làng cổ Đường Lâm có nghề làm tương truyền thống. Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Chính sự điềm đạm, bình tĩnh, lấy bữa rượu nơi sân nhà làm cái cớ để mọi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy cuộc sống vẫn đang diễn ra theo một chiều hướng tích cực...

Chú thím vì thế không làm ruộng. Sẵn vốn liếng, thím tậu ruộng rồi cho người làm rẽ "hai cây ăn một". Trong "cải cách ruộng đất", khái niệm cho người "làm rẽ" đồng nghĩa với việt "phát canh thu tô". Chú thím tôi có lẽ chưa được ăn một bát cơm nào của việc này đã thành "địa chủ". Trong thời kỳ hợp tác hóa, gia đình chú thím không thể trở thành xã viên HTX nông nghiệp. Chú thím thuộc những hộ gia đình "phi nông nghiệp". Thím lại gắn với chợ Mía với việc buôn thúng bán mẹt, chú tôi trở thành công nhân thời vụ của một xí nghiệp gạch ngói.

Khó mà nói hết được những khó khăn của gia đình chú thím trong thời gian này. Song, có một điều tôi đã được chứng kiến và kiểm chứng trong một thời gian dài là sự nền nếp của gia đình chú thím. Phải chăng, đây là nguyên nhân chính để một gia đình vượt qua được những thử thách nghiệt ngã, duy trì sự ổn định để mọi thành viên khẳng định mình trong những hoàn cảnh mới. Việc đầu tiên là tổ chức một cuộc sống bình thường như những ngày đã qua.

***

Ngày ấy, cả xã hội thiếu thốn. Trong tình hình đất nước có chiến tranh, mà cụ thể là giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ 1964 - 1968, đời sống của người dân thiếu thốn về mọi mặt, thím tôi chạy chợ duy trì sinh hoạt gia đình. Đến bữa bếp vẫn đỏ lửa, cơm dù khoai sắn vẫn được dọn ra trên manh chiếu rách nhưng sạch sẽ, bữa nào cũng trải ngay ngắn giữa nhà. Chú tôi đi làm về, tắm rửa sạch sẽ xong là ngồi vào mâm. Trong bữa cơm ,mọi chuyện đều được bắt đầu từ những… chuyện vui!

xuan/ - Ảnh 3.

Cuộc sống nơi làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: TÙNG CAO

Chú tôi có một câu nói rất ấn tượng mà cho đến tận bây giờ nhiều người trong làng vẫn còn nhớ được: "Dù thế nào đi nữa thì mỗi tháng phải có một đôi ngày phong lưu!". Sự phong lưu trong gia đình tôi đã được duy trì nhiều đời, cụ tôi bảo: Phong lưu là tùy thuộc vào quan niệm của từng gia đình. Với gia đình tôi thì tiêu chuẩn đầu tiên không phải là giàu có và nhiều tiền lắm của… Sinh sống nhiều đời, nhiều thế hệ trong ngôi làng cổ, nhà tôi làm ruộng nền nếp - sự nền nếp ấy có thể nói là điển hình của nền kinh tế mang tính tự cấp, tự túc. Đó là mô hình gia đình nhiều thành phần: Ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung sống. Mọi người tôn trọng nhau theo nguyên tắc: Trên kính, dưới nhường!

Mẹ tôi kể: Ông nội tôi đã đến tuổi được nghỉ ngơi, nhưng công việc đồng áng ông vẫn không bỏ hẳn. Chiều chiều ông vẫn dắt trâu ra đồng chăn thả. Vào vụ, việc đồng áng ngút đầu, ông nội tôi vẫn tham gia tích cực. Mẹ tôi bảo: Là dâu trưởng trong nhà, mẹ phải duy trì đều đặn cho ông mỗi ngày một bữa rượu trước giờ cơm tối. Không ai nói ra nhưng đó là một quy định bất thành văn trong gia đình tôi nhiều đời nay. Nói là bữa rượu chứ thực chất cũng không phải chi phí tốn kém gì. Song, duy trì đều, từ đời này qua đời khác thì quả là một vấn đề không đơn giản. Chiều chiều, một lá chiếu đôi được trải ngay ngắn bên hiên nhà, trên chiếu là một chiếc mâm đồng vàng óng, trên mâm là một nậm rượu, đôi cái chén mắt trâu. Thức nhắm tùy thuộc vào thời vụ, đôi khi chỉ là một quả cà bát thái miếng chấm với muối ớt, hôm thì một nhúm lạc rang, chùm sung bánh tẻ, cái dái mít non vừa tỉa trên cành và đĩa rau sống tươi rói vừa hái tại vườn nhà… Hôm nào sang thì đôi quả trứng vịt, 1-2 bìa đậu phụ nhuộm nghệ nướng trên than vàng cháy cạnh…

***

... Gia đình chú thím tôi vẫn duy trì được sự đều đặn này. Thay vì ngày nào cũng có rượu uống vào mỗi buổi chiều thì thời gian này, một tháng đôi lần thím tôi lo cho chú "một tháng cũng có đôi ngày phong lưu". Vào những hôm ấy, sau thời gian đi làm về, chú tôi ngôi bên mâm lâu hơn. Lâu hơn không phải vì uống nhiều rượu hơn. Mà hôm đó chuyện được nói nhiều hơn, chuyện cũ chuyện mới, toàn những chuyện hay chuyện đẹp ở đời và coi đó như một lời nhắn gửi cũng như răn dạy đến các thế hệ sau trong gia đình.

Cứ thế năm tháng qua đi, gia đình chú tôi trở thành xã viên HTX nông nghiệp, các em được học hành… Gia đình chú thím vượt qua được những tháng ngày cam go nhất trong lịch sử một gia đình, lịch sử của đất nước giai đoạn nhiều biến động.

xuan/ - Ảnh 4.

Bữa rượu chiều ở nhà tôi. Ảnh: H.N.H

Tôi gọi đó là nền nếp của một gia đình, cao hơn đó là truyền thống văn hóa của một đại gia đình đã được xây dựng từ nhiều thế hệ trước: Đó là văn hóa rượu! Người được uống rượu hàng ngày không vì thế mà lạm dụng rượu rồi sinh ra quá đà và nghiện ngập. Người duy trì đều đặn nền nếp này không vì thế mà thấy thêm sự bận bịu trong đời sống thường nhật vốn không dễ dàng gì chấp nhận khi gặp khó khăn. Chính sự điềm đạm, bình tĩnh, lấy bữa rượu nơi sân nhà làm cái cớ để mọi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy cuộc sống vẫn đang diễn ra theo một chiều hướng tích cực. Sự phong lưu phải chăng chính là một ứng xử văn hóa để con người nhìn nhận, đánh giá đời sống không bị cực đoan, phiến diện…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem