Giữa bão chiến tranh thương mại, hàng không Trung Quốc vẫn tham vọng số 1 thế giới

27/05/2019 12:07 GMT+7
Kế hoạch xây dựng hơn 200 cảng hàng không cho đến năm 2035 của Trung Quốc nghe có vẻ phi thường, nhưng các quan chức Trung Quốc không nghĩ tham vọng này là phi thực tế.

Trung Quốc: thị trường hàng không lớn nhất thế giới

Bất chấp thực tế Trung Quốc đang dần vượt qua Hoa Kỳ với triển vọng trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022, ngành hàng không nước này vẫn tiếp tục phát triển như vũ bão. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hàng trăm sân bay trên cả nước. Hàng tỷ USD được Bắc Kinh đổ vào hệ thống đường băng, sân bay với nỗ lực hoàn thiện mạng lưới hàng không theo hướng toàn cầu hóa.

Trung Quốc hiện có khoảng 235 sân bay, nhưng Chính phủ nước này ước tính sẽ cần khoảng 450 sân bay để phục vụ lượng hành khách gia tăng vào năm 2035. Một số nhà phân tích hàng không dự đoán, cho đến thời điểm đó, ngành hàng không Trung Quốc sẽ giải quyết ¼ nhu cầu hàng không thế giới, một con số khổng lồ.

Cheung Kwok Law, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chính sách hàng không của Đại học Hong Kong nhận định, sự tăng trưởng siêu nóng của ngành hàng không Trung Quốc không chỉ phục vụ nhu cầu tương lai mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Chính phủ đang hướng đến tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhu cầu hiện tại và kích thích nhu cầu vận tải hàng không trong tương lai”.

Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh với số vốn đầu tư hàng tỷ USD đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua. Với diện tích nhà ga lên tới 700.000m2 (tương đương khoảng 97 sân bóng đá), đây hiện là sân bay lớn nhất thế giới; dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào tháng 9/2019.

Bên trong cảng Hàng không Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh

Ngay gần cảng Hàng không quốc tế Đại Hưng, sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hiện là sân bay đón tiếp nhiều hành khách thứ hai thế giới sau Sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta (Hoa Kỳ). Chỉ trong năm 2018, ước tính sân bay Quốc tế thủ đô Bắc Kinh đã phục vụ hơn 100 triệu lượt du khách. Ngay cả khi sân bay Đại Hưng đi vào hoạt động, sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng với 2 hãng hàng không mới: Air China và Hainan Airlines để giải quyết nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của du khách trong nước và quốc tế.

Trọng điểm phát triển ngành hàng không Trung Quốc

Kế hoạch xây dựng hơn 200 cảng hàng không cho đến năm 2035 của Trung Quốc nghe có vẻ phi thường, nhưng các quan chức Trung Quốc không nghĩ tham vọng này là phi thực tế.

Cheung Kwok Law cho hay: “Hãy nhìn New York, họ có tới 3 sân bay quốc tế. London thậm chí có 5 sân bay. Trong khi đó, sân bay quốc tế thứ hai tại Bắc Kinh mới sắp đưa vào hoạt động. Thượng Hải, với 26 triệu dân, sẽ cần đến sân bay thứ ba còn Quảng Châu, với 17 triệu dân, sẽ cần đến sân bay thứ hai”.

Sân bay Phố Đông Thượng Hải là sân bay phục vụ lượng hành khách đông thứ hai Trung Quốc, sau sân bay Thủ đô Bắc Kinh

Theo Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), chỉ tính riêng trong năm 2018, các sân bay Trung Quốc đã phục vụ 1.264 tỷ hành khách, tăng 10.2% so với năm 2017. Trong đó, 37 sân bay phục vụ hơn 10 triệu hành khách/ năm.

Trung bình mỗi năm có thêm 8 sân bay được xây dựng tại Trung Quốc, chưa tính số sân bay được mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hành khách.

“Dịch vụ hàng không đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhu cầu hàng không tiếp tục gia tăng đang dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu hoặc phân phối sân bay không đồng đều trên cả nước.” - Ông Dong Faxin, giám đốc bộ phận phát triển kế hoạch của CAAC phát biểu trong một bản báo cáo năm 2018 làm tiền đề cho tham vọng xây dựng hàng trăm sân bay của Trung Quốc.

Ông cũng nhận định, phần lớn kế hoạch phát triển sân bay sắp tới sẽ tập trung vào các khu vực trọng điểm như: Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao, Trùng Khánh - Thành Đô và đồng bằng sông Dương Tử. Đây đều là những khu vực có dân số cao nhưng cơ sở vật chất ngành hàng không còn hạn chế.

Chẳng hạn, sân bay quốc tế Thành Đô mới mang tên Tianfu sẽ đi vào hoạt động năm 2020, dự kiến trở thành cảng hàng không trung tâm thứ hai của Thành Đô, nhằm giảm bớt áp lực vận tải cho sân bay quốc tế Song Lưu sầm uất.

Một số khu vực phía Tây của Trung Quốc cũng sẽ được đầu tư xây dựng sân bay nhằm thúc đẩy tham vọng phát huy tầm ảnh hưởng đến các khu vực xa xôi của Bắc Kinh. 

“Cơ sở vật chất hàng không sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực kinh tế phía Tây và Đông Bắc, để đạt được cân bằng kinh tế giữa vùng duyên hải ven biển và các vùng xa xôi trong đại lục” - Cheung Kwok Law cho hay.

Sân bay quốc tế Thành Đô mới sắp đi vào hoạt động

Tương lai ngành hàng không Trung Quốc từ kế hoạch xây dựng hơn 200 sân bay

Bên cạnh vấn đề xây dựng các sân bay, chính phủ Trung Quốc còn phải đối mặt với việc giải quyết các cơ sở hạ tầng giao thông khác liên quan, như đường bộ, đường sắt… Rõ ràng, các sân bay không thể hoạt động độc lập mà cần một sự liên kết hiệu quả với phương thức vận tải hành khách khác như cơ sở đường bộ, mạng lưới đường sắt - lĩnh vực mà Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ.

Ví như tại sân bay quốc tế Đại Hưng, một tuyến đường sắt cao tốc 350km/h chạy thẳng vào thành phố sẽ được kết hợp phát triển để giải quyết nhu cầu di chuyển của hành khách, giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ. Sân bay Đại Hưng dự kiến sẽ phục vụ nhu cầu vận chuyển khoảng 72 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi sân bay được khai thác hoàn toàn.

Quan ngại suy thoái kinh tế không vùi lấp triển vọng ngành hàng không

Sự phát triển thần tốc của Trung Quốc rõ ràng không thể bị kiềm chế bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ hay lệnh hạn chế thương mại nhắm vào Huawei. Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, nhưng khó có khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng.

Bất kỳ tác động nào đến nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ tác động tiêu cực đến lượng du khách nước ngoài ghé thăm Trung Quốc và cả nhu cầu di chuyển nội địa của người dân. Tuy nhiên, chính phủ nước này rất lạc quan về tình hình.

Chính phủ Trung Quốc lạc quan về tương lai của ngành hàng không nước này

Cheung Kwok Law nhận định: "Từ nay cho đến năm 2035, dự kiến lượng ​​hành khách toàn cầu sẽ tăng 3,5% mỗi năm. Còn tại Trung Quốc, mức tăng trưởng hành khách bình quân lên tới 5-6% mỗi năm, cao hơn nhiều mức bình quân toàn cầu.

Theo một ước tính, dân số trung lưu tại Trung Quốc sẽ vượt mốc 500 triệu người trong vòng 10 năm tới. Dù cho nền kinh tế có phát triển chậm lại, thì sự gia tăng của tầng lớp này cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không: cả nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa”.

Tuy nhiên, Cheung Kwok Law cũng thừa nhận, mặc dù Trung Quốc có kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay đột phá trong những thập kỷ tới, nhưng họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực ngành hàng không.

Cùng với đó, tác động của việc tăng lưu lượng ngành hàng không đến môi trường cũng là vấn đề cần được quan tâm. Mới đây, Liên hợp quốc đã đưa ra đề án CORSIA liên quan đến việc bù đắp và giảm phát thải CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng quốc tế. Các hãng hàng không ở các quốc gia tham gia đề án sẽ được yêu cầu “mua” CO2 để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Tính đến đầu tháng 5/2019, đã có tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tự nguyện tham gia CORSIA, trong đó không có Trung Quốc.

Dự kiến, các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải tham gia đề án CORSIA kể từ năm 2027. Cùng với sự gia tăng nóng của số lượng sân bay, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải cân nhắc đến nguồn tiền lớn đổ vào CORSIA “mua” CO2 để giảm thiểu tác động của ngành hàng không đến môi trường.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục