Góc nhìn luật sư và ứng xử văn hóa về quyền tác giả qua vụ Sky Music

Minh Anh Thứ sáu, ngày 06/04/2018 08:53 AM (GMT+7)
Trong những ngày qua, Báo điện tử Dân Việt tiếp tục nhận được sự lên tiếng của hàng chục nhạc sĩ với mong muốn đi tìm sự thật về quyền tác giả âm nhạc, theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ, luật sư Lê Quốc Thắng.
Bình luận 0

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư - nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, tác giả của ca khúc "Phố xa" - người từng có nhiều năm là thành viên của Hiệp hội ghi âm, đồng thời cũng là "người bị hại" trong vụ Sky Music xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, xung quanh vấn đề này.

img

Luật sư - nhạc sĩ Lê Quốc Thắng tại trụ sở Văn phòng Luật sư .

Thưa nhạc sĩ, là luật sư, chắc hẳn anh hiểu rõ về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), xung quanh những lùm xùm về  vi phạm bản quyền giữa Sky Music với các nhạc sĩ được báo chí phản ánh, anh cho biết quan điểm của mình?

-Theo Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về các quyền của nhạc sĩ nói riêng, các tác giả cho tất cả loại hình nghệ thuật nói chung (Đ.19, 20 Luật SHTT). Bên cạnh đó còn có những quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm của tác giả. Nếu nơi sử dụng tác phẩm luôn tôn trọng pháp luật, điều chắc chắn rằng sẽ không có những vụ tranh chấp giữa tác giả và nơi sử dụng tác phẩm và điều đáng trân trọng hơn tác giả sẽ thường xuyên có tác phẩm để phục vụ cho công chúng, xã hội.

Xung quanh việc báo chí phản ánh các nhạc sĩ bị Sky Music xâm phạm quyền tác giả mấy ngày nay, theo quan điểm của tôi việc xâm phạm có rất nhiều hình thức khác nhau (Đ.28 Luật SHTT). Vì thế, các nhạc sĩ cần có những biện pháp tích cực, nhằm ngăn chặn những cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép tác phẩm của mình. Uỷ quyền cho người đại diện hoặc tổ chức quản lý quyền tập thể về âm nhạc là VCPMC, nhằm tìm chứng cứ và yêu cầu nơi xâm phạm bồi thường về vật chất, tinh thần cho bản thân mình cũng như tạo tính bắt buộc nơi sử dụng tác phẩm tôn trọng, chấp hành theo quy định nhà nước về quyền tác giả.

img

Nhạc sĩ, luật sư Lê Quốc Thắng- tác giả ca khúc "Phố xa" nổi tiếng.

Còn đứng ở góc nhìn luật sư về pháp luật và những ứng xử văn hóa trong lĩnh vực này và cụ thể là qua việc các nhạc sĩ lên tiếng Sky Music xâm phạm quyền tác giả?

-Bản chất của pháp luật là bản chất của xã hội, pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhằm tạo sự ổn định trật tự, công bằng giữa các cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức… ứng xử theo tinh thần thượng tôn pháp luật để tạo nên sự tôn trọng lẫn nhau khi làm việc, giao dịch, cùng nhau hợp tác hoặc giải quyết một vấn đề…

Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật hiện nay, cách ứng xử của những cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm của các tác giả đôi khi vẫn chưa thể hiện sự tôn trọng tác giả. Nhiều khi vô tình hoặc cố tình quên tên tác giả, phớt lờ lợi ích vật chất của họ. Sự tương tác “người có công, người có của” đòi hỏi phải có sự công bằng, tôn trọng, không những chỉ là cái tình đối với nhau mà còn là lợi ích của hai bên. Chính những tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm nên nhạc sĩ mới được công chúng yêu âm nhạc biết đến. Điều chắc chắn rằng nhiều nhạc sĩ luôn mong muốn sự ứng xử tôn trọng về quyền tác giả theo quy định của pháp luật, nhất là những nơi lấy tác phẩm của nhạc sĩ ra để kinh doanh.

Là nhạc sĩ, lại là luật sư, anh cho biết hình thức xâm phạm quyền tác giả phổ biến hiện nay ra sao?

-Ngày trước khi công nghệ chưa phát triển, hình thức phổ biến tác phẩm trong kinh doanh thường nơi sử dụng là các Trung tâm phát hành băng đĩa nhạc. Tôi và cũng đôi lúc đại diện cho nhiều nhạc sĩ thân quen đến nơi sử dụng để yêu cầu họ sửa lại tên tác giả chính xác, tiền tác quyền nếu họ chưa thanh toán. Nhưng bây giờ thì khác, công nghệ phát triển, việc xâm phạm thì muôn hình.

imgimg

Theo ghi nhận của phóng viên, danh sách các nhạc sĩ bị Sky Music vi phạm quyền tác giả là con số "khủng"

NS Lê Quốc Thắng: Ở góc độ Luật sư, đồng thời cũng là nhạc sĩ đã từng là thành viên của Hiệp hội ghi âm, theo tôi, nếu là nhạc sĩ có một hoặc nhiều bài hát thì nên đến VCPMC để uỷ quyền và đăng ký bài hát nhằm để nơi này bảo vệ quyền tác giả của chính bạn. Việc đăng ký nhằm tránh tình trạng ghi sai tên tác giả mà VCPMC còn đại diện cho các bạn thương thảo nhận thay tiền bản quyền cũng như thay mặt bạn để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Ví dụ: chỉ cần ghi âm lấy nhạc nền trên các trang mạng, tự thu âm tại nhà, tự dùng diện thoại quay hình ảnh… xong chỉ cần dựng lại bằng các phần mềm đơn giản là có thể đưa lên các trang mạng. Việc phổ biến kiểu này nhiều nhất hiện nay, khi giới thiệu clip thì không ghi tên tác giả hoặc ghi sai tên tác giả. Từ việc xâm phạm đó, khi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm để kinh doanh và thanh toán tiền cho tác giả mà  ”tham khảo” tên tác giả theo clip sai này thì kéo theo hàng loạt hệ luỵ về quyền lợi chính đáng của tác giả. Chưa nói đến các trang mạng không có pháp nhận hiện nay sao chép lại các bài hát và tự đưa về trang của mình đã khiến cho việc xâm phạm quyền tác giả trở nên phức tạp…

Vậy theo anh, các nhạc sĩ cần làm gì để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình?

- Bộ luật Dân sự 2015, Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009 đã được nhà nước quy định cụ thể về các mối quan hệ dân sự, quyền tác giả, quyền và nghĩa vụ nơi sử dụng tác phẩm…. Điều đòi hỏi là cơ quan thực thi pháp luật làm thế nào để ngăn chặn việc xâm phạm quyền tác giả bằng những quy định về quản lý, kiểm duyệt, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm của các tác giả. Nếu các cơ quan này bằng những biện pháp tích cực quản lý, chế tài các trang mạng đang “tung hoành” ghi sai tên tác giả cũng như không trả tiền cho tác giả hiện nay thì chắc chắn rằng việc xâm phạm sẽ bị hạn chế

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: “Tác phẩm của tôi là thuộc quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi nên bất cứ tổ chức, cá nhân nào sử dụng tác phẩm của tôi đều phải trả tiền - đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đối với tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Khi chúng tôi đã ủy thác cho Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thì bất cứ một cá nhân, tổ chức nào khi sử dụng âm nhạc của chúng tôi, phải có trách nhiệm thông qua VCPMC chi trả tác quyền theo đúng luật định. Sky Music sử dụng mà không trả tác quyền là vi phạm pháp luật”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Với vai trò Ban cố vấn, chúng tôi và VCPMC sẽ kề vai, sát cánh cùng các nhạc sĩ để đòi lại sự công bằng. Chúng tôi khẳng định, vụ việc lần này nếu phải thưa kiện đơn vị vi phạm là Sky Music ra tòa, chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi rất cần một sự minh bạch, thẳng thắn, công bằng vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem