Góc nhìn pháp lý 6 bị can bị khởi tố vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Phi Long Thứ sáu, ngày 02/02/2024 12:43 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về khởi tố bị can đối với 6 bị can về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trongvụ cháy chung cư mini ở Hà Nội.
Bình luận 0

Căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, xảy ra ngày 12/9/2023, tại nhà số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, ngày 30/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; ra quyết định khởi tố bị can đối với 6 bị can về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Góc nhìn pháp lý 6 bị can bị khởi tố vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội- Ảnh 1.

Vụ cháy ra ngày 12/9/2023, tại nhà số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ảnh: DV

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã bình luận về vấn đề này như sau:

Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt vụ cháy thương tâm đã xảy ra trên cả nước, trong đó có những vụ cháy kinh hoàng, để lại nỗi ám ảnh, hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng và tài sản.

Trong đó không thể không kể đến vụ cháy chung cư mini 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Hậu quả 56 người chết, 37 người bị thương (tính đến ngày 13/9/2023). Đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng với số lượng người chết chỉ sau vụ cháy tại tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) vào năm 2002 với 60 người thiệt mạng.

Điểm qua một số vụ cháy chung cư trong những năm gần đây, có thể thấy rõ nguyên nhân chính là chất lượng xây dựng, vận hành tòa nhà (ban quản lý tòa nhà), ý thức của cư dân sống tại chung cư, quan trọng hơn hết đó là trách nhiệm của các cán bộ trong việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, vận hành tòa nhà.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 sửa đổi Điều 84 Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 :"a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;

b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của luật này".

Như vậy, cán bộ công chức đã chuyển công tác hoặc về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Trong trường hợp Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của theo Quy Định số 69-QĐ/TW năm 2022 Về Kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm và pháp luật của Nhà nước.

Góc nhìn pháp lý 6 bị can bị khởi tố vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội- Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: PL

Đối với trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, tùy theo tính chất mức độ hành vi vi phạm và cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự 06 bị can bị khởi tố theo quy định tại khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự có thể bị xử phạt từ 07 đến 12 năm tù, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu phát hiện có hành vi đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem