Bệnh viện Đa khoa Hà Nam nói gì khi giá gói thầu thiết bị y tế chênh lệch tiền tỷ?

Thanh Phong - Gia Khiêm Thứ hai, ngày 12/12/2022 13:28 PM (GMT+7)
Trước việc mua sắm trang thiết bị y tế cùng một nhãn hiệu, mã hàng nhưng có sự chênh lệch về giá so với bệnh viện khác, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã lên tiếng.
Bình luận 0

Gói thầu thiết bị y tế chênh lệch giá hơn 2 tỷ đồng

Thời gian qua, dư luận xã hội đặc biệt chú ý tới tình trạng "loạn giá" các thiết bị y tế, các Đại biểu Quốc hội cũng đã phải lên tiếng về hoạt động đấu thầu mua sắm của ngành này.

Hiện tại, việc chênh lệch giá khi mua sắm thiết bị diễn ra ngay giữa các cơ sở y tế, bệnh viện. Cùng một sản phẩm, tuy nhiên, mỗi đơn vị mua với mức giá khác nhau, thậm chí chênh lệch tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng. 

Điển hình, ngày 29/3/2022, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam Phan Anh Phong ký Quyết định số 632/QĐ-BVHN, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm trang thiết bị y tế.

Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Việt Nam và công ty TNHH thiết bị HT Việt Nam. Gói thầu có giá dự toán 19.570.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười chín tỷ, năm trăm bảy mươi triệu đồng), giá trúng thầu 19.530.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười chín tỷ, năm trăm ba mươi triệu đồng). Như vậy, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 40.000.000 đồng, đạt tỉ lệ mang tính "tượng trưng" là 0,2%.

Bệnh viện Đa khoa Hà Nam nói gì khi giá gói thầu thiết bị y tế chênh lệch tiền tỷ? - Ảnh 1.

Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam Phan Anh Phong ký Quyết định số 632/QĐ-BVHN, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh chụp màn hình

Được biết, đây là gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng, hầu hết các thông tin được công khai minh bạch theo quy định hướng dẫn và cơ sở pháp lý trong luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng một số văn bản pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu yêu cầu kỹ thuật, có thể nhận thấy hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá tại các gói thầu của các bệnh viện khác.

Điển hình, máy đo cung lượng tim PICCO - Ký mã hiệu máy chính: PC4000 (PulsioFlex); Hãng sản xuất máy chính: Pulsion Medical Systems SE có đơn giá tại gói thầu của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam là 1.575.000.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, năm trăm bảy mươi lăm triệu đồng). 

Đáng chú ý, trước đó, vào tháng 9/2021, bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cũng tổ chức đầu thầu và mua sắm sản phẩm nói trên (trùng khớp tất cả tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật trong gói thầu của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) với giá 1.238.700.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, hai trăm ba mươi tám triệu, bảy trăm nghìn đồng). 

Như vậy, cùng một thiết bị máy đo cung lượng tim, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã mua "đắt" hơn bệnh viện Đa khoa TP. Vinh 336.300.000 đồng.

Tương tự, máy tán sỏi đường tiết niệu bằng Laser - Model: 1210-VHP; Hãng sản xuất: Trimedyne, Inc được bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam mua với giá trong gói thầu là 9.570.500.000 đồng (Bằng chữ: Chín tỷ, năm trăm bảy mươi triệu, năm trăm nghìn đồng). 

Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV Dân Việt, chiếc máy này đã được công ty TNHH Accutech Việt Nam nhập khẩu về đến Cảng hàng không Nội Bài có giá khoảng 7,7 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng một chiếc máy, số tiền chênh lệch đã lên tới 1.870.500.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, tám trăm bảy mươi triệu, năm trăm nghìn đồng).

Bệnh viện tỉnh Hà Nam nói gì trước thông tin gói thầu thiết bị y tế có dấu hiệu "đội giá"?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, đây là gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai qua mạng.

Bệnh viện Đa khoa Hà Nam nói gì khi giá gói thầu thiết bị y tế chênh lệch tiền tỷ? - Ảnh 2.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Lý cho hay: "Ngay cả đơn vị tư vấn, chúng tôi cũng chọn Viện trang thiết bị và công trình y tế của Bộ Y tế để thực hiện công tác tư vấn đấu thầu. Tất cả đều thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng. Chúng tôi xin thông tin để dư luận nắm được. 

Để so sánh 2 máy giá cao hay thấp còn phụ thuộc vào cấu hình của máy. Cụ thể như máy đo cung lượng tim thì máy của Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh chỉ có 2 chức năng, còn máy của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam nhập về có 3 chức năng, khác nhau nên giá khác. Chúng tôi cũng tra giá trên cổng Bộ Y tế đưa vào xây dựng hồ sơ mời thầu, kể cả máy Laser cấu hình cũng khác nhau".

Giải thích giá thiết bị chênh do khác nhau về mặt kỹ thuật, công dụng tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể, vị Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam không nêu rõ sự khác biệt giữa "2 chức năng" và "3 chức năng" là gì? 

Theo tìm hiểu của PV, tại chương V về yêu cầu kỹ thuật tại Gói thầu số 01: Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2020 tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, tiêu chí kỹ thuật máy đo cung lượng tim nêu rõ 3 chức năng cùng các thuyết minh cụ thể.

Đồng thời, trong các sản phẩm được nhiều đơn vị cung cấp thiết bị y tế đưa ra, các thiết bị cùng chủng loại cũng có chức năng tương tự, thậm chí cao hơn nhưng giá bán thấp hơn khá nhiều.

Phóng viên đưa ra dẫn chứng: "Qua khảo sát dựa trên cơ sở các đơn vị cung ứng, theo thông tin từ Hải quan tra, mã hàng trùng khớp nhưng mức giá chênh lệch. Cùng mẫu mã thiết bị y tế nhưng của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh lại có mức giá thấp hơn 300 triệu đồng?"

Về vấn đề này, ông Lý cho rằng: "Chúng tôi tin trên cổng của Bộ Y tế, không tin một đơn vị cụ thể nào bởi tất cả các đơn vị khi đấu thầu đều đưa lên cổng. Đối với bệnh viện, chúng tôi mua thiết bị dựa vào nhà cung cấp dịch vụ chuyên môn. Thứ 2, chúng tôi thông qua phê duyệt, định hướng mua thiết bị gì, cấu hình ra sao để đáp ứng chuyên môn, sau sẽ tìm đơn vị tư vấn có chức năng nhiệm vụ, năng lực chuyên môn. Quá trình đấu thầu chúng tôi thực hiện đúng quy định của Luật đấu thầu rộng rãi qua mạng".

Về thắc mắc máy tán sỏi đường tiết niệu bằng Laser có giá chênh lệch gần 2 tỷ, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho rằng "nên hỏi nhà kinh doanh".

"Mình chỉ quan trọng mua được thiết bị theo đúng nhu cầu của bệnh viện, qua sử dụng thiết bị cũng thấy ổn. Thiết bị cả hệ thống chứ không đơn lẻ… không có căn cứ nói bệnh viện đội giá hay không cả. Khi chúng tôi xây dựng cấu hình thiết bị, tư vấn và cũng dựa vào quy định, thông tư cũng đã tra giá trên cổng để tham khảo, thực hiện đấu thầu rộng rãi qua mạng", ông Lý nói thêm.

Cũng trong cuộc trao đổi, phía đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đưa ra một số văn bản được cho là thông tin về các thiết bị y tế được niêm yết giá công khai trên cổng như đã nêu. 

Tuy nhiên, đáng chú ý, phần thông tin về hiệu lực giá kê khai các thiết bị này là trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến 12/2023. Trong khi đó, gói thầu kể trên là từ đầu năm 2022, vậy sự so sánh, tham khảo này có hợp lý?

Kiểm tra giá, chất lượng sản phẩm không khó, không thể để xảy ra tình trạng "đội giá"

Trong thời gian gần đây, không chỉ trong ngành y tế, tình trạng mua sắm công thông qua đấu thầu của nhiều đơn vị phát sinh dấu hiệu "đội" giá sản phẩm. Khi được đặt câu hỏi về vấn đề này, nhiều chủ đầu tư cho rằng, việc thẩm định giá hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị chuyên môn đã được giao.

Theo nhận định của Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc phê duyệt kết quả gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị có trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của Luật đấu thầu. 

"Nếu chỉ phó mặc việc quyết định giá cho bên tư vấn, thẩm định giá mà chủ đầu tư không có trách nhiệm là hoàn toàn không đúng", Luật sư Hậu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo luật sư phân tích, theo Luật đấu thầu, việc tổ chức đấu thầu phải đảm bảo công bằng, minh bạch, việc sử dụng tiền ngân sách để đầu tư mua sắm công cũng phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm. Do đó, nếu để xảy ra tình trạng "đội" giá sản phẩm, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết thêm, với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ thông tin phát triển, hoạt động đấu thầu, mua sắm sản phẩm cũng sẽ được hỗ trợ rất nhiều.

"Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra các mức giá, chất lượng sản phẩm có tương đương mức giá hay không, sản phẩm, thiết bị tương tự được mua sắm ở các đơn vị, địa phương khác thế nào… trước khi lựa chọn nhà thầu. Không chỉ là sản phẩm trong nước mà sản phẩm nhập ngoại cũng hoàn toàn có thể dễ dàng kiểm tra thông tin.

Trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị thì ngay từ đầu đã phải công khai thông tin, không mập mờ. Điều quan trọng nhất vấn là người đứng đầu. Người đứng đầu quyết liệt, trung thực, thẳng thắn, công minh thì sẽ không bao giờ có chuyện tiêu cực xảy ra tại nơi mà mình quản lý", bà An chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem