GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang

Tào Nga Thứ hai, ngày 12/02/2024 13:00 PM (GMT+7)
Nhân dịp đầu năm mới 2024, PV báo Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ với GS Nguyễn Lân Dũng, là con thứ 3 của cố GS.NGND Nguyễn Lân. Thế hệ thứ 2 của gia đình danh giá Nguyễn Lân kể cả dâu, rể có 4 giáo sư, 5 phó giáo sư, 11 tiến sĩ.
Bình luận 0

GS Nguyễn Lân Dũng: "Ngày Tết càng nhớ bố mẹ"

GS Nguyễn Lân Dũng, sinh năm 1938, được biết đến là giáo sư Sinh học, Nhà giáo Nhân dân Việt Nam. Ông từng giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. GS Nguyễn Lân Dũng sinh ra tại Huế trong gia đình giàu truyền thống hiếu học, là con thứ 3 của cố GS.NGND Nguyễn Lân. Thế hệ thứ 2 của gia đình danh giá Nguyễn Lân kể cả dâu, rể có 4 giáo sư, 5 phó giáo sư, 11 tiến sĩ. Thế hệ thứ ba có 3 phó giáo sư và 5 tiến sĩ. Thế hệ thứ tư tuy còn nhỏ nhưng đã có cháu dạy đại học và nhiều cháu đang học đại học lớn như Harvard".

Nhân dịp đầu năm mới 2024, PV báo Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ với GS "biết tuốt" Nguyễn Lân Dũng - một giáo sư luôn trăn trở với bà con nông dân và người nghèo. 

GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 1.

PV báo Dân Việt trò chuyên với GS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Tào Nga

GS Nguyễn Lân Dũng ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi năm nay 86 tuổi rồi. Tôi đã trải qua nhiều cái Tết và có nhiều kỷ niệm. Ngày xưa, dù trong kỳ kháng chiến điều kiện khó khăn, thiếu thốn, đơn giản nhưng luôn có Tết. Không ít thì nhiều, nhà nào cũng cố gắng để gói bánh chưng.

Tết quan trọng nhất là sự sum họp gia đình nhưng điều đáng buồn nhất là bây giờ bố mẹ tôi đã không còn. Ngày thường đã nhớ, dịp Tết càng nhớ bố mẹ nhiều hơn. Dù bố tôi đã sống đến 98 tuổi, không thể sống nhiều hơn nữa, nhưng vẫn để lại hẫng hụt với chúng tôi. Chiều 30 Tết năm nào chúng tôi cũng tụ họp về để thắp hương cho bố mẹ".

Theo GS Lân Dũng: "Chúng tôi không phải là những người giỏi mà chúng tôi giỏi lên chính là nhờ sự nhắc nhở của bố. Bố tôi nói ít nhưng rất sâu sắc và làm tấm gương cho chúng tôi cố gắng học hành. Ngày Tết, bố tôi thường nhắc nhở con cháu những việc chưa làm được và cố gắng để thực hiện tiếp mục tiêu của mình.

GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 2.

Vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng và hai con chụp cùng ông nội - NGND Nguyễn Lân. Ảnh: NVCC

GS Dũng tự hào kể: "Bố tôi, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng bạc điền thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau này khi thi vào trường Bưởi, bố tôi nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 hồi đó khi còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên "Cậu bé nhà quê". Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh.

Cha tôi tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học. "Cậu bé nhà quê" thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh".

Điều đáng trân quý là ngày Tết, GS Nguyễn Lân Dũng không chỉ nhớ về bố mẹ, về truyền thống gia đình mà ông còn trăn trở về khoảng cách giàu nghèo giữa thành phố với nông thôn. "Gia đình tôi không khó khăn nhưng luôn nghĩ về những người khó khăn, làm sao tất cả chúng ta cùng đi lên. Tôi đã từng phải kêu gọi quyên góp tiền để mua áo cho trẻ em vùng núi vì trời rét thế này chỉ mặc áo mỏng manh. Nhưng khi phát quần áo xong lại thấy các em chỉ đi mỗi đôi dép nhựa cũ rách, không giày, không tất, tôi lại phải cấp tốc quyên góp tiền mua giày cho các em. Chúng ta có đi mới thấy được điều này.

Người nghèo hiện nay vẫn còn quá nhiều. Đáng thương nhất là trẻ em. Con trai tôi là giám đốc 2 bệnh viện nhưng vẫn thường xuyên lên miền núi phát hiện trẻ em bị tim bẩm sinh. Trẻ em thì như vậy, người lớn thì không biết làm gì tránh rét ngoài việc đốt lửa. Đốt lửa rất nguy hiểm, gây đột tử vì tạo ra Carbon dioxide. Giáo viên vùng cao thì vất vả. Tôi nhớ mãi hình ảnh giáo viên đi dạy đường đất trơn ngã. Xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến các trường bán trú, chung tay nhau tạo điều kiện cho giáo viên phát huy năng lực của mình".

GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 3.

GS Lân Dũng không ngừng đọc và viết mỗi ngày. Ảnh: Tào Nga

"Thái độ tốt nhất với con cái là động viên"

Năm 1971, GS Nguyễn Lân Dũng kết hôn với bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu, giờ là Đại tá, PGS. TS, thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 108. Bà Hiếu là con gái cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng suốt 30 năm của ngành Giáo dục.

Vợ chồng GS có 2 người con đều học hành giỏi giang, thành đạt. Người con trai đầu là Nguyễn Lân Hiếu, sinh năm 1972, hiện là PGS.TS, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Con gái là TS Nguyễn Kim Nữ Thảo, sinh năm 1983, từng được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiện là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vợ chồng ông có 4 người cháu là Nguyễn Lân Nghĩa, Nguyễn Tố An, Phạm Mỹ An, Phạm Thảo An.

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: "Thái độ tốt nhất với con cái là động viên và trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho con học, khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con học trường tốt để giữ được truyền thống hiếu học của cả 2 gia đình. Dù khó khăn về vật chất trong thời chống Mỹ, nhưng không bao giờ chúng tôi để các con thiếu dinh dưỡng, thiếu sách vở.

Con trai tôi từng vừa đi rửa bát, vừa học mổ tim ở Pháp. Con gái nhận học bổng du học ở Mỹ. Con bảo vệ luận án tiến sĩ với một chất tìm được không có trong tự nhiên mà chính bản thân tôi còn không hiểu. Các cháu tôi thì có nền tảng từ gia đình nên cứ thế phát triển lên. Cháu nội Nguyễn Lân Nghĩa (con trai bác sĩ Lân Hiếu) hiện đang học Đại học Harvard ở Mỹ. Cháu ngoại mới lớp 3 nhưng đam mê vẽ tranh, đánh đàn piano, còn xin ông một quyển sổ để viết truyện bằng tiếng Anh.

Việc chọn nghề cũng để các con tự quyết định. Con trai Hiếu chọn ngành Y theo mẹ, còn con gái Thảo chọn ngành Sinh học theo bố. Hai con luôn đạt thành tích cao trong học tập và sau này đi học nước ngoài đều bằng học bổng. Thảo học tiến sĩ ở Mỹ và sau này đi thực tập tại Nhật. Khi học phổ thông, Thảo từng có huy chương của một cuộc thi Olympic Quốc tế.

Vợ chồng tôi quan niệm dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Điều vợ chồng tôi mong mỏi nhất ở hai con là lòng hiếu thảo, vì thế nên mới đặt tên hai con như vậy. Chúng tôi mong muốn hai con không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, ông bà mà còn là hiếu thảo với thầy cô, với quê hương, đất nước.

GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 4.

GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 5.
GS Nguyễn Lân Dũng kể về truyền thống gia đình Nguyễn Lân và 2 người con giỏi giang- Ảnh 6.

GS Nguyễn Lân Dũng và góc kỷ niệm của gia đình. Ảnh: Tào Nga

Chúng tôi không dạy dỗ gì nhiều con cái mà chủ yếu chỉ là làm gương trong cuộc sống và nhắc nhở thường xuyên với con (và sau này cả với các cháu) về những việc nên làm, những việc nên tránh. Chúng tôi mua các sách báo phù hợp để các con tự bồi dưỡng thêm trí thức và tình cảm. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc chọn bạn của các con. Cả hai con đều có những người bạn rất thân từ thời học tiểu học cho đến nay. Chúng tôi lưu ý đến sức khỏe của hai con cũng như bồi dưỡng lòng yêu quý nghệ thuật. Về sau, do có điều kiện hơn nên cả hai con đều mua được đàn piano cho các con của mình và cho các cháu được học vẽ từ nhỏ".

Dạy con trước hết là bằng sự gương mẫu của cha mẹ. Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài và thuận lợi cho các đợt bồi dưỡng tại nước ngoài. Chúng tôi thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái.

Chúng tôi xây dựng tủ sách gia đình với đủ các sách công cụ (từ điển, sách tra cứu), sách khoa học chuyên ngành, sách văn hóa, nghệ thuật, nữ công, gia chánh. Các tường trong nhà đều là giá sách và đó là tài sản rất có ích cho mọi thành viên của gia đình. Chúng tôi tạo điều kiện cho con, cháu về chỗ học tập, sách vở, máy tính, máy in, điện thoại thông minh. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu về lòng kính trọng thầy cô và thường xuyên giữ mối quan hệ với thầy cô. Con cháu là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng việc con cháu khỏe mạnh, thành trưởng và có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc".

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, các con cháu thành đạt, bản thân GS Nguyễn Lân Dũng không ngừng làm việc. Đặc biệt, ở tuổi 86, GS Nguyễn Lân Dũng vui vẻ cho biết sắp tới tiếp tục cho ra mắt cuốn sách về Trí tuệ nhân tạo AI. "Tôi đọc sách và viết mỗi ngày nhưng vẫn không kịp với sự biến đổi của thế giới", GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem