Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng vào 2 giống lúa chất lượng cao, thơm mềm

 Đăng Hải Thứ tư, ngày 29/11/2017 18:51 PM (GMT+7)
Qua rà soát của Sở NNPTNT Hà Nội, riêng người dân 10 quận nội thành, trung bình một năm tiêu thụ khoảng 67.000 tấn gạo chất lượng cao. Những năm gần đây, dù tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới cho nông dân, song tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội mới chiếm từ 8 đến 14% diện tích trồng lúa.
Bình luận 0

Trong khi đó, quy mô trồng lúa của thành phố hiện rất phân tán, nhỏ lẻ, bộ giống nghèo nàn; công nghệ sau thu hoạch như: Phơi, sấy, bảo quản, chế biến lúa chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết.

img

Nông dân xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) gieo mạ khay chuẩn bị cho vụ mới.  Ảnh: Đăng Hải

Để giải quyết những tồn tại trên, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển kỹ thuật và chuyển giao công nghệ TP.Hà Nội, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) châu Á - Thái Bình Dương thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu cho nhân dân Thủ đô”.

TS Trần Duy Phương - Viện Nghiên cứu KHKT châu Á - Thái Bình Dương cho hay: Dự án được triển khai với 2 giống lúa thuần Sơn Lâm 1 và QJ1 được chọn tạo bởi tập thể các nhà khoa học Viện Nghiên cứu KHKT châu Á - Thái Bình Dương và Viện Di truyền nông nghiệp. Hiện gạo chất lượng cao của Hà Nội được trồng chủ yếu từ giống bắc thơm số 7 nhưng giống này thường bị bệnh bạc lá vào vụ mùa. Hai giống lúa dự án triển khai có lợi thế hơn hẳn về năng suất, cao hơn từ 10 - 15%, khả năng chống chịu bệnh bạc lá.

"Qua đó, xây dựng các mô hình sản xuất giống, tạo ra khoảng 60 tấn giống nguyên chủng, 600 tấn hạt giống xác nhận, 2.000 tấn gạo thương phẩm chất lượng cao" - TS Phương cho hay.

Dự án trên được triển khai từ cuối năm 2016 tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm của Hà Nội như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Năm 2017, dự án triển khai với 110ha, trong đó: Giống Sơn Lâm 1 là 60ha, giống QJ1 là 50ha.

Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: Thực tế triển khai mô hình cho thấy, năng suất bình quân giống QJ1 đạt 65,5 tạ/ha vụ xuân, vụ mùa đạt 60,2 tạ/ha; giống lúa Sơn Lâm 1, năng suất đạt 65 tạ/ha vụ xuân, vụ mùa đạt 58,5 tạ/ha. Cả 2 giống đã thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; hạt gạo tròn, tỷ lệ bạc bụng thấp, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ…

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho rằng: "Dự án trên đã đi đúng định hướng của Hà Nội về việc đưa ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung, định hình tập quán canh tác lúa theo công nghệ mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem