Hà Nội: 3 - 5 cơ sở sản xuất di dời do không phù hợp quy hoạch trong năm 2023

04/02/2023 20:02 GMT+7
Trong năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình di dời 3-5 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch. Điều dư luận quan tâm là những khu đất sau khi di dời cơ sở sẽ được sử dụng là những công trình công cộng hay xây dựng những tòa chung cư cao tầng.

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch, trong đó sẽ chọn 3 - 5 cơ sở để thực hiện trong năm 2023. Thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống thoát nước đô thị; khắc phục tình trạng úng ngập…

Việc di dời cơ sở sản xuất khỏi nội đô là nội dung UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

Thành phố sẽ hoàn thành trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại khu chung cư cũ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch quy hoạch đã được duyệt.

Hà Nội: 3 - 5 cơ sở sản xuất di dời do không phù hợp quy hoạch trong năm 2023 - Ảnh 1.

Trong năm 2023, Hà Nội di dời 3 - 5 cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch (Ảnh: TN)

Trước đó, đối với việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, tháng 7/2022, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).

Cụ thể, danh mục 9 cơ sở sản xuất di dời gồm: Cty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Cty TNHH một thành viên In Báo Hànộimới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Cty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Cty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Cty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Cty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2023, việc di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội đô là một trong nhiều mục tiêu chủ chốt được thành phố Hà Nội hướng đến. Trong số 9 cơ sở phải di dời theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 50ha quỹ đất sạch. Tuy nhiên, khi đề cập tới việc sử dụng đất sau di dời sẽ thực hiện như thế nào thì đây vẫn đang là dấu hỏi lớn với chính quyền Hà Nội.

Điều khiến dư luận lo ngại là nhìn vào "lịch sử" các quỹ đất, cơ sở sản xuất di dời thay vì tạo quỹ đất phục vụ dân sinh thì nhiều khu đất vàng đã mọc lên cao ốc, chung cư, khiến quy hoạch bị phá vỡ và mật độ dân cư tại các khu vực này quá cao, là "gánh nặng" cho hạ tầng đô thị.

Trước đây, nhiều khu đất có cơ sở sản xuất di dời đã biến thành các dự án chung cư ngay khi đất vàng vừa được giải phóng. Đơn cử đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất tại số 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) bây giờ đã trở thành dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2. Hay như khu đất 3,7 ha tại số 90 Nguyễn Tuân trước đây thuộc Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng, nay cũng đã trở thành một tổ hợp nhà ở thương mại.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, muốn các khu đất vàng được thực hiện đúng các chức năng ưu tiên cho hạ tầng công cộng thì phải có thêm những văn bản dưới luật để ràng buộc các doanh nghiệp sau khi di dời phải bàn giao khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố.

"Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Ngay cả việc giám sát quá trình khai thác sử dụng đất tại các nhà máy sau di dời cũng phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa", ông Nghiêm nhấn mạnh.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục