Hà Nội: Lịch sử là môn thứ 4 thi vào lớp 10 THPT năm 2021

Tuệ Nguyên Thứ sáu, ngày 12/03/2021 13:51 PM (GMT+7)
Chiều 12/3, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã chọn môn Lịch sử làm môn thứ 4 thi vào lớp 10 THPT năm học 2021- 2022.
Bình luận 0
Hà Nội: Lịch sử là môn thứ 4 thi vào lớp 10 THPT năm 2021 - Ảnh 1.

Năm 2021, các thí sinh sẽ thi các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử để vào lớp 10.

Lịch sử là môn thứ 4 thi vào lớp 10

Như vậy, để vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm 2021, các thí sinh của Hà Nội sẽ phải làm 4 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 29 và 30/5 với 4 bài thi bắt buộc.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường THCS).

Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi.

Bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút/bài thi; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề thi.

Thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD-ĐT, theo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/08/2020 và của Sở GD-ĐT ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 3/9/2020.

Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức, nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao.

Đề thi môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Trong năm học 2021 - 2022, đối với các trường THPT công lập, Hà Nội vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh như các năm học trước.

Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh).

Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh.

Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở GD-ĐT sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.

Về nguyện vọng dự tuyển, mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem