Hà Nội: Người dân được họp chợ trong giãn cách xã hội tại địa điểm ít người ngờ tới

Ánh Tuyết Thứ năm, ngày 09/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tại xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) chợ được họp ngay tại nhà văn hóa thôn. Lương thực, thực phẩm đầy đủ, có chính quyền giám sát đảm bảo phòng, chống dịch an toàn.
Bình luận 0

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới. Clip. Ánh Tuyết.

Trong những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chợ kiểu mới, họp tại nhà văn hóa đã xuất hiện tại các thôn thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức để phục vụ bà con các mặt hàng thiết yếu.

Chợ họp ở nhà văn hóa

7 giờ sáng thứ 3 và thứ 6 trong tuần, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (thôn Phú Vinh, xã An Khánh) đều đặn ra nhà văn hóa thôn để mua thức ăn. Nguồn thịt, rau, cá dồi dào, luôn cung cấp đủ cho chị và người dân trong thôn.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 1.

Khu vực nhà văn hóa thôn Phú Vinh được chính quyền địa phương linh hoạt chuyển thành chợ để đảm bảo lương thực cho người dân trong lúc giãn cách. Ảnh: Ánh Tuyết.

Hơn 1 tháng nay, chị Cúc và người dân thôn Phú Vinh đã quen với điều này. 

Nhà văn hóa thôn Phú Vinh cũng như 6 nhà văn hóa khác trên địa bàn xã An Khánh từ nhiều ngày nay đã trở thành chợ, là nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội.

"Thích lắm. Có chợ đi như này, đồ ăn, thức uống được đảm bảo hàng ngày, không lo thiếu. Từ ngày chợ được dựng lên tại nhà văn hóa, chợ cóc, chợ tạm cũng bị dẹp bỏ. Người dân trong thôn đổ dồn về đây để mua đồ, vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo công tác chống dịch", chị Cúc chia sẻ.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 2.

Có nhiều gia đình là chủ nhà trọ, chỉ được một phiếu đi chợ nên họ tranh thủ mua cho cả khu. Ảnh: Ánh Tuyết.

Người dân thôn Phú Vinh được phát phiếu đi chợ, mỗi tuần 2 lần để đảm bảo chống dịch. Người này thiếu đồ có thể nhờ hàng xóm mua hộ và ngược lại, trong giãn cách, không ai thiếu lương thực, thực phẩm.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 3.

Những mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá được đảm bảo, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong bữa ăn của mình. Ảnh: Ánh Tuyết.

Không chỉ người mua, các tiểu thương trong chợ cũng phấn khởi ra mặt. Tiểu thương hầu hết người làng Phú Vinh, từ khi chợ truyền thống Phú An đóng, họ chuyển hẳn sang nhà văn hóa.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 4.

Anh Hoàng Văn Anh cũng như nhiều tiểu thương khác phấn khởi khi có chỗ buôn bán trong giãn cách. Ảnh: Ánh Tuyết.

Anh Hoàng Văn Anh (50 tuổi, thôn Phú Vinh, xã An Khánh) đang phụ vợ gom trứng cho lên sạp nói: "Cũng may chính quyền có chính sách kịp thời, được cho cả người bán lẫn người mua. Nếu so với ngày thường thì số lượng không thể bằng được, nhưng trong thời gian giãn cách, phần có thêm thu nhập, phần cung cấp thực phẩm cho bà con, chúng tôi cũng rất vui".

Đảm bảo tuyệt đối công tác chống dịch

Chị Nguyễn Thị Ngọc (45 tuổi, thôn Phú Vinh, xã An Khánh) đang cặm cụi ghi tên những người đến chợ, đồng thời không quên nhắc mọi người đảm bảo giãn cách.

"Chi hội phụ nữ thôn được chia ra 5 tổ, luân phiên thay nhau trực, kiểm soát phiếu của người dân. Chúng tôi có mặt từ sáng sớm, sau đó tiến hành kiểm tra phiếu, đánh dấu và ghi lại danh sách. Nếu lỡ có dịch, việc kiểm tra, rà soát cũng dễ dàng hơn", chị Ngọc cho hay.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 5.

Chi hội phụ nữ thôn Phú Vinh, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) được chia ra 5 tổ, luân phiên thay nhau trực, kiểm soát phiếu của người dân. Ảnh: Ánh Tuyết.

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, ngày cao điểm, chợ nhà văn hóa Phú Vinh đón khoảng 400 người, còn trung bình khoảng 120 -150 người.

Chợ họp suốt từ 6h sáng đến chiều tối. Cuối tuần đông hơn cả, sáng từ 6h là bắt đầu đông đến trưa thì vãn dần, chiều thì ít hơn.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 6.

Lượng người vào chợ tại nhà văn hóa Phú Vinh khá đông nên lực lượng phòng dịch kiểm soát rất chặt, từ phiếu đi chợ đến đo thân nhiệt. Ảnh: Ánh Tuyết.

Nói về khó khăn, ông Nguyễn Biên Cương (44 tuổi, Trưởng thôn Phú Vinh) chia sẻ: "Vất vả nhất cho chúng tôi ngày mới lấp chợ là việc tuyên truyền cho người dân hiểu và tuân thủ quy định. Nhiều người không có phiếu nhưng vẫn đi, cũng may khu vực chúng tôi toàn người làng, người nhà, nên việc tuyên truyền đạt hiệu quả rất cao".

Do nhà làm về phông bạt, chính ông Cương là cũng cấp khung sắt, dựng bát, chia ô tại nhà văn hóa thôn mà không lấy nghìn nào từ tiểu thương.

Hà Nội: Người dân được họp chợ tại địa điểm không ai ngờ tới - Ảnh 7.

Chính quyền xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã linh hoạt trong việc tổ chức chợ cho người dân, tránh trường hợp chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Ánh Tuyết.

Chưa hết, để đảm bảo an toàn, toàn bộ tiểu thương buôn bán tại chợ đều được test Covid-19 liên tục, cũng như được ưu tiên tiêm vắc xin, để chắc chắn rằng chợ được hoạt động đảm bảo nhất.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Quang Ất - Chủ tịch UBND xã An Khánh xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Sau khi chợ truyền thống đóng cửa, chúng tôi thực hiện chuyển khu vực sân nhà văn hóa thành chợ để đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân cũng như đảm bảo chống dịch.

Việc lập chợ ở nhà văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Người dân yên tâm trong thời gian dãn cách, không còn tình trạng chợ tạm, chợ cóc hoạt động. Chúng tôi sẽ giữ hoạt động chợ đến lúc hết giãn cách, mở lại chợ truyền thống".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem