Hà Nội: Nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 24/12/2021 13:42 PM (GMT+7)
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đã xây dựng các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu (ba kích, kim tiền thảo, hà thủ ô, sa nhân tím, đinh lăng, khôi tía, mắc ca, sơn tra, tre bát độ, quế,, trám ghép...). Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho các hộ gia đình.
Bình luận 0

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia

Sáng 24/12, tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Trung tâm KNQG tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: "Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia".

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG chia sẻ về hiệu quả của các mô hình khuyến nông, hỗ trợ người dân sống ở vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn Quốc gia. Thực hiện: Minh Ngọc

Theo Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NNPTNT), hàng năm các Ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng vùng đệm từ ngân sách Trung ương với diện tích bình quân khoảng 500.000 ha, mức khoán cho hộ gia đình, cộng đồng căn cứ đối tượng, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Tổng số 74 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 45% tổng số ban quản lý rừng, với tổng diện tích rừng năm trong lưu vực là 1,148 triệu ha, chiếm khoảng 48% về diện tích rừng đặc dụng, kinh phí chi trả khoảng 320 tỷ đồng, bình quân 292 ngàn đồng/ha (thấp nhất là 628 đồng/ha và cao nhất là 1 triệu đồng/ha).

Người dân thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG phát biểu khai mạc Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: "Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia". Ảnh: Minh Ngọc

Giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ thông qua Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển vùng đệm với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng.

Tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, trong những năm qua, Trung tâm đã chú trọng đến công tác chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các lớp tập huấn, các diễn đàn, tọa đàm và các mô hình trình diễn về lâm sản ngoài gỗ.

Trong đó, có thể kể đến như mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu (ba kích, kim tiền thảo, hà thủ ô, sa nhân tím, đinh lăng, khôi tí, đảng sâm, đương quy...) tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Đắk Nông...

Người dân thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia - Ảnh 3.

Đồng bào Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) trồng cây thuốc nam ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm (mắc ca, sơn tra, tre bát độ, quế,, trám ghép, giổi ăn hạt...) tại các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Phú Yên...

Hay như mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu: mây K83, luồng... được triển khai tại các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa...

"Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình, chính vì vậy đã có nhiều hộ hộ dân trên địa bàn vùng dự án mở rộng diện tích, hình thành các vùng trồng tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước", ông Thanh cho biết.

Ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, trong những năm qua Ban quảng lý Vườn Quốc gia Ba Vì đã tăng cường công tác tuyên truyền, tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển rừng, cũng như hỗ trợ sinh kế cho những hộ dân sống ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Hơn 30 năm nay, nhờ làm tốt công tác quản lý lừng theo quy chế rừng đặc dụng, được sự quan tâm từ Trung ương, địa phương và nhân dân vùng đệm, đến nay Vườn Quốc gia Ba Vì không còn hiện tượng người dân khai thác rừng tự nhiên trái phép. Mỗi người dân cũng có ý thức hơn bảo vệ rừng.

Người dân thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia - Ảnh 4.

Cán bộ Vườn quốc gia Ba Vì trao bò giống cho các hộ dân tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì) trong chương trình hỗ trợ thôn, bản vùng đệm năm 2019.

Sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Vì trong cảnh hộ nghèo hơn 60 năm nay, 2 đứa con đi làm xa để lại cho vợ chồng bà Đỗ Thị Mai, thôn Cốc Đồng Tâm, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Trước giờ, bữa cơm của 2 ông bà già chỉ dựa vào củ sắn, củ khoai. Chưa bao giờ bà nghĩ đến thành quả có được ngày hôm nay.

Năm 2018, nhờ được Vườn Quốc gia Ba Vì cấp cho con bò giống, đến nay bò nhà bà Mai đã sinh được 2 con bê khỏe mạnh, nhiều người đến xem còn trả giá cao. "Được chính quyền các cấp, Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì giúp đỡ về sinh kế, tôi rất phấn khởi. Giờ đây gia đình tôi đã có cơ hội thoát nghèo".

Người dân thoát nghèo nhờ trồng dược liệu, nuôi bò ở vùng đệm khu bảo tồn, vườn Quốc gia - Ảnh 5.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp triển khai các mô hình để hỗ trợ người dân sống ở vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn Quốc gia. Ảnh: Minh Ngọc

Thời gian qua, Vườn Quốc gia Ba Vì đã không ngững hỗ trợ sinh kế cho người dân sống ở vùng đệm có đời sống ngày một nâng lên. Năm 2018, Vườn Quốc gia Ba Vì đã cấp 82 con bò giống và hơn 20.000 cây giống ăn quả cho các thôn, bản.

Tại Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, kết hợp hỗ trợ sinh kế cho người dân sống ở vùng đệm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, hộ dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Bà chia sẻ: "Tôi cùng các hộ dân sống ở vùng đệm của Vườn thường xuyên được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và động vật sống trong Vườn. Ngày trước, tình trạng người dân săn bắt Voọc, nhưng giờ đây bà con đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn động vật quý hiếm này".

Trong thời gian tới, Trung tâm KNQG sẽ tiếp tục cập nhật các TBKT về bảo tồn, gây trồng và phát triển cây lâm sản ngoài gỗ (LSNG), đặc biệt với một số cây thế mạnh ở các vùng miền để phổ biến, khuyến cáo nông dân áp dụng.

Tiếp tục đề xuất triển khai các mô hình khuyến nông về cây LSNG theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ để gia tăng giá trị hàng hóa.

Ưu tiên các lớp tập huấn khuyến lâm đối với LSNG cho các vùng sản xuất truyền thống, vùng tiềm năng phát triển để nâng cao kỹ năng sản xuất, chế biến, quảng bá sản phẩm của địa phương.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, tác dụng của LSNG, giới thiệu những điển hình tiên tiến trong sản xuất, phổ biến kỹ thuật sản xuất, khuyến khích các mặt hàng LSNG tham gia các hội chợ hàng năm của vùng.

Đối với Khuyến nông địa phương, vườn quốc gia và khu bảo tồn, Trung tâm KNQG sẽ tiếp tục chuyển giao các TBKT về giống mới, biện pháp canh tác mới của cây LSNG có giá trị tại địa phương để người dân biết và ứng dụng.

Đề xuất nguồn lực địa phương để xây dựng mô hình, mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về LSNG cho người dân.

Tư vấn kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp thu mua chế biến LSNG để tạo thành chuỗi giá trị có gắn kết và chia sẻ lợi nhuận, góp phần tạo thành vùng hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Kiến nghị, đề xuất các chính sách của địa phương cho vấn đề bảo tồn và phát triển cây LSNG tại địa phương.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem