Hà Nội "quay xe" lùi lịch học lớp 1-6 nội thành, chuyên gia giáo dục: "Sẽ tạo ra tiền lệ!"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 19/02/2022 06:15 AM (GMT+7)
Hà Nội vừa điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối 1-6 của 12 quận nội thành, các chuyên gia giáo dục phân tích tâm lý phụ huynh và "tiền lệ" của việc "quay xe" lần này.
Bình luận 0

Trước quyết định lùi thời gian cho học sinh lớp 1-6 của 12 quận nội thành Hà Nội chiều 18/2, nhiều phụ huynh bày tỏ vui mừng như trút được mối lo trong lòng. Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phụ huynh đều muốn con đi học nhưng thực tế mọi người cảm thấy chưa yên tâm, chưa muốn con đến trường trong giai đoạn này.

"Thứ nhất, các chính sách, quy định trong các trường học không thuận tiện, có trường lại "chặt" quá. Khi có học sinh F0 thì cả lớp nghỉ 1 tuần. Điều đó khiến bố mẹ nghĩ rằng, cứ đi học 1 buổi lại nghỉ thì ở nhà cho xong.

Thứ hai, nhà trường không được tổ chức ăn bán trú gây khó khăn cho phụ huynh vì họ phải thêm trách nhiệm trong việc đưa đón con.

Thứ ba, yêu cầu xét nghiệm, test nhanh định kỳ hoặc trước khi đến trường, dù là phương án an toàn cho học sinh nhưng lại gây áp lực tài chính, bức xúc trong phụ huynh.

Hà Nội lùi lịch cho học sinh lớp 1-6 nội thành đi học, chuyên gia giáo dục: "Sẽ tạo ra tiền lệ sau này" - Ảnh 1.

Cô trò Trường THCS Thanh Xuân Trung trong ngày đầu đi học 8/2. Ảnh: Tào Nga

Thứ tư, số lượng ca F0 ngày càng tăng lên khiến phụ huynh có tâm lý hoang mang. Chúng ta cần phải công bố số liệu từ đầu rằng khi mở cửa trường thì đỉnh dịch là bao nhiêu. Nếu được thông tin cụ thể, rõ ràng thì phụ huynh không còn lo lắng như hiện tại. Ngay cả cách giáo viên thông tin đến phụ huynh trong buổi họp lấy ý kiến cũng chưa phù hợp, chưa đưa ra được quy trình để phụ huynh cảm thấy yên tâm cho con đi học", ông Nam cho hay.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam: "Một số lo lắng của phụ huynh là có cơ sở bởi cơ sở vật chất ở các trường học không đồng đều. Nhiều trường không đảm bảo không gian, khoảng cách, số lượng học sinh đông đến 50 học sinh trong phòng. Chính vì vậy dù giáo viên, nhà trường có phương án thế nào thì cha mẹ nhìn vào thực tế vẫn thấy nghi ngờ vì không đảm bảo theo cam kết hay đúng như hướng dẫn trường học an toàn.

Các trường có quyết tâm đưa học sinh đi học lại, có sự chuẩn bị đầy đủ, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn. Tuy nhiên, khi các ngành "mở cửa" thì trách nhiệm của từng cá nhân phải nâng cao để bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng, quy trình chuẩn chỉ... Song thực tế việc bố mẹ dạy kỹ năng cho con không đồng đều, thậm chí là yếu. Đến khi con đi học là F0 thì gia đình chịu trách nhiệm mà không có sự chia sẻ nào từ xã hội và nhà trường".

Chia sẻ về việc điều chỉnh lịch đi học mới đây của học sinh nội thành Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: "Tôi ghi nhận sự nỗ lực của các ban ngành đã có thời gian chuẩn bị kỹ càng cho học sinh sớm đến trường. Thế nhưng, việc "quay xe" của Sở lần này sẽ tạo ra tiền lệ. Lần sau khi quyết định cho học sinh đi học sẽ khó khăn hơn và cần có nhiều việc phải làm hơn. Không chỉ là mô hình y tế an toàn mà cần tư vấn giáo dục cho phụ huynh, nhà trường và kích hoạt nhiều hệ thống hỗ trợ hơn nữa".

Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ: "Cho học sinh đi học lại rồi lại quyết định nghỉ cho thấy Sở chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Sở cần có sự tính toán kỹ trước khi quyết định cho đi học tập trung, tránh tình trạng lúc thế này, lúc thế khác".

Quyết định lùi lịch học gây thất vọng?

Mặc dù quyết định lùi lịch học sẽ "ấm lòng" với nhiều phụ huynh nhưng nhà văn Hoàng Anh Tú lại đưa ra cảnh báo: "Thông báo của Sở GDĐT Hà Nội khi nói việc hoãn cho trẻ tiểu học đến trường có viết "Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con trở lại trường chưa cao" và còn cả lý do về thời tiết khắc nghiệt. Nhưng quyết định hoãn cho trẻ trở lại trường đúng là gây thất vọng vô cùng lớn. Đặc biệt là với những đứa trẻ đang rất háo hức trở lại trường như con gái của tôi.

Việc hoãn lại hôm nay có thể khiến những phụ huynh phản đối con được trở lại trường sẽ vô cùng hoan hỉ. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng con họ đã reo mừng khi nhận tin hoãn. Nhưng tôi thật sự lo cho những đứa trẻ đó. Bởi chúng reo mừng không phải vì sợ đến trường có Covid-19 mà là sợ học. Chúng có thể đang có những vấn đề mà nhiều cha mẹ bỏ qua, như chứng lười học.

Sau hơn 8 tháng ở nhà, nhiều học sinh bắt đầu sợ đến lớp. Như nỗi lo lắng về việc trở lại trường cho thấy trường học không còn là nơi hấp dẫn, bạn bè không còn là niềm vui, khả năng tương tác xã hội của chúng cũng đang gặp những vấn đề. Và có thể còn đáng sợ hơn, lũ trẻ đang mất hoàn toàn hứng thú với trường lớp. Hoặc cũng có thể, nỗi sợ Covid của cha mẹ đã gây tác động mạnh mẽ khiến con trẻ sợ hãi.

Cá nhân tôi thật sự mong muốn tư duy "trường học zero Covid" sẽ không còn nữa. Tôi mong là mọi đứa trẻ đều sẽ sớm được đến trường. Vì thứ chúng cần không phải là kiến thức. Mà là khí trời, là tương tác xã hội, là bạn bè, là vận động và cả là kỹ năng sống trong môi trường có dịch. Chúng ta còn muốn nhốt con em của chúng ta đến bao giờ nữa?".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem