Hà Nội tìm cách giảm ùn tắc trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất

Thành An Thứ sáu, ngày 02/02/2018 15:42 PM (GMT+7)
Trước tết Nguyên đán Mậu Tuất, giao thông Hà Nội đang tăng gấp 8 đến 10 lần so với bình thường. Do đó, các cơ quan chức năng thành phố đang ra sức tìm cách giảm thiểu tình trạng này.
Bình luận 0

Giao thông Hà Nội tăng đột biến

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhưng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông (CSGT), Trật tự giao thông (TTGT), Cảnh sát trật tự (CSTT)... phải gồng mình điều tiết nhằm kéo giảm ùn tắc.

Ghi nhận của PV Dân Việt trên nhiều tuyến đường trong giờ cao điểm, tại các nút giao trọng điểm trên địa bàn Hà Nội như Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng - Đại Từ, tuyến Định Công, Trương Định cầu sét - Trương định - Giáp Bát, Giải Phóng - Ngọc Hồi - Linh Đường - Hoàng Mai,… người xe ken đặc, nhiều thời điểm người đi đường phải nhích từng mét. Các lực lượng liên ngành của Hà Nội được huy động tối đa ở các nút giao, điểm đen ùn tắc để phân luồng, giải tỏa.

img

Tại Hà Nội, hiện lưu lượng phương tiện đang tăng gấp 8 đến 10 lần so với thời gian trước đây. Ảnh: Thành An

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an thành phố (CATP) Hà Nội cho biết, hiện lưu lượng phương tiện đang tăng gấp 8 đến 10 lần so với thời gian trước đây. Dù vào buổi trưa mật độ phương tiện vẫn rất cao.

Trước nguy cơ Hà Nội sẽ bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong năm 2018, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, Sở Giao thông vận tải (GTVT), CATP cùng các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện thường xuyên, đồng bộ các biện pháp, giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các "điểm đen” ùn tắc giao thông để đánh giá đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài. 

Bắt đầu từ ngày 19.10.2017 đến hết tháng 2.2018, 100% cán bộ, chiến sĩ các đội tuần tra thuộc Phòng CSGT sẽ làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm trật tự ATGT trong giờ cao điểm (sáng từ 6h30 8h30, chiều từ 16h-19h30).

Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị các lực lượng chức năng, thanh tra Sở GTVT, CSGT... cần tăng cường hiệp đồng phối hợp, tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố… 

Về vấn đề này, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, Phòng Thanh tra đã bố trí, huy động 71 đồng chí trong một ca trực tại 66 vị trí, chốt thường xuyên ùn tắc, giao trách nhiệm cho các đội trưởng phụ trách và chịu trách nhiệm nhằm đảm bảo chống ùn tắc những ngày cận Tết.

Cũng theo ông Hải, hiện lực lượng thanh tra được tăng cường tối đa để phối hợp liên ngành hướng dẫn, phân luồng giao thông, chống ùn tắc giao thông tại các điểm ùn tắc giao thông như: các nút giao trọng điểm, cổng trường học, khu chợ, bến xe, bệnh viện, các nút giao chưa có đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn.

img

Cơ quan chức năng Hà Nội đã huy động nhiều lực lượng để điều tiết phương tiện giao thông đi lại trong dịp Tết Nguyên đán trong địa bàn thành phố. Ảnh: Thành An

Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý đến những điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa ở Hoàn Kiếm, Mỹ Đình, Tây Hồ… và các đường dẫn lên cầu, đường vành đai, các tuyến, nút trọng điểm, hơn 60 chợ hoa, trên 100 chợ cóc, các khu vực cổng bệnh viện, 5 bến xe lớn.

Theo đó, Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp thu các giải pháp về mặt chuyên môn được Trưởng Phòng CSTT, CSGT nêu ra; chú ý phân công, phân nhiệm vào giờ, nút cụ thể, linh hoạt, đồng thời bố trí lực lượng đủ mạnh để giải quyết ùn tắc, TTATGT. Các đơn vị phải phát huy tối đa vai trò của Trung tâm điều khiển giao thông, kết hợp với Trung tâm thông tin chỉ huy của CA TP.Hà Nội và Trung tâm xử lý tin báo 113… giải quyết tình huống nhanh nhất.

Đề xuất xén đường vành đai 3 trước Tết Nguyên đán 

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã tiến hành họp và đang xây dựng phương án để đề xuất với UBND TP.Hà Nội mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Linh Đàm bằng cách xén dải phân cách.

img

Khu vực Mai Dịch luôn là "điểm đen" ùn tắc giao thông. Ảnh: Thành An

Ông Viện cho hay, tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Linh Đàm lâu nay thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đây là trục giao thông chính, phương tiện lưu thông rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Ngoài ra, tại các điểm từ đường trên cao xuống đường vành đai 3 dưới thấp, ùn tắc cũng xảy ra nghiêm trọng.

Giám đốc Sở GTVT cho rằng, trên tuyến đường này nhất là khu vực Nguyễn Xiển, nhiều chung cư, khu đô thị mọc lên dẫn đến quá tải, phải mở rộng đường. Hiện đường vành đai 3 có dải phân cách khá rộng nên có thể nghiên cứu xén để tăng mặt đường cho giao thông.

Trước đó, Hà Nội đã tiến hành xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) để mở rộng lòng đường, bề rộng dải phân cách mới là 4,4m; cải tạo hoàn thiện mặt đường bám theo dải phân cách tại vị trí xén; chỉnh trang, trồng mới cây xanh trên dải phân cách mới sau khi xén trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và dải phân cách đã xén trên tuyến đường Trần Duy Hưng (đoạn từ nút giao Hoàng Minh Giám đến chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh).

Hà Nội có 24 điểm có nguy cơ ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, trong đó có 24 điểm có nguy cơ ùn tắc cao dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Cụ thể, 37 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm gồm: Nam Chương Dương (Hoàn Kiếm); La Thành - Giảng Võ, Điện Biên - Trần Phú, La Thành - Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình); Khu vực nút An Dương - Thanh Niên, Nghi Tàm - Yên Phụ (Tây Hồ - Ba Đình); Minh Khai - Time City, khu vực Đại Cồ Việt - Hòa Lư - Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khoái, Minh Khai, Minh Khai - Ngõ gốc Đề (Hai Bà Trưng); Hai đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa); Nguyễn Khang - cầu 361, Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng, Ngã 4 cầu Giấy (Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội); Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, ngã tư Canh, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ (Nam Từ Liên); Cầu Mọc, Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân); Khu vực VDD3 trên cao - Pháp Vân - Giải Phóng; Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai); Cầu Tó, Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ, Khu vực Cổng viện K (Tân Triều)...

24 điểm có nguy cơ ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất gồm: Nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Giải Phóng - Đại Từ, tuyến Định Công, Trương Định cầu sét - Trương định - Giáp Bát, Giải Phóng - Ngọc Hồi - Linh Đường (Hoàng Mai); Nút giao Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu, nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt (Nam Từ Liêm); Nút giao Vũ Trọng Phụng - Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân); Nút Trâu Quỳ - QL5 (Gia Lâm); Đầu Cầu Thanh Trì, hướng đi QL5 (Gia Lâm, Đông Anh); Khu vực viện 103 (Phùng Hưng, Hà Đông); Nút Quang Trung - Lê Lợi, nút Quang Trung - Ngô Thì Nhậm - Tô Hiệu (Hà Đông); Nút Ngã tư QL2 - Võ Văn Kiệt....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem