Hạn, mặn ở miền Tây: Giảm thiệt hại bằng đầu tư thủy lợi đồng bộ

Minh Huệ (thực hiện) Thứ tư, ngày 13/03/2019 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho rằng, để hạn chế những tác động tiêu cực của hạn mặn,  cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.
Bình luận 0

Đến thời điểm này, tình hình hạn mặn ở miền Tây đang diễn ra gay gắt như thế nào?

- Đối với mùa khô năm 2018-2019, hiện trạng mặn xâm nhập từ đầu mùa khô đến ngày 11.3.2019 thuộc năm mặn xâm nhập sớm từ 1-2 tháng (tùy cửa sông), nồng độ mặn cao, chiều sâu xâm nhập mặn sâu hơn so với những năm gần đây nhưng đỉnh mặn cao không duy trì trong thời gian dài. Vào các ngày triều cường kết hợp với gió mạnh, mặn tăng cao đột ngột từ 3-5 ngày sau đó giảm lại theo triều nên các khu vực cửa sông Cửu Long có phạm vi cách biển từ 30-40km trở vào vẫn có thể lấy được nước ngọt.

Do đó, hiện nay chưa xuất hiện thiếu nước trên diện rộng và mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng so với năm hạn mặn lịch sử 2015-2016.

Nhiều nông dân đang lo ngay ngáy sẽ bị mất mùa lúa, tôm, chưa kể nguy cơ cháy rừng vì khô hạn... Vậy ngành nông nghiệp, các địa phương đã có những giải pháp như thế nào nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra?

- Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về xâm nhập mặn, nguồn nước từ nay đến cuối mùa khô như sau: Tại vùng ven cửa sông Cửu Long, nguồn nước khá thuận lợi trong phạm vi cách biển từ 30-40km trở lên. Các khu vực cách biển đến 20-30km vẫn nằm trong vùng rủi ro thiệt hại do hạn mặn.

Đối với vùng ven biển Tây, sông Vàm Cỏ trong thời tới vẫn có thể ảnh hưởng mặn xâm nhập tăng cao ở một số đợt triều cường và có nguy cơ thiếu nước nếu mùa mưa đến muộn.

Để đề phòng các rủi ro do hạn mặn gây ra, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; tranh thủ khi độ mặn cho phép vận hành các công trình thủy lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới.

Tại các hệ thống thủy lợi chưa chủ động nguồn nước hoặc nguồn nước ngọt chưa ổn định, nếu không có công trình ứng phó chống hạn mặn thì cần chờ mưa mới xuống giống vụ hè thu.

Thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

img

Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa lài tại xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, Bến Tre.  Ảnh: Công Lý

Để chủ động sản xuất, đối phó với tình trạng hạn mặn, về lâu dài cần có giải pháp gì, thưa ông?

- Thiệt hại do hạn mặn gây ra tại ĐBSCL hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu chúng ta có hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ và chủ động; đồng thời công cụ phục vụ quản lý phải được hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo mặn, nguồn nước (dài hạn, ngắn hạn) và vận hành công trình thủy lợi theo thời gian thực.  

Ngoài ra, cần quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước mặn hợp lý, ổn định, để có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, có các biện pháp công trình, phương án điều tiết nước hợp lý cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt ven biển, tại các khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước hoặc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế mặn để thích ứng điều kiện nguồn nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem