Thứ năm, 25/04/2024

Hàng không thấp thỏm chờ lãi

21/02/2023 8:03 AM (GMT+7)

Không chỉ với riêng Vietnam Airlines, nhiều hãng bay của Việt Nam trong năm 2022 cũng đối mặt với tình trạng càng bay càng lỗ với mức lỗ lên tới cả nghìn tỉ đồng, dù doanh thu trong năm có xu hướng tăng vọt so với 2 năm 2020-2021. Mọi kỳ vọng đều đang đặt vào sự hồi phục của thị trường trong năm 2023.

Hàng không thấp thỏm chờ lãi - Ảnh 1.

Các hãng bay của Việt Nam sẽ chưa thể lấy lại mức tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước dịch. Ảnh: Minh Hạnh

Nghịch lý càng bay càng lỗ

Lượng khách du lịch quốc tế tăng trở lại và xu hướng bay nội địa tăng cao trong các tháng cuối năm 2022 là yếu tố tạo nguồn doanh thu tăng vọt cho các hãng bay Việt Nam.

Như tại Vietnam Airlines, chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm 2022, hãng này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt tới 19.600 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 so với cùng kỳ năm trước. Song giá vốn bán hàng tăng mạnh cùng với các chi phí tài chính gia tăng là yếu tố khiến hãng chứng kiến khoản lỗ gộp gần 830 tỉ đồng, cao hơn mức lỗ 635 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.

Song đây không phải là hãng bay duy nhất của Việt Nam chứng kiến nghịch lý doanh thu tăng vọt nhưng vẫn liên tục thua lỗ. Đối với hãng bay VietJet Air, dù doanh thu hợp nhất trong cả năm 2022 tăng gấp 3 lần so với năm trước nhưng giá vốn còn cao hơn nữa nên hãng này ghi nhận con số lỗ gộp tới gần 2.165 tỉ đồng trong cả năm. Điều bất ngờ là dù hàng không hồi phục tích cực trong 3 tháng cuối năm 2022, hãng này lại có mức lỗ lớn nhất trong quý khi con số lỗ vượt mức 3.300 tỉ đồng.

Với Bamboo Airways, chỉ tính đến hết 9 tháng năm 2022, hãng này ghi nhận lỗ gộp tới hơn 3.500 tỉ đồng, chỉ đứng sau con số lỗ của Vietnam Airlines và tiếp tục lớn hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.300 tỉ đồng của cả năm 2021. Chưa kể, tình hình kinh doanh kém khả quan của Bamboo Airways còn khiến FLC ghi nhận khoản lỗ đầu tư đến hết quý III/2022 là gần 1.270 tỉ đồng.

Áp lực giải quyết mất cân đối dòng tiền

Thực tế, ngay từ rất sớm, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - chỉ ra rằng, dù thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bùng phát nhưng thị trường quốc tế lại phục hồi rất chậm. Nghịch cảnh mạng bay nội địa nhộn nhịp nhưng doanh thu chính lại trên đường bay quốc tế nên khi các đường bay quốc tế hồi phục chậm, các hãng bay gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và lợi nhuận vì thế chưa thể bằng giai đoạn trước dịch.

Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, kết thúc năm 2022, trong khi thị trường hàng không quốc nội tăng trưởng ấn tượng, sản lượng vượt đỉnh lập được năm 2019 nhưng thị trường quốc tế lại phục hồi rất chậm trong khi đây là mảng mang lại hơn 50% doanh thu cho các hãng bay. Tương tự, trong lúc sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 10% so với năm 2019 nhưng vận chuyển hàng hóa quốc nội lại giảm tới 40%.

Sự hồi phục nhưng không đồng đều ở các phân khúc cũng khiến lợi nhuận của các hãng bay không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều. Chưa kể, theo ông Phạm Việt Dũng, cùng với việc phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại, các hãng bay còn phải xử lý sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.

Những khó khăn của thị trường dẫn đến thực tế các hãng hàng không Việt Nam kết thúc một năm 2022 đầy khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, trong lúc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách, hàng hóa... chưa có lãi.

Theo đó, dù có nhiều dự báo tích cực về thị trường tình hình vận chuyển hàng không trong năm 2023 nhưng những khó khăn của các hãng bay Việt Nam, đặc biệt là việc mất cân đối dòng tiền, sẽ chưa thể sớm được giải quyết trong ngắn hạn. Ngay với đường bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam dẫn số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo vận chuyển khách quốc tế trong năm 2023 có thể bằng tới 3 lần so năm 2022 và nhưng vẫn chỉ đạt 83,5% so với năm 2019.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra rằng, hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, việc phục hồi thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại (tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân), nên nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.

Hàng không vì thế sẽ chưa thể sớm lấy lại những ngày huy hoàng.

Lợi nhuận hàng không sẽ vẫn ở mức thấp, hoặc âm

Báo cáo triển vọng ngành hàng không của Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, dù có triển vọng tích cực trong năm 2023 nhờ được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng, nhưng lợi nhuận các hãng bay của Việt Nam sẽ vẫn duy ở mức thấp hoặc âm.

Lý do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, trong khi doanh thu từ khách quốc tế sẽ phục hồi từ từ, và bối cảnh ngành sẽ khá cạnh tranh trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại.

Theo Lao động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Tập đoàn châu Âu hợp sức giảm phát thải trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Tập đoàn châu Âu hợp sức giảm phát thải trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức tọa đàm ngày 24/4 về lộ trình, các quy định pháp luật và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, nhằm hướng đến mục tiêu Net zero năm 2050.

Doanh nghiệp khó khăn sẽ được ngân hàng hỗ trợ gì từ đây đến cuối năm 2024?

Doanh nghiệp khó khăn sẽ được ngân hàng hỗ trợ gì từ đây đến cuối năm 2024?

Thời gian qua và sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai loạt biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu.

Nhóm marketing mới của Tesla chỉ hoạt động 4 tháng

Nhóm marketing mới của Tesla chỉ hoạt động 4 tháng

Việc tỷ phú Elon Musk sa thải nguyên nhóm marketing trong Tesla làm việc mới được 4 tháng cho thấy cuộc "sắp xếp" lại nhân sự đã bắt đầu tại công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Rào cản lớn nhất hiện nay là những góc nhìn không đồng thuận với sự tồn tại của "trường chuyên, lớp chọn" từ cấp THCS. Nhưng đừng quên nhu cầu giáo dục trong một xã hội đang phát triển là rất đa dạng.

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành bộ sách tuyệt đẹp với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ.

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

Do hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) gặp quá nhiều vướng mắc, TP.HCM quyết định bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác.