Bộ GTVT yêu cầu rà soát giấy phép bay của các hãng hàng không

14/02/2023 07:19 GMT+7
Bộ Giao thông vận tải vừa giao Cục Hàng không rà soát giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của các doanh nghiệp hàng không.

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không thực hiện rà soát giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với các hãng hàng không chở khách thương mại; giấy phép kinh doanh hàng không chung với các doanh nghiệp kinh doanh chở khách du lịch, chuyên cơ nhằm đảm bảo các doanh nghiệp được cấp giấy phép tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, Cục Hàng không báo cáo bằng văn bản về bộ trước ngày 8/3/2023.

Theo Cục Hàng không, hiện Việt Nam có 6 hãng hàng không thương mại đang khai thác gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vasco, Vietravel Airlines.

Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh hàng không chung (chủ yếu bay du lịch, chuyên cơ, đào tạo bay), như: Hải Âu, Hành Tinh Xanh, Ngôi Sao Việt, Bầu Trời Xanh, Sun Air, Bay Việt…

Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác tổng cộng 249 máy bay các loại.

Rà soát giấy phép bay của các hãng hàng không - Ảnh 1.

Cục Hàng không sẽ tổng rà soát giấy phép kinh doanh hàng không của các doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, vận tải hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp vận tải hàng không muốn hoạt động thương mại phải có giấy phép kinh doanh với hàng loạt điều kiện kèm theo.

Cụ thể, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu theo số lượng máy bay khai thác, nếu dưới 10 máy bay vốn tối thiểu 300 tỷ đồng; từ 11-30 máy bay vốn tối thiểu 600 tỷ đồng; từ 31 máy bay trở lên vốn tối thiểu 700 tỷ đồng. Với kinh doanh hàng không chung, doanh nghiệp phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng.

Ngoài vốn điều lệ tối thiểu, doanh nghiệp hàng không còn phải đảm bảo số lượng máy bay theo đăng ký, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.

Với doanh nghiệp hàng không có vốn nước ngoài, phần vốn ngoại chiếm không quá 34% vốn điều lệ, có ít nhất 1 cá nhân (hoặc pháp nhân) Việt Nam giữ vốn chi phối.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ lập hãng hàng không, trong đó có doanh nghiệp dừng “cuộc chơi" khi sắp được cấp phép như hãng hàng không Vinpearl Air, IPP Air Cargo. Trong khi đó, một số hãng hàng không đã bị rút giấy phép sau nhiều năm không khai thác, như: Air Mekong, Indochina Airlines, Globaltrans Air...

Trước đó, giữa năm 2020 - khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ GTVT đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý chủ trương tạm thời chưa xem xét cấp phép lập hãng hàng không mới. Việc tạm dừng cấp phép mới cho tới khi thị trường phục hồi.

Theo Tiền Phong
Tags:
Cùng chuyên mục