Hàng loạt doanh nghiệp vận tải bị "bêu tên", buộc phải chấm dứt vi phạm
Các doanh nghiệp vận tải bị "bêu tên" gồm có Công ty TNHH dịch vụ du lịch Nữ Hoàng; CTCP VT Newway; Hợp tác xã dịch vụ vận tải Trường Hải; Hợp tác xã dịch vụ vận tải HM; Hợp tác xã vận tải 27-7; Hợp tác xã vận tải Hải Thịnh; Hợp tác xã vận tải xe Đông Nam; CTCP VT DL Hưng Long; CTCP XD&DV VT Đồng Hương Sông Lam; CT TNHH DL Hương Thành; CTCP DL VN Hà Nội; CT TNHH TM Việt Tuấn; Công ty TNHH X.E Việt Nam...
Bên cạnh danh sách này, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm.
Các hành vi bị yêu cầu chấm dứt như: Việc lợi dụng xe hợp đồng để hoạt động như xe tuyến cố định, tổ chức đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy lòng vòng để đón trả khách trên các tuyến phố nội đô.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị này tuân thủ quy định về hợp đồng vận chuyển. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định phải đảm bảo tất cả lái xe và phương tiện tuân thủ lộ trình, theo điểm dừng, đỗ đã đăng ký, không được tự ý thay đổi hành trình.
Các đơn vị quản lý được Sở GTVT Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của lái xe, phương tiện thuộc quyền quản lý.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải này phối hợp với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình, hoạt động của các phương tiện khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình.
Hiện nay, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn địa phương.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT về kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến.
Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở GTVT tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và công an địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.