“Hấp tíu” với người Dao ở Bình Liêu

Nguyễn Quý Chủ nhật, ngày 20/06/2021 06:34 AM (GMT+7)
Trong những chuyến công tác đi tới những khe, bản vùng núi xa xôi, tôi có dịp được ăn cơm, uống rượu với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng những bữa “hấp tíu” (uống rượu – tiếng Dao) ở Bình Liêu vẫn khiến tôi nhớ mãi.
Bình luận 0

Bữa rượu nhà mới

Phật Chỉ là bản xa nhất, cao nhất và cũng khó khăn nhất của xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Để tới Phật Chỉ, chúng tôi phóng xe máy đi từ cửa khẩu Hoành Mô, rồi qua các bản Phai Lầu, Sông Moóc. Có lúc đường đi chỉ men theo suối, có lúc lại vượt đèo lên cao trăm mét, nhìn xuống suối chỉ còn là vực sâu thăm thẳm. Ranh giới hai nước Việt - Trung được phân chia bởi những cột mốc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

gop/“Hấp tíu” với người Dao ở Bình Liêu - Ảnh 1.

Phụ nữ Dao ở Bình Liêu trong trang phục sặc sỡ. Ảnh: N.Q

Phật Chỉ hôm nay có cỗ về nhà mới. Ấy là nhà của Dường Cắm Hồng, 34 tuổi, cùng gia đình theo chính sách di dân ra vùng biên giới Phật Chỉ từ năm 2002. Đó là lý do mà cả bản gồm 33 hộ hôm nay đều đóng cửa, vắng nhà. Thỉnh thoảng, lại thấy một chiếc xe máy từ trong bản đi qua chỗ chúng tôi, cả người lái và người ngồi sau đều có vẻ chếnh choáng.

Trung tá Nguyễn Trọng Bình (Đội 3, Lâm trường 155, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3) - người trực chốt ở bản Phật Chỉ, cười giải thích: "Ở đây, cứ nhà nào có chuyện vui là mời cả bản tới dự. Cỗ về nhà mới thì phải ăn tới 2-3 ngày, không say không về, việc nhà thì cứ để đó đã". Tôi nổi máu tò mò, hỏi: "Bây giờ bọn em vào nhà Hồng ăn cỗ được chứ?". "Được quá đi chứ! Nhưng cứ phải cầm theo con gà, hay cân thịt" - trung tá Bình tỏ vẻ kinh nghiệm. "Nhưng lấy đâu ra gà, thịt bây giờ, thôi "đóng" tạm cái phong bì anh nhé!".

Được sự hướng dẫn của các anh Đội 3, những người lính "cắm bản" thông thổ và am hiểu phong tục của bà con dân tộc Dao nơi đây, chúng tôi tự tin leo qua 2 quả đồi, tới nhà Dường Cắm Hồng. Chủ nhà đã say khướt, nằm ở góc tối gian trong từ bao giờ. Vợ Dường Cắm Hồng bận bịu dọn cỗ. Củi lửa ngoài góc sân lại bùng lên. Thức ăn được đun nóng lại để mang tới cho những vị khách không mời. Sau phút bỡ ngỡ với những người khách lạ là chúng tôi, các bàn ăn bên cạnh lại hò nhau "hấp tíu".

Nhà mới của vợ chồng Dường Cắm Hồng là một gian mới được xây thêm, bên cạnh gian nhà cũ, không to, nhưng chắc chắn. Cả nhà mới và cũ đều không có cửa sổ, khách ngồi ăn bên trong nêm chật cứng, tối và nghi ngút khói.

Hóa ra, lễ ăn mừng nhà mới của người Dao ở Phật Chỉ, Bình Liêu là vậy.

Hấp tíu giữa "chợ tình"

Chợ Đồng Văn (Bình Liêu) đông vui, nhộn nhịp nhất là vào ngày Kiêng gió (mùng 4/4 âm lịch). Ngày "Kiêng gió", theo quan niệm của người Dao ở huyện miền núi Bình Liêu là ngày mà thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn. Thần gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đem vào nhà những điều tốt lành, ấm no, sung túc. Nhưng nếu có bất kỳ thành viên nào còn ở trong nhà, thần gió sẽ không tới...

Thế là, không hẹn mà gặp, sau những ngày lao động vất vả, họ được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu Sán Cố. Rượu là thứ không thể thiếu. Dù là bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, già làng hay thiếu nữ, họ cũng có quyền được uống say trong ngày này mà không ai trách móc.

Có mặt tại chợ Đồng Văn vào ngày 4/4 âm lịch, tôi như lạc vào thế giới cổ tích, ngập trong váy áo, xiêm y sặc sỡ. Dù là ngày hội của người Dao, nhưng người dân tộc khác từ các thôn bản cũng đổ về. Họ uống rượu, hát vang những bài hát của dân tộc mình mà không cần người nghe phải hiểu.

Trong một quán phở xào, món đặc trưng của chợ Đồng Văn (Bình Liêu), sau bài hát dân ca của Chíu Nhì Múi, tôi cùng nhóm người Dao mới quen trong quán lại cầm chén hô lên: "Hấp tíu..u..u..". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem