Hậu bão số 3: Tiếp tục cảnh báo lũ ống, lũ quét

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 20/08/2016 10:00 AM (GMT+7)
Sáng 20.8, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có cuộc họp đánh giá tình hình sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam.
Bình luận 0

13 tỉnh có thiệt hại

Đánh giá về cơn bão số 3, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nếu cơn bão số 1 vào bờ mạnh lên cấp 9-10, thì cơn bão số 3 mạnh lên ở ngoài biển nhưng vào bờ thì giảm cấp. Đến trưa 19.8, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình với cường độ cấp 9-10, giật cấp 10-12; chiều bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đến 19h tối 19.8 áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp đi sát ven bờ biển Trung Quốc, sau đó vào Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục tăng cấp di chuyển với tốc độ nhanh.

“Hiện nay trên khu vực Thái Bình Dương đang hình thành 3 cơn áp thấp tuy nhiên nếu các cơn áp thấp này lớn lên thành bão thì cũng ít có khả năng vào biển Đông” -  ông Cường cho biết thêm.

Về tình hình thiệt hại do bão số 3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết có 13 tỉnh báo cáo tình hình gồm: Sơn La, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa.

img

Có khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng sau bão số 3.

Tính đến 7h sáng 20.8, bão số 3 khiến cho 1 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương; 427 nhà sập, cuốn trôi, tốc mái, hư hại, 12 cột điện bị gãy, đổ, nghiêng.

Về nông nghiệp, có khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, 251 cây xanh bị đổ gãy. Về chăn nuôi có 29 gia súc, 245 gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Cảnh báo, lũ ống, lũ quét

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An. Lũ sông Thao, sông Lục Nam, sông Thương, sông Mã và sông Bưởi đang lên nhanh. 

Về vấn đề rút kinh nghiệm sau bão số 3, ông Trần Quang Hoài - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng: “Các địa phương ven biển cơ bản đã quyết liệt sơ tán dân, tuy nhiên tại một số khu vực vẫn còn tư tưởng chủ quan, vẫn để người dân ngoài khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có phương án, kế hoạch, chưa tổ chức sơ tán, di dời dân trong khu vực nguy hiểm do lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn”.

Đồng tình với quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, Trung tâm dự báo đã dự báo đúng hướng đi, tốc độ, cấp độ cũng như tâm bão đổ bộ, đây là điều rất tích cực. Tuy nhiên, Trung tâm dự báo cần tham chiếu thêm các số liệu quan trắc và kết quả xử lý quốc tế để đưa ra những nhận định chuẩn xác hơn.

"Vấn đề hậu bão cũng rất quan trọng, nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở ở các tỉnh miền núi là rất cao, vì vậy đề nghị Ban chỉ huy các tỉnh từ Nghệ An trở ra cần tiếp tục bám sát tình hình, tuyên truyền người dân, cho lực lượng cắm chốt tại các điểm có nguy có sạt lở để hướng dẫn cảnh báo cho người dân được biết” - ông Cường cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem