Hậu Giang: Chưa học đến cấp 3 vẫn liều bỏ ra tiền tỷ nuôi cấy mô lan rừng quý hiếm

Thứ năm, ngày 18/06/2020 06:16 AM (GMT+7)
Anh Nguyễn Văn Trung, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), đã nuôi cấy mô thành công nhiều giống lan rừng quý hiếm nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Bình luận 0

Là một thanh niên thành đạt sở hữu gần 2ha vườn trồng cây ăn trái và nghề quay phim, nhiếp ảnh phục vụ tiệc cưới, lễ hội…nên thu nhập của anh Trung khá ổn định, có thể đủ để nuôi sống được bản thân và gia đình. 

Thế nhưng, với niềm đam mê cây cảnh, năm 2018, anh Trung quyết định đầu tư vốn lên đến hơn 3 tỉ đồng để mua trang thiết bị máy móc, xây dựng vườn ươm và phòng nuôi cấy mô, nuôi cấy mô nhiều giống lan rừng quý hiếm.

Hậu Giang: Hai vợ chồng nông dân chưa học đến cấp 3 bỏ ra tiền tỷ cấy mô lan rừng quý hiếm - Ảnh 1.

Anh Trung và chị Chi, ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đang kiểm tra chất lượng phôi mô lan rừng quý hiếm trong phòng ươm cây giống.

Ban đầu, anh Trung chọn những cây lan khỏe mạnh, sạch bệnh để làm giống nuôi cấy mô. Mô của cây hoa lan cần lấy giống được đem khử trùng, cho vào ống nghiệm chứa môi trường nuôi cấy. 

Môi trường này chứa chất kích thích sinh trưởng với nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…thích hợp để tái sinh các bộ phận của cây hoa lan. Sau 4 tháng khi cây hoa lan con phát triển hoàn chỉnh, với kích thước trung bình từ 5-10cm/cây thì có thể xuất bán cho người trồng.

Hiện tại, các giống hoa lan nuôi cấy mô của anh Trung đã có thị trường đầu ra ổn định với nhiều khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Trung bình, mỗi năm anh xuất bán được hơn 1,2 triệu cây hoa lan giống, tương đương hơn 30.000 chai lan cấy mô, với giá 200.000 đồng/chai 40 cây. 

Từ đó, mức thu nhập hộ gia đình anh Trung cũng được nâng lên từ vài trăm triệu đồng/năm trước đây, nay đã tăng lên gần 1 tỉ đồng/năm từ 2 nguồn thu chính là vườn và bán cây hoa lan giống. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trung cho biết những ngày đầu bước vào nghề làm lan cấy mô, do chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi cấy mô, trồng lan nên gặp không ít khó khăn do lan bị nhiễm bệnh. Vợ anh, chị Đinh Thị Kim Chi rầu lo sợ mất vốn đến mất ăn, mất ngủ ốm đi thấy rõ. 

Còn anh Trung thì như không hề gì, cứ kiên nhẫn lặng thầm tìm nguyên nhân để khắc phục. Cuối cùng anh cũng chọn lọc được một số giống phong lan cấy mô cho ra ngoài để chiết và cho sinh trưởng trong môi trường tự nhiên sống khỏe mạnh, được nhiều khách hàng ưa chuộng đặt mua.

Anh Trung cho rằng, ưu thế của nuôi lan cấy mô là tạo ra một số lượng lớn lan trong diện tích nhỏ, tạo ra giống lan sạch bệnh trong thời gian ngắn. Ngoài ra, với những giống phong lan cấy mô khi bán giá thành rẻ hơn nhiều so với các giống lan khai thác ngoài tự nhiên. 

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi lan cấy mô không tốn nhiều thời gian chăm sóc, không tốn nhiều phân thuốc nên người đam mê trồng hoa lan có thể áp dụng làm theo. Bằng phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao như hiện nay nên nhu cầu người tiêu dùng giống lan rừng ngày càng nhiều. 

Có thể nói, bước đầu anh Trung đã gặt hái được thành công trên con đường khởi nghiệp tại quê nhà, nhờ nắm bắt kịp thời xu thế phát triển từ giống lan rừng có nguồn gốc hoang dã, nhưng nguồn lợi kinh tế thì khá cao.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công đầy thú vị của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Trung và Đinh Thị Kim Chi đã làm cho không ít bà con, hàng xóm của anh chị khá bất ngờ. 

Bởi hầu như ở đây ai cũng biết anh chị đều là nông dân chân chất, trình độ học vấn mỗi người chưa học hết cấp 3. Anh chị cũng chưa từng tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ nuôi lan cấy mô, trồng lan rừng lần nào, vậy mà vẫn cầm tay chỉ việc được cho gần chục người làm công việc cấy mô trong 3 phòng thiết bị đầy máy móc hiện đại.

Tâm sự với tôi, chị Huyền người địa phương và cũng là người làm công cho anh Trung cho biết công việc trong phòng cấy mô hoa lan không nặng nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ qua những thân cây nhỏ như hạt cám. 

Những ngày đầu chị chưa biết gì, nhờ có sự tận tình hướng dẫn của vợ chồng anh Trung mà hiện nay chị và một số anh chị em khác đã thành thục tay nghề. Hiện tại, một người có thể cấy được hơn 40 chai lan giống/ngày, được anh Trung trả công với mức lương 5 triệu đồng/tháng. 

Chị Huyền thừa nhận nghề làm cây giống hoa lan rừng cấy mô này nếu không có niềm đam mê không chắc gì làm được. Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, nhưng nhờ sự đồng lòng của anh Trung và chị Chi đã gặt hái được nhiều thành công với giống lan rừng quý hiếm nuôi cấy mô.

Một cán bộ địa phương cho biết, mô hình nuôi lan cấy mô của anh Trung tuy mới nhưng cho hiệu quả kinh tế cao vì giá cả lẫn đầu ra đều ổn định.

Hoa lan là loại cây cảnh vừa mang tính giải trí, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi nhu cầu hoa lan trên thị trường ngày càng phổ biến, nhất là hoa lan rừng. Vì vậy, việc phát triển mô hình nuôi lan cấy mô của anh Trung tới đây rất có tiềm năng và triển vọng...

Quang Hải (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem