HCV vật tự do SEA Games 32 Cấn Tất Dự chia sẻ bí quyết "knock-out" đối thủ sau 2 phút 9 giây

Minh Đức (từ Phnom Penh) Thứ ba, ngày 16/05/2023 19:23 PM (GMT+7)
Chiều nay (16/5), đô vật Cấn Tất Dự đã chiến thắng tuyệt đối 11-0 trước VĐV Lou (Singapore) trong trận chung kết vật tự do 74kg nam. Đây là tấm HCV thứ 13, chốt sổ HCV cho đội tuyển vật Việt Nam tại SEA Games 32.
Bình luận 0

Cấn Tất Dự: "Tôi lừa miếng, ra đòn nhanh, tốc độ để giành điểm"

Trước khi Cấn Tất Dự bước vào trận chung kết vật tự do 74kg nam chiều nay tại nhà thi đấu Chroy Changvar (Phnom Penh, Campuchia), ĐT vật Việt Nam đã giành được 12 HCV, trong đó có 9 HCV trong ngày thi đấu hôm qua và 3 HCV trong ngày thi đấu 16/5 do công Ngô Văn Lâm (vật dự do 92kg nam), Nguyễn Xuân Định (vật tự do 65kg nam), Ngô Thế Sao (vật tự do 70kg nam).

Đô vật Cấn Tất Dự chia sẻ bí quyết "knock-out" đối thủ sau 2 phút 9 giây? - Ảnh 1.

HLV Nguyễn Thế Anh (ngoài cùng bên trái) và Cấn Tất Dự chuẩn bị bước vào trận chung kết vật tự do hạng 74kg nam SEA Games 32. Ảnh: Minh Đức

Nhập cuộc đầy tự tin, khi hiệp 1 trận đấu (vật tự do có 2 hiệp, mỗi hiệp 3 phút và thời gian nghỉ giữa hai hiệp là 30 giây) mới trôi qua 1 phút 33 giây, Cấn Tất Dự đã dẫn trước Lou (Singapore) 5-0.

Khi thời gian hiệp 1 còn 51 giây nữa là khép lại, Cấn Tất Dự đã ghi điểm thắng tuyệt đối 11-0 (trong vật tự do, khi có VĐV thắng cách biệt 10 điểm là trận đấu dừng), giành HCV thứ 13 cho ĐT vật Việt Nam tại SEA Games 32.

Đô vật Cấn Tất Dự chia sẻ bí quyết "knock-out" đối thủ sau 2 phút 9 giây? - Ảnh 2.

Cấn Tất Dự áp đảo đô vật Lou (Singapore) và giành chiến thắng tuyệt đối sau 2 phút 9 giây so tài. Ảnh: Minh Đức

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc những ngày thi đấu tại SEA Games 32, HLV ĐT vật tự do Việt Nam Nguyễn Thế Anh nói: "So với các kỳ SEA Games trước mà gần nhất là SEA Games 32, VĐV các nước trong khu vực đều tiến bộ rất nhiều.

Ví dụ như Thái Lan, họ chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 33 diễn ra trên sân nhà nên năm nay cũng thi đấu rất tốt, có nhiều VĐV trẻ đầy tiềm năng.

Chủ nhà Campuchia có 2 VĐV nhập tịch Iran. Lào có 1 VĐV gốc Lào nhưng đã ăn tập bên Mỹ nhiều năm và nay trở về thi đấu.

Khó khăn nữa là trong tổng số 30 bộ huy chương, mỗi nước chỉ được đăng ký tối đa 18 bộ huy chương nên ban huấn luyện cũng phải cân đối, chọn những VĐV xuất sắc nhất thi đấu SEA Games 32.

Với vật Việt Nam, khi bước vào thi đấu mỗi nội dung, chúng tôi đều xác định mục tiêu cạnh tranh HCV. Trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn, trong ngày thi đấu hôm nay, chúng ta tham dự 6 nội dung và giành được 4 HCV. Các VĐV Việt Nam đã phát huy tốt tinh thần, chiến thuật thi đấu để hoàn thành nhiệm vụ".

Về phần mình, đô vật kỳ cựu sinh năm 1992 quê Thạch Thất (Hà Nội) Cấn Tất Dự (HCV SEA Games 2011, 2013, 2019 và 2022) bày tỏ: "Đây là kỳ SEA Games thứ 5 của tôi. Trước khi bước vào thi đấu trận chung kết cũng rất hồi hộp.

Hạng cân của tôi có 2 VĐV trẻ Thái Lan, Indonesia rất sung sức, họ thi đấu dự trên sức mạnh chứ không thiên về kỹ thuật, các "miếng đánh" như thế hệ chúng tôi. Sau khi vượt qua họ và thắng tiếp VĐV Singapore để giành HCV, tôi như vỡ oà, cảm xúc rất khó diễn tả".

Đô vật Cấn Tất Dự chia sẻ bí quyết "knock-out" đối thủ sau 2 phút 9 giây? - Ảnh 4.

Cấn Tất Dự ăn mừng HCV SEA Games 32. Ảnh: Minh Đức

Khi Dân Việt đặt câu hỏi về chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh", hạ VĐV Singapore chỉ sau 2 phút 9 giây? Cấn Tất Dự chia sẻ: 

"Khi thi đấu, mình cũng phải dùng "đầu óc", chiến thuật, "lừa miếng" đối thủ chứ không thể chỉ biết lao vào sẽ không hiệu quả.

Tôi chủ động dùng những miếng đánh nhanh, bất ngờ, tốc độ để giành điểm".

Tại đấu trường SEA Games, vật Việt Nam luôn áp đảo VĐV các nước trong khu vực và duy trì vị thế dẫn đầu toàn đoàn. Nhưng khi ra châu Á mà cụ thể là ASIAD thì đô vật Việt Nam vẫn còn khoảng cách trình độ. Vậy theo Cấn Tất Dự, chúng ta phải cải thiện những điều gì để tiệm cận trình độ đỉnh cao châu Á? Dân Việt hỏi tiếp và Cấn Tất Dự thể hiện quan điểm:

"Cá nhân tôi từng 5 lần giành HCV SEA Games nhưng tới ASIAD cũng chỉ biết cố gắng hết mình mà thôi. Để có thể đạt tới trình độ đỉnh cao châu Á cần rất nhiều yếu tố, từ việc phát triển thể chất tới điều kiện dinh dưỡng, tập huấn, thi đấu quốc tế"...

Theo kế hoạch, sau SEA Games 32 trở về nước, ĐT vật Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào các VĐV vật do nữ trong lứa U23, thi đấu giải U23 châu Á 2023; tập huấn tại Nhật Bản, Mông Cổ để chuẩn bị cho kế hoạch ASIAD vào cuối tháng 9 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và vòng loại Olympic Paris 2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem