Điều gì giúp sinh viên bám trụ với nghề phục vụ, lương thấp, dù phải "làm dâu trăm họ"?

Nguyễn Trang Chủ nhật, ngày 06/11/2022 09:31 AM (GMT+7)
Người ta thường ví vui rằng nghề phục vụ như "làm dâu trăm họ", "vất vả trăm bề". Ấy vậy mà, đại bộ phận sinh viên ngày nay lại có xu hướng chọn công việc làm thêm này với mong muốn được trải nghiệm, phát triển bản thân và kiếm thêm thu nhập.
Bình luận 0

Thu nhập hàng tháng chỉ đủ đóng tiền học phí

Hiện nay, nghề phục vụ được coi là nghề "hot" trong giới trẻ với nhu cầu tuyển dụng cao: từ nhân viên full-time đến nhân viên part-time. Đây là một công việc làm thêm cho sinh viên khá hấp dẫn và ổn định. 

Thanh Thảo – cô sinh viên năm hai, Trường Đại học Thương mại cho hay, hồi mới lên Hà Nội, cô không nghĩ mình có thể tìm được việc làm thêm nhanh đến vậy. Trước khi là sinh viên, cô chưa từng nghĩ đến sẽ có một ngày mình kiếm tiền được từ nghề phục vụ bởi bản tính hậu đậu và sự vụng về của bản thân.

Thế nhưng, chỉ sau tháng đầu tiên ở đây, cô đã xin được công việc phục vụ cho một cà phê nhỏ, với mức tiền lương 15.000 đồng/giờ. Thảo tâm sự: "Ngày đầu tiên đi làm, mình cảm thấy lo lắng, bồn chồn vì chưa có kinh nghiệm. Mình phải học tất cả mọi thứ: từ học thuộc menu, học cách order, các quy định đến cách lau dọn bàn ghế,… Nhưng mình làm chậm, lại hay đổ vỡ, nên thường bị chú chủ quán mắng. Mấy anh chị nhiều khi thấy mình làm chậm cũng khó chịu. Mình cũng chẳng biết, bằng cách nào đó, mình vẫn trụ vững đến tận bây giờ. Thu nhập mỗi tháng của mình khoảng 1.800.000 đồng."

Điều gì giúp sinh viên bám trụ với nghề phục vụ, lương thấp, dù phải "làm dâu trăm họ"? - Ảnh 1.

Một trong mười công việc làm thêm cho sinh viên là làm nghề phục vụ. Ảnh: N.T

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng theo giờ tại khu vực Hà Nội là 22.500 đồng/giờ. Theo đó, mức lương của Thảo đang thấp hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước. Với tâm lý chung "sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, kiếm được chỗ làm thêm là may mắn rồi", Thảo và nhiều sinh viên khác như cô vẫn chấp nhận mức lương "bèo bọt" này mà đi làm phụ giúp bố mẹ.

Bên cạnh đó, một số sinh viên quan niệm rằng: "Tiền lương cao hay thấp không quan trọng bằng những kinh nghiệm mình tích lũy được từ quá trình làm việc. Đồng thời, nghề phục vụ cũng giúp bản thân mở rộng thêm nhiều mối quan hệ, cải thiện khả năng giao tiếp và nâng cao kỹ năng xử lý tình huống."

Theo Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu giờ theo giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được quy định như sau: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Ngậm ngùi vì "làm dâu trăm họ", nghe chửi nhiều thành quen

Thỉnh thoảng lướt mạng xã hội, Ánh Như lại bắt gặp những câu nói có ý khinh miệt nghề phục vụ, như: "Đừng hạ thấp bản thân, lãng phí tài năng và sức lực của mình ở những quán cà phê, bảo vệ, xe ôm,…". Đối với bản thân cô, làm nghề nào cũng cần được trân trọng, tự mình nỗ lực thì không sợ hổ thẹn!

Nữ sinh cho biết cô đã gắn bó với nghề phục vụ 3 năm, kể từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học. Công việc này giúp cô có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ, chi tiêu sinh hoạt và phục vụ nhu cầu của bản thân.

việc làm cho sinh viên

Cơ hội việc làm cho sinh viên luôn rất nhiều. Lao động trẻ có thể tìm kiếm các công việc qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: N.T

Như kể lại lần đầu mình đi chạy tiệc cưới tại nhà hàng: "Mình bị chửi rất nhiều vì sự ngáo ngơ của bản thân. Không biết setup chén đĩa như thế nào, nhưng không dám hỏi ai. Kết quả làm sai mấy bàn liên tiếp, bị người ta mắng té tát. Đau đầu nhất là khoản lên món của nhà hàng. Món này phải ăn với dĩa này, món kia phải ăn với chén kia. Bản tính vốn không được nhanh nhẹn, lại cộng thêm phần tay chân lóng ngóng, bê nhầm món lên cho khách. Và đương nhiên, mình lại bị chửi. Sau nhiều lần như vậy, mình đã quen việc và không còn làm sai nữa."

Cô bộc bạch: "Nghề phục vụ là một trong những công việc làm thêm cho sinh viên khá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nhân viên thường gặp phải những vị khách oái ăm. Có những khách hàng vào quán trong trạng thái tức tối liền lập tức xả giận lên đầu nhân viên; có những vị khách không hài lòng về món ăn, thời gian đợi món lâu, mang nhầm món ăn...  thậm chí còn có những vị khách có thái độ khiếm nhã, không muốn trả tiền... Đứng trước những tình huống như vậy, nhân viên tuyệt đối không được nổi nóng, phân bua với khách mà phải tỏ ra niềm nở, vui vẻ, bình tĩnh giải quyết các vấn đề mà khách gặp phải".

Ngày nay, sinh viên chủ yếu kiếm công việc phục vụ thông qua bạn bè, người quen, các trang mạng xã hội nên gặp rất nhiều rủi ro Bị nợ lương, không trả lương, công việc khác với thông tin tuyển dụng,... Do đó, cần phải tìm hiểu thật kỹ về nơi mình định ứng tuyển, cũng như tham khảo ý kiến của gia đình, anh chị và những người có kinh nghiệm để tránh bị lừa gạt. Bên cạnh đó, một lớp sinh viên vì mải mê kiếm tiền nên không cân bằng được thời gian học và làm, dẫn đến tình trạng cúp học, nợ môn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem