Hé lộ chân dung ông chủ mới của tòa tháp 265 Cầu Giấy

Ong Lý Thứ tư, ngày 26/10/2022 06:32 AM (GMT+7)
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, cổ đông góp vốn thành lập Gateway Hà Nội gồm: Công ty CP Đầu tư Bình An House góp 341,55 tỷ đồng, chiếm 99% vốn điều lệ; cổ đông Nguyễn Đức Toàn góp 1,73 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ; Nguyễn Thị Thanh Hà góp 1,73 tỷ đồng, tương đương 0,5% vốn điều lệ...
Bình luận 0

FLC bán trụ sở ở 265 Cầu Giấy cho Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLC Homes (FLC Homes) vừa cho biết đã cùng với CTCP Tập đoàn FLC (FLC) ký hợp đồng về việc mua bán công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy, Hà Nội với Công ty CP Gateway Hà Nội (Gateway Hà Nội).

Hợp đồng giữa các bên được ký kết vào ngày 20/10/2022.

Theo đó, giá bán công trình xây dựng là 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán).

Được biết, dự án tòa nhà văn phòng, căn hộ tại số 265 Cầu Giấy do FLC làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2015 và đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 4 tầng hầm và 38 tầng nổi; tổng diện tích mặt sàn là 101.108 m2.

Hé lộ chân dung ông chủ mới của tòa tháp 256 Cầu Giấy - Ảnh 1.

FLC bán tòa nhà Bamboo Airways giá 2.000 tỷ đồng cho Công ty CP Gateway Hà Nội. (Ảnh: DV)

Đến tháng 11/2020, FLC đã sử dụng tòa nhà này để cấn trừ nghĩa vụ trả nợ của mình và một số công ty cùng nhóm (gồm FLC Homes, FLC Faros, FLC Stone và Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, FLC và FLC Homes nhiều lần bày tỏ quyết tâm chuộc lại tòa tháp 265 Cầu Giấy.

Đây cũng là một trong những tài sản chính được FLC dùng để thế chấp cho các nghĩa vụ trả nợ của các công ty thành viên phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trước đó. Tháng 11/2020, HĐQT FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng này để gán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của FLC, FLC Faros, FLC Homes, Bamboo Airways phát sinh tại OCB. Đến nay, tòa nhà trụ sở chính này đã thuộc sở hữu của OCB khoảng 1,5 năm.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với FLC Homes mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ OCB.

Chân dung Công ty Gateway Hà Nội - chủ mới tòa tháp 265 Cầu Giấy

Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, Công ty CP Gateway Hà Nội (Gateway Hà Nội) thành lập ngày 2/8/2022 có trụ sở chính tại tầng 1, tòa Packsimex, 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Người đại diện pháp luật khi mới thành lập là Giám đốc Nguyễn Sĩ Toàn (SN 1980).

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh bất động sản, cho thuê bất động sản, cho thuê mặt bằng, căn hộ, kho, bãi, xưởng.

Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 345 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Bình An House góp 341,55 tỷ đồng, chiếm 99% vốn điều lệ; cổ đông Nguyễn Đức Toàn góp 1,73 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ; Nguyễn Thị Thanh Hà góp 1,73 tỷ đồng, tương đương 0,5% vốn điều lệ.

Về Công ty CP Đầu tư Bình An House thành lập ngày 9/10/2014. Tại thời điểm mới thành lập, công ty có tên là Công ty CP Cà phê Phương Đông, địa chỉ tại: Khu sản xuất Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương.

Người đại diện khi mới thành lập là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Ngọc (SN 1972). Ngành nghề kinh doanh chính khi thành lập là buôn bán thực phẩm, cụ thể là bán buôn cà phê. Vốn điều lệ khi này là 16 tỷ đồng, không rõ cổ đông sáng lập.

Hé lộ mối quan hệ của chủ thực sự tòa tháp 265 Cầu Giấy với Ngân hàng OCB

Đến ngày 26/12/2019, Công ty CP Cà phê Phương Đông được đổi tên thành Công ty CP Đầu tư An Bình House (An Bình House) và người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Đào Duy Hải (SN 1982). Vốn điều lệ khi này được tăng từ 16 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng.

Khi này ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Bên cạnh đó là những ngành phụ là buôn bán cà phê, buôn bán nông sản nguyên liệu, tư vấn môi giới bất động sản, dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp...

Đến ngày 4/2/2020, An Bình House nâng vốn điều lệ từ 25 tỷ lên 220 tỷ đồng. Chỉ sau đó 2 tháng, đến ngày 2/6/2020 công ty này tiếp tục nâng vốn tăng hơn 36% lên 300 tỷ đồng và cũng không rõ cổ đông góp vốn. Người đại diện pháp luật khi này của An Bình House vẫn là Tổng Giám đốc Đào Duy Hải.

Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, ông Hải có trình độ thạc sỹ kinh tế, vị Tổng Giám đốc này còn làm đại diện theo pháp luật ở nhiều pháp nhân khác, bao gồm: CTCP Gateway Thủ Thiêm, CTCP Đầu tư Phát triển Thịnh Thịnh Vượng, CTCP Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, CTCP Đầu tư Bất động sản Long Thành Phát, và Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn Du Lịch.

Ông Đào Duy Hải còn đảm nhiệm vai trò Trưởng ban kiểm soát ở CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISe) – công ty chứng khoán có mối liên hệ với nhà Chủ tịch Ngân hàng OCB Trịnh Văn Tuấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem