Hiểm họa từ những quả “bom nước”: Tan nát những bờ đê

Việt Tùng - Trần Quang Thứ sáu, ngày 22/08/2014 08:31 AM (GMT+7)
Hệ thống đê sông ở miền Bắc vốn được đầu tư xây dựng tu sửa khá kiên cố. Song những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng vi phạm đê điều tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn thân đê. Người dân sống cạnh đê lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo: Đê vỡ!
Bình luận 0

Sạt, trượt khắp nơi

Trước mùa mưa bão đến gần, chúng tôi đã khảo sát một loạt hệ thống đê ở tỉnh Phú Thọ, nơi thường chịu ảnh hưởng bởi lũ từ các con sông Hồng, Lô, Thao, Đà. Tình trạng đê điều ở đây hiện khá thảm hại.

Ông Nguyễn Hồng Phương – cán bộ địa chính xã Yến Mao (huyện Thanh Thủy) cho biết, đầu mùa mưa bão năm nay, qua khảo sát toàn bộ hệ thống đường đê của xã, hiện có 1,5/4km đường đê bị sạt trượt, lở mạnh chân đê, nơi sạt lở nguy hiểm nhất cách mặt đường giao thông khoảng 1,5 - 2m thuộc địa phận khu 3 và khu 4. Tình trạng này, không chỉ đe dọa trực tiếp tới tuyến đường Tỉnh lộ 317, mà còn uy hiếp nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Phương cho biết thêm, toàn xã có trên 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng gần 300 hộ dân số ở khu vực giáp và ngoài đường đê Tỉnh lộ 317 sát dòng tả sông Đà. Trong đó, hiện có trên 20 hộ sống ở khu vực đang sạt lở nguy hiểm, tính mạng người dân và nhà cửa của họ bị đe dọa nghiêm trọng.

Là hộ có nhà nằm trên khu vực đê sạt lở, anh Phùng Như Hữu ở khu 4, xã Yến Mao cho hay: “Từ năm 2009, dòng sông Đà cách nhà hơn 200m, cứ tưởng chẳng khi nào sạt lở được đến nên tôi mới đầu tư xây nhà kiên cố. Nào ngờ giờ đây đã sạt lở đến móng nhà mất rồi, không biết gia đình có sống nổi được qua mùa mưa bão năm nay không nữa”.

Cùng khu với gia đình anh Hữu, gia đình ông Nguyễn Văn Quy cũng không tránh khỏi được tình cảnh sắp mất nhà. Vừa ra kiểm tra khu vực sạt lở, ông Quy buồn rầu bảo: “Sạt lở dữ quá, cứ qua mỗi trận mưa là mất cả mét đất đê đấy. Hiện, khu vực đê đường Tỉnh lộ 317 chạy qua khu 4 sạt lở hở cả hàm ếch rồi. Nhà cửa, hoa màu, cả tính mạng của hàng chục hộ dân chúng tôi đang bị đe dọa nhưng chỉ thấy chính quyền địa phương cắm biển cảnh bảo nguy hiểm chứ chưa có biện pháp gì bảo vệ người dân”.

Cũng theo ông Quy, hàng chục năm trở về trước, xã còn có hơn 60 mẫu đất hoa màu trải dài từ khu 1 đến khu 4 (cách Tỉnh lộ 317 đến sông Đà đến 250m), đã giúp nuôi sống hàng trăm hộ dân của xã. Nhưng từ năm 2010 đến nay, do tình trạng sạt lở nhanh, diện tích đất đó đã bị dòng sông lấy đi hết, dẫn đến tình trạng người dân ở đây mất đất sản xuất, lại đổ xô đi các nơi tìm việc làm thuê.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên NTNN nhiều ngày qua, dọc khu vực sông Đà thuộc địa phận huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng ở xã Yến Mao, tại nhiều xã cũng xảy hiện tượng sạt lở như đoạn qua xã Tu Vũ, Đồng Luận, Xuân Lộc… Trong đó, đáng chú ý là điểm sạt lở tại khu 9 (xã Đồng Luận) đang ở mức báo động 1, đe dọa hơn 10 hộ dân.

Ông Trần Văn Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Luận cho hay: Với các hộ dân đang sinh sống tại điểm sạt lở khu 8 và khu 9, xã mới chỉ kêu gọi di dời được 1 trường hợp bị mất nhà, còn lại do không có vốn và nguồn quỹ đất hạn hẹp nên không thể triển khai di dời tiếp được.

Ông Nguyễn Xuân Sinh – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy cho hay: “Hiện các điểm sạt lở thuộc địa phận các xã Yến Mao, Tu Vũ… đã được đoàn khảo sát của tỉnh về kiểm tra. Còn với việc xử lý, do Sở NNPTNT tỉnh là chủ đầu tư đã lập xong dự án và sẽ được triển khai thực hiện khi bố trí được nguồn vốn. Trước mắt, huyện cũng chỉ biết… tuyên truyền người dân sống xa khu vực nguy hiểm”.

Bất lực trước vi phạm

Tại Hà Nội, hiện nhiều nơi đê cũng rơi vào tình trạng nguy hiểm do sự lấn chiếm, vi phạm của con người.

Ông Nguyễn Xuân Hải – Trưởng phòng Quản lý Đê điều (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) cho biết, từ năm 2008 đến nay thành phố có gần 2.000 vụ vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đê, trong đó đã xử lý 860 vụ. Phổ biến là việc lấn chiếm xây nhà, làm xưởng mộc, để vật liệu xây dựng… Theo thống kê, hiện có 10 điểm khai thác cát trái phép, 178/211 điểm tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn đê chưa có giấy phép… Trong đó các huyện có số vụ vi phạm cao như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên. Điều đáng lo ngại là dường như các cơ quan chức năng gần như “bất lực” trước những vi phạm này.

Chúng tôi về Đan Phượng, đi dọc tuyến đê Hữu sông Hồng từ xã Liên Trung đến xã Liên Hồng, chỉ vài km nhưng có đến hàng chục hộ vi phạm hành lang đê, phổ biến như đổ vật liệu xây dựng, gỗ, xây nhà xưởng chế biến gỗ. Tại thôn Liên Trì, xã Liên Trung- nhiều hộ đã san bạt mái đê lấy mặt bằng để đổ gỗ, tre, luồng, vị trí những đống vật liệu này chỉ cách mép nước sông Hồng 5 – 6m, nếu lũ dâng cao sẽ gây ách tắc, cản trở dòng chảy rất lớn, de dọa trực tiếp đến an toàn thân đê.

Ông Nguyễn Văn Tuấn sống gần đây bức xúc nói: “Bãi gỗ, tre, luồng này đã tồn tại nhiều năm nay, thi thoảng thấy chính quyền ra quân dẹp, nhưng được vài ngày lại đâu vào đấy. Có nhiều hôm họ còn đổ tràn lan ra đường, xe cộ đi lại rất nguy hiểm. Đặc biệt việc họ bạt mái đê làm mặt bằng sẽ gây yếu thân đê, rất nguy hiểm nếu lũ dâng cao”.

Theo ông Hải, Hà Nội vẫn còn 21 điểm ngập úng ngoài đê bối nếu có mưa 2 giờ liên tục với lượng mưa 100mm. Tuy nhiên, hiện mới có 2 điểm xung yếu được khắc phục sửa chữa, do đó hiểm nguy từ những vùng trọng điểm, xung yếu này là rất lớn. “Năm 2014, thành phố đã trích hơn 152 tỷ đồng để xử lý sạt đê, thủy lợi tại 16 công trình, song do kinh phí có hạn, nên các trọng điểm, điểm xung yếu chưa được cấp vốn để sửa chữa” – ông Hải cho biết thêm.

Theo quan sát của phóng viên tại các trọng điểm, điểm xung yếu, hầu hết các công trình đã xuống cấp, sụt lún, mái và chân đê, có vị trí thân đê rất yếu và nhỏ, như điểm thôn Liên Trì (Đan Phượng), nhiều điểm sạt lở đã “ăn” sát vào chân đê.

  Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 100.000 hộ sống ở ven đê, ngoài đê, trong đó khoảng 37.000 hộ nằm trong hành lang thoát lũ, bảo vệ an toàn đê; 251 khu dân cư sinh sống lâu đời với 6.744 hộ/30.177 nhân khẩu, đang sử dụng hơn 224ha nằm trong phạm vi bảo vệ đê. Ngoài ra, 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân/129.567 nhân khẩu đang sử dụng 2.854,9ha nằm trong chỉ giới thoát lũ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem