Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên Đán

Thứ hai, ngày 31/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tết Nguyên Đán cũng là dịp Lễ hội mùa Xuân tại nhiều quốc gia và khu vực chủ yếu ở châu Á. Tết còn tạo ra một hình thức du lịch khác lạ với những cuộc di chuyển lớn nhất trong năm, thu hút sự quan tâm dõi theo của hàng tỷ người trên thế giới.
Bình luận 0
Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Hình thức du lịch khác lạ dịp Tết nguyên đán được biết đến nhiều nhất là "Chunyun" (Xuân Vận) ở Trung Quốc, thường được báo chí mô tả như "cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới". (Ảnh: cctv.com)

"Cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới" dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết cổ truyền) đánh dấu sự khởi đầu năm mới theo âm lịch truyền thống, năm nay mở ra năm mới Nhâm Dần. Tết Nguyên Đán hiện nay có thể trở nên hiện đại hơn, nhưng truyền thống đã có từ hàng thiên niên kỷ này vẫn được tổ chức rất phổ biến tại Trung Quốc cùng nhiều quốc gia và khu vực khác. Từ đó dẫn tới một hình thức du lịch khác lạ, được hàng tỷ người trên thế giới quan tâm, dõi theo.

Hình thức du lịch khác lạ dịp Tết Nguyên Đán được biết đến nhiều nhất là "Chunyun" (Xuân Vận) ở Trung Quốc, thường được báo chí mô tả như "cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới".

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

"Chunyun" (Xuân Vận) thường bắt đầu từ 15 ngày trước Tết Nguyên đán và kéo dài trong khoảng 40 ngày. (Ảnh: Bloomberg)

Tính tới năm 2016, số lượt hành khách di chuyển và du lịch mỗi mùa "Chunyun" (Xuân Vận) tại Trung Quốc là gần 3 tỷ. Hiện tượng này cũng được nhận thấy nhưng ở quy mô nhỏ hơn tại một số nước châu Á khác, bao gồm cả Việt Nam.

Tại Trung Quốc, màu đỏ và vàng thường được sử dụng nhiều trong cả trang phục và đồ trang trí dịp Tết Nguyên Đán như một biểu tượng bảo đảm sự thịnh vượng. Các món ăn truyền thống thường được làm bằng bột mì như mì, bánh kếp, bánh bao (ăn với cá - tượng trưng cho sự dồi dào trong năm mới). Trẻ em thường được người lớn tặng Hồng bao (bao lì xì).

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Lễ đón Năm mới 2022 tại một trường mẫu giáo ở Suining, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Nhưng Tết Nguyên Đán năm nay do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, thêm một lý do đặc biệt là Thế vận hội mùa Đông Olympics Bắc Kinh sắp diễn ra, nên Chính phủ Trung Quốc không khuyến khích người dân về quê hoặc đi du lịch. Tuy nhiên cơ quan chức năng ước tính có khoảng 1,18 tỷ lượt người vẫn di chuyển và đi du lịch dịp Lễ hội mùa Xuân - tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 4.

Một màn trình diễn dịp Tết Nguyên đán của cộng đồng người Hoa ở London, Anh. (Ảnh: visitlondon)

Riêng trong 10 ngày đầu tiên của đợt cao điểm du lịch Lễ hội mùa Xuân năm nay (bắt đầu từ 17/1 và kết thúc vào 25/2) đã có 260 triệu lượt người tham gia các chuyến đi về quê hoặc du lịch. Con số này tuy ít hơn thời trước Covid-19, nhưng cao hơn 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Tết Nguyên đán với những phong tục phong phú tại nhiều nơi

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 5.

Trẻ em mặc Hanbok truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian dịp Seollal (Tết Nguyên đán) tại Hàn Quốc. (Ảnh: korea.net)

Hàn Quốc: Seollal (Tết Nguyên Đán) kéo dài 3 ngày, là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và những người cao tuổi. Các món ăn truyền thống dịp này gồm bánh bao Mandu, súp bánh bao, súp bánh gạo… Dịp này trẻ em cũng mặc trang phục truyền thống Hanbok, thực hành nghi lễ Seh bae cúi chào người lớn để được chúc phúc và tặng Hồng bao )bao lì xì), tham gia các trò chơi dân gian…

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 6.

Chingay Parade - một trong những lễ hội diễu hành đường phố lớn nhất châu Á, diễn ra dịp Tết Nguyên đán tại "đảo quốc Sư tử" Singapore. (Ảnh: aseanrecords.world)

Singapore: "Đảo quốc Sư tử" có tới 75% dân số là người Hoa. Dịp Tết Nguyên Đán mọi người thường đi chơi hoặc lễ chùa, cùng thưởng thức ẩm thực, xem Chingay Parade - một trong những lễ hội diễu hành đường phố lớn nhất châu Á, là hình ảnh thu nhỏ phản ánh sự năng động của xã hội đa văn hóa và giàu sức sống của "đảo quốc Sư tử"...

Malaysia: Tết Nguyên Đán là dịp gia đình sum họp cùng chào đón mùa Xuân trong kỳ nghỉ kéo dài 15 ngày. Người Malaysia cũng có phong tục tặng Hồng bao, cùng nhau ăn Tết với các món chính là salad Yee, bánh bột gạo Nián gāo...

Hình thức du lịch khác lạ được hàng tỷ người dõi theo dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 7.

Cộng đồng người Hoa chiếm khoảng 5% dân số Philippines. Tết Nguyên đán là một trong những sự kiện được chờ đợi nhất ở nước này. (Ảnh: Cielo Fernaldo)

Philippines: Tết Nguyên Đán được nhiều người chào đón, với tục lệ thiếu niên và trẻ em nhảy lên để…mong sẽ cao lớn hơn. Trên bàn ăn người ta thường đặt các loại trái cây hình tròn tượng trưng cho sự may mắn. Trang phục cũng chọn loại có họa tiết chấm tròn tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn…



Linh Quyên (Travel & Leisure, NatGeo…)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem