Hít 100-200 quả bóng cười mỗi ngày, nhiều thanh niên tê yếu chân tay

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 24/09/2023 06:08 AM (GMT+7)
Nhiều thanh thiếu niên hít hàng trăm quả bóng cười mỗi ngày khiến tủy cổ bị tổn thương, tê yếu chân tay, có nguy cơ liệt nếu tiếp tục lạm dụng.
Bình luận 0

Nguy cơ tê liệt vì hít bóng cười

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) vừa tiếp nhận, điều trị cho nam bệnh nhân 25 tuổi (ở Hải Phòng) bị ngộ độc khí N2O sau thời gian dài hít bóng cười.

Theo lời bệnh nhân, anh làm nghề cung cấp khí N2O (khí cười) cho nhiều cơ sở có nhu cầu, trong đó có quán bar, nhà hàng.... "tiện thể" anh cũng hít luôn. Suốt 3-4 năm nay, ngày nào bệnh nhân cũng hít bóng cười.

Thời gian gần đây, bệnh nhân gia tăng sử dụng bóng cười, có ngày lên đến 100-200 quả (tương đương với 5-10 bình khí NO2/ngày).

Ba tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bị tê bì chân tay nên đã gọi người đến truyền dịch, suốt 10 ngày không đỡ nên đi viện. Cơ thể nam thanh niên ngày càng yếu, đi không vững nên gia đình đưa đi viện.

Hít 100-200 quả bóng cười mỗi ngày, nhiều thanh niên tê yếu chân tay - Ảnh 1.

Bác sĩ chia sẻ hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân có tổn thương tủy vùng cổ sau khi lạm dụng bóng cười. Ảnh CTV

Đánh giá về tình trạng bệnh nhân, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu các cơ, tê bì gần như toàn thân, đi lại khó khăn, đặc biệt kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị tổn thương vùng tủy cổ. 

"Tổn thương vùng tủy cổ đặc biệt nguy hiểm vì là vùng dẫn truyền thần kinh từ não đến toàn bộ cơ thể nên khi tổn thưởng sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ", TS Nguyên nhận định. 

Hiện sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định hơn nhưng vẫn yếu cơ, cần tiếp tục theo dõi. 

Gần đây, có nhiều trường hợp thanh niên lạm dụng bóng cười hàng trăm quả mỗi ngày dẫn đến tổn thương tủy cổ, tê bì chân tay, yếu mệt. 

Ngày 22/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết, mới đây, khoa Thần kinh – Đột quỵ của bệnh viện này vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi bị tổn thương tủy cổ ngang, tê yếu tay chân, đi lại khó khăn do ngộ độc khí N2O sau một thời gian dài lạm dụng sử dụng bóng cười.

Theo đó, cô gái 19 tuổi phải nhập viện điều trị trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân yếu dần, đi lại khó khăn, kèm ăn ngủ kém. Qua khai thác thông tin, bệnh nhân cho biết đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 4 tháng nay với số lượng khoảng 5 bình/ngày, một bình tương đương 20 quả.

Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả định lượng Homocystein của bệnh nhân tăng cao, Vitamin B12 giảm mạnh, chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ, do ngộ độc khí cười N20.

Hít 100-200 quả bóng cười mỗi ngày, nhiều thanh niên tê yếu chân tay - Ảnh 2.

Hít 100 quả bóng cười/ngày, cô gái 19 tuổi bị tổn thương tủy cổ ngang, đi lại khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa. Ảnh: BVCC

Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 15 tuổi bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N2O sau thời gian sử dụng bóng cười dài ngày.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân nhiều. Trước đó, người bệnh đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ.

Nghiện bóng cười có khả năng gây ngộ độc, tử vong, tê liệt

TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết bóng cười bản chất là bóng bay được bơm đầy khí N2O. Khí này được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, nó có tác dụng giảm đau, an thần. 

Khi hít N2O, con người sẽ có tình trạng kích thích, phấn khích, ảo giác gây cười. Hiện nay, nhiều nơi dùng bóng cười vào mục đích giải trí, tăng kích thích, hưng phấn. 

Tuy nhiên, khi thường xuyên dùng bóng cười có thể gây nghiện, phải sử dụng liên tục và sử dụng với số lượng lớn, hàng trăm quả như những bệnh nhân trên.

Khi lạm dụng, bóng cười (khí NO2) có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, huyết áp, ức chế não, thậm chí gây tử vong do ngộ độc cấp.

"Lạm dụng bóng cười khiến dây thần kinh khiến bệnh nhân rối loạn cảm giác, bị tê bì, liệt tất cả các cơ. Đó là lý do mà nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hạn chế hoặc không đi lại được, ảnh hưởng chức năng sống.

Kết quả chụp chẩn đoán với các bệnh nhân này cho thấy, hình ảnh tủy sống bị tổn thương rất nặng. Khi chụp cắt ngang thấy hình ảnh tổn thương có thể lên đến 1/3 tủy sống, rất nặng nề", TS Nguyên chia sẻ. 

Ngoài ra, N2O còn ảnh hưởng đến tâm thần, gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Với máu, khí này còn gây thiếu máu do ức chế tủy xương gây suy tủy xương. Với cơ quan sinh dục, N2O làm giảm khả năng sinh dục nam và nữ.

"Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít sẽ gây cười, hưng phấn thoáng qua. Nếu sử dụng N2O với số lượng lớn, trong thời gian dài ngày có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực.

Người bệnh có thể bị rối loạn như cảm giác tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12… Nghiêm trọng hơn gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể, tử vong.

Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp", bác sĩ Lê Thị Mai, khoa Thần kinh -Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy nhấn mạnh. 

Trước đó, ngày 24/8, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O. 

Bộ Y tế: Cần giám sát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng bóng cười vì nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh 1.

Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Ảnh minh họa TTXVN

Theo Bộ Y tế, khí Nitơ Oxit (tên hoá học là Dinitrogen monoxyd), công thức hoá học là N2O, là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); trong y học (để gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao…).

Ngoài ra, khí Nito Oxit cũng được dùng trong thực phẩm (là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex) nhưng không được dùng quá liều lượng cho phép. 

Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái.

Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.

Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem