Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể 1 triệu đồng/tháng: Phức tạp xác định đối tượng thụ hưởng!

Thanh Phong Thứ năm, ngày 16/04/2020 06:01 AM (GMT+7)
Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 do ảnh hưởng dịch Covid - 19 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, không quá 3 tháng. Nhiều hộ kinh doanh đang ngóng chờ hướng dẫn cụ thể thực hiện hỗ trợ này, nhưng cũng không ít hộ tỏ ra không mặn mà...
Bình luận 0

Hộ kinh doanh không “mặn mà”

Vừa ký thế chấp căn nhà của gia đình vay ngân hàng số tiền hơn 300 triệu đồng để cầm cự, duy trì hàng cắt tóc, anh Nguyễn Văn Trí (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nếu trong vòng 1 tháng tới, tình hình dịch bệnh không có tín hiệu tích cực, rất có thể cơ sở của anh nhiều hộ kinh doanh sẽ phá sản.

Theo chia sẻ của anh Trí, hoạt động kinh doanh hàng cắt tóc đã được vợ chồng anh làm trong gần 2 năm, từ giữa năm 2018. Đầu tiên, anh phải vay hơn 500 triệu đồng để thuê mặt bằng và sửa chữa, thuê nhân viên, mua sắm thiết bị… Sau khoảng 1 năm làm việc chăm chỉ, có nhiều khách hàng, số tiền vay đã được anh Trí trả cả gốc lẫn lãi. Sau đó, hoạt động của cửa hàng đi vào ổn định và dần có lãi. Nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch Covid - 19 bùng phát, thành quả trong hơn 1 năm trước của anh Trí “tan thành mây khói”- nguy cơ phá sản.

“Hiện tại, chúng tôi không thể kinh doanh nhưng vẫn phải chi phí, trong đó, nặng nhất là tiền thuê mặt bằng 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra chưa tính đến việc khấu hao đối với các trang thiết bị” - anh Trí chia sẻ.

Về việc hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid - 19 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, anh Trí cho rằng với điều kiện như vậy, đa phần không phù hợp với hộ kinh doanh. Ngoài ra, mức hỗ trợ thấp nên cũng không được quan tâm nhiều.

img

 Hàng loạt các hộ kinh doanh tại Hà Nội đã phải dừng hoạt động trong nhiều ngày qua, bị thất thu lớn. (ảnh Trần Phượng)

“Doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm theo tôi là mức rất thấp, chỉ có các quán nước vỉa hè, hay bán hàng rong mới đủ điều kiện. Tuy nhiên, một số quán nước ở trước cổng các trường học, công sở tôi biết có thu nhập từ 10 - 15 triệu/tháng là bình thường nhưng quan trọng là những người kinh doanh như vậy thường không kê khai thuế. Đối với hộ kinh doanh như tôi thì chắc chắn là không nghĩ đến, nếu có nằm trong diện được hỗ trợ thì cũng không thể đi làm hồ sơ chỉ để nhận được 1.000.000 đồng/tháng. Điều mà tôi thật sự cần được hỗ trợ lúc này là có các gói vay ưu đãi từ phía ngân hàng” - anh Trí cho hay.

Chị Lê Trà - chủ một nhà hàng nhỏ tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, 2 tháng vừa qua, mỗi tháng chị phải chịu tổn thất không dưới 200 triệu đồng. “Với mức chi phí tiền mặt bằng, nhân viên... như hiện nay, thật sự tôi không còn cầm cự nổi. Hiện chưa thể trả mặt bằng vì còn đang hy vọng vào việc sang nhượng quán để lấy lại chút ít tiền cọc nên tháng 4 này chắc chắn vẫn phải trả 250 triệu tiền thuê mặt bằng. Chứ giờ trả thì coi như mất trắng toàn bộ” - chị Trà cho hay.

Khó xác định đối tượng hỗ trợ

Sau Chỉ thị 42 của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình, nguyên tắc thực hiện, tiêu chuẩn, hồ sơ hưởng hỗ trợ. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn thì các địa phương mới triển khai hỗ trợ... Nếu theo trình tự này, ít nhất đến cuối tháng 4, các khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 42 mới đến tay người dân, hộ kinh doanh cá thể... 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp. Theo Bộ KHĐT, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động vận tải, dệt may da giày bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc...

Do vậy, nói về việc hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể, PGS- TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, việc xác định đối tượng hiện tại đang khá phức tạp, có thể xảy ra tình trạng, đối tượng được thụ hưởng thì không nhận được hỗ trợ, đối tượng không nằm trong diện được hỗ trợ lại có thể tìm cơ hội trục lợi và được hưởng các ưu đãi.

“Đối với những hộ kinh doanh không kê khai thuế sẽ rất khó có căn cứ, cơ sở pháp lý để xác định. Thông thường đối với mức kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm là mức thuế khoán, do đó trong bối cảnh hiện tại, đối với các hộ kinh doanh có kê khai thuế mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Trường hợp không kê khai hoặc kê khai không đúng sẽ không được hưởng. Do đối tượng quá rộng, phức tạp như vậy cần phải tính toán cẩn thận để hỗ trợ đúng đối tượng, thời điểm sao cho hiệu quả. Do đó, quy định yêu cầu kê khai từ tháng 3 là hợp lý. Nếu không kê khai thì phải chịu là không được hỗ trợ” - PGS - TS Ngô Trí Long nhận định.

Ngoài ra, ông Long cũng đánh giá, đây là một bài học kinh nghiệm cho các hộ kinh doanh về việc cần hoạt động theo đúng và đầy đủ quy trình của pháp luật. “Trong trường hợp doanh thu chưa đến mức phải nộp thuế thì vẫn có thể được hỗ trợ tuy nhiên, phải có đăng ký kinh doanh. Đối với việc lao động, kinh doanh bất cứ hình thức nào phải có tính chất pháp lý, đăng ký, kê khai đầy đủ. Việc thu thuế dựa trên cơ sở xác định được doanh thu qua đó tính toán các chi phí, sau đó mới tính đến phần thuế phải nộp. Nhưng đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì quá nhỏ, khó xác định” - ông Long phân tích.

Đánh giá kỹ hơn về yêu cầu đối với các hộ kinh doanh cá thể tạm dừng kinh doanh từ ngày 1/4 nhưng phải làm đơn từ tháng 3, ông Long cho biết thêm, nếu lúc bình thường, các hộ làm ăn minh bạch, chấp hành đẩy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ có căn cứ để đảm bảo quyền lợi. Thời điểm hiện tại vẫn có thể kê khai, tuy nhiên, cần phải chứng minh việc hộ kinh doanh đã đóng thuế chưa? Cơ sở để chứng minh là gì? Khi nộp thuế sẽ có chứng từ, hóa đơn, phiếu thu... nếu không có những giấy tờ trên thì không đủ điều kiện...

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế cũng nhận định, điều các hộ kinh doanh cần vẫn là những hỗ trợ mang tính căn cơ như: Kiểm soát dịch bệnh, giảm giá mặt bằng, giảm các chi phí đầu vào như điện nước, thuế phí và những hỗ trợ về lãi suất... “Nếu theo đúng điều kiện thì nhiều đối tượng kinh doanh khó có thể nhận được hỗ trợ trực tiếp (với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng). Với đối tượng hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm chủ yếu là những hộ buôn bán rất nhỏ lẻ, manh mún...” - chuyên gia kinh tế này nhận xét. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem