Hoài niệm xúc động về “một thời mũ rơm, mũ cối” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Minh Thi Thứ hai, ngày 09/03/2020 17:05 PM (GMT+7)
Những ai từng trải qua tuổi thơ vất vả, ly tán thời chiến tranh bom đạn hẳn sẽ không quên hình ảnh học sinh miền Bắc đội mũ rơm, mũ cối men theo giao thông hào đến lớp. Có một thế hệ như thế đã lớn lên, trưởng thành từ những ngày sơ tán.  “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là những hoài niệm xúc động về một thời như thế.
Bình luận 0

Cuốn sách ghi lại cuộc sống của những cô cậu bé dưới mái nhà khu tập thể và tòa soạn báo Nhân Dân vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

Thuở ấy, những đứa trẻ mới 8-9 tuổi đã phải rời xa gia đình, theo các trại trẻ sơ tán khỏi Hà Nội. Sống trong điều kiện thiếu thốn, nghèo khổ, nhưng bù lại, bọn trẻ được khám phá cuộc sống của nông dân ở những làng quê còn ít bị bom đạn bắn phá. Và cuộc sống vẫn đầy ắp tiếng cười, cho dù nơi đó không có cha mẹ theo cùng.

img

Bìa cuốn sách của tác giả Huỳnh Dũng Nhân - cây bút phóng sự nổi tiếng một thời của báo Lao Động.

Một thành viên “mũ cối, mũ rơm” nhớ lại: “Những đứa trẻ bé loắt choắt phải làm quen với cuộc sống tự lập không có cha mẹ (vài tháng cha mẹ đạp xe đến thăm 1 ngày, tiếp tế ít mì sợi, bánh kẹo gì đó, rồi hôm sau lại quay về Hà Nội làm việc). Đứa lớn quản đứa nhỏ. Ở nhà dân thì ngoài giờ đi học cũng biết phụ việc với chủ nhà tùy theo sức của mình: Chăn trâu, cắt cỏ, nhổ mạ, băm bèo, xắt thân cây chuối cho lợn ăn, đan lát rổ rá, xay xát, giã - sàng sẩy gạo... Mỗi bữa trưa - bữa chiều thì đứa lớn xách cặp lồng đến bếp ăn tập thể lấy mấy suất cơm canh về cho các em ăn...

Đi học qua những cánh đồng trống trải, để đề phòng máy bay Mỹ, đứa nào cũng đeo sau lưng 1 vòng lá ngụy trang tự kết bằng lá đùng đình (lá này tươi lâu được mấy ngày), khi có báo động thì ngồi thụp xuống như những lùm cây nho nhỏ, lúp xúp. Đầu thì đội cái mũ rơm rộng vành để chống mảnh đạn bom văng vào đầu. Mỗi đứa đều phải tự làm cho mình…”.

Và những đứa trẻ thời chiến đã lớn lên như thế.

img

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi ra mắt cuốn sách.

Trong cuộc sống ấy, Huỳnh Dũng Nhân vốn thừa hưởng năng khiếu làm báo từ cha (nhà báo Huỳnh Hùng Lý) và mẹ, anh hai (cũng là nhà báo), đã có góc nhìn riêng, vốn theo anh đi suốt quá trình làm báo và nổi tiếng như một cây bút phóng sự tài hoa sau này.

Từ câu chuyện sinh hoạt của các gia đình, các cô chú, anh chị là những nhà văn nhà báo nổi tiếng trong khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt (Hà Nội) một thuở, đến những chuyện đậm dấu ấn cuộc sống người Hà Nội thời chiến với những chuyến sơ tán bằng xe bò, xe đạp về miền quê tránh máy bay Mỹ rải B52, chuyện các cô cậu bé thiếu sinh quân, anh bộ đội, bạn hàng xóm, hay những niềm vui từ phong trào viết thư giao lưu quốc tế quên cả những nỗi đau của những cái chết vì bom đạn, bệnh tật…

img

Tác giả kể lại những kỷ niệm thấm thía không thể quên thời sơ tán.

Đó là bức tranh một  thời “mũ rơm mũ cối" bi tráng, hào hùng. Và vượt lên tất cả là tình yêu cuộc sống, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, của người nông dân và thầy cô giáo ở những vùng quê. Điều gì đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ ấy, để khi lớn lên mang theo những ký ức đẹp đẽ, những khát vọng sống lẫn niềm tin mạnh mẽ,  sau này trở thành những con người tử tế, thiện lương và chẳng bao giờ gục ngã trước nỗi sợ hãi. 

“Trước khi khai mạc buổi ra mắt sách không lâu, tôi bật ra ý định mời nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên hát hai bài hát về Hà Nội. Và tôi choáng người như có luồng điện chạy qua khi tiếng hát trong trẻo cao vút của ca sĩ Quỳnh Liên cất lên: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử...”. 65 tuổi. Tôi đã thực hiện xong lời hứa với lòng mình. Viết được một chút gì đó cho mình và những năm tháng trai trẻ của mình, của thế hệ một thời mũ rơm mũ cối để đáp lại ơn nghĩa những người nông dân đã bao bọc, chở che thời sơ tán”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.

img

Cuốn sách, theo tác giả, là để tri ân những người nông dân một thời cưu mang thế hệ học sinh miền Bắc đi sơ tán.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập tạp chí Nghề báo,  cây bút phóng sự lừng danh của báo Lao Động một thuở. Ngoài viết văn, viết phóng sự, anh còn làm thơ và dạy học.

Sách dày hơn 300 trang, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, có mặt trên các kệ sách và trang online của các nhà sách trên cả nước từ ngày 7/3.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem