Hoài Vũ - nhà thơ của miền Đông Nam bộ lần đầu ra mắt sách

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 01/07/2023 15:35 PM (GMT+7)
Những bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ đã được phổ nhạc và nổi tiếng, sống mãi với thời gian như ca khúc Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn...
Bình luận 0

Ngày 1/7, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình Thơ Hoài Vũ - Thì thầm với dòng sông để vinh danh những đóng góp to lớn của ông với đất và người Nam bộ.

Nhà thơ của những dòng sông Nam bộ

Theo nhà thơ Phan Hoàng, nói đến nhà thơ Hoài Vũ là nói đến người có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Rất nhiều trong số đó được ông lấy cảm hứng từ dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại. Có thể kể đến các ca khúc như Vàm cỏ đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn...

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoài Vũ ký tặng sách "Thì thầm với dòng sông". Ảnh: Mỹ Quỳnh

Khi bài thơ Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, con sông Vàm Cỏ Đông của miền Đông Nam bộ trở nên nổi tiếng với nhân dân cả nước. Từ đó, thơ Hoài Vũ với sự chứa đựng những tên đất tên người của miền Đông Nam bộ ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Ngoài hàng trăm bài thơ, Hoài Vũ còn sáng tác nhiều về văn xuôi với các tập truyện ngắn: Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc (1977), Quê chồng (1978), Bông sứ trắng (1980), Bên sông Vàm Cỏ (1980), Vườn ổi (1982),...

"Thơ Hoài Vũ dù viết ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, cháy bỏng, thắm đượm tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh nhưng không chất chứa hận thù mà vượt qua bóng tối của sự ích kỷ, tham lam... hướng tới tự do, bao dung, nhân ái. Những câu thơ dung dị, mộc mạc nhưng có sức lay động bao thế hệ. Đó là sự khác biệt tạo nên tầm quan trọng của Hoài Vũ trong nền thi ca Việt Nam", ông Phan Hoàng nói.

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ về thơ Hoài Vũ. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông cảm thấy rất may mắn khi được tham dự chương trình Thì thầm với dòng sông. Trước khi bay từ Hà Nội vào TP.HCM, ông đã dành thời gian để đọc lại những bài thơ của Hoài Vũ, nghe những bài hát đã được phổ từ thơ của Hoài Vũ. 

Bởi, ông muốn đứng lùi xa hơn để nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở vùng đất đầy khốc liệt, bi thương nhưng rất anh hùng qua  những câu thơ của Hoài Vũ.

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 4.

Nhà thơ Hoài Vũ nhận hoa và quà chúc mừng từ ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự kính trọng, biết ơn sâu sắc vì những cống hiến thông qua các sáng tác của Hoài Vũ với nền văn học nước nhà. Ông cũng kỳ vọng nhà thơ Hoài Vũ sẽ tiếp tục sáng tác, mang đến tình yêu, lẽ sống,... để người đọc thấy cần bước tiếp trên con đường không ít bất trắc ở thời hòa bình.

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 5.

Ông Phạm Thanh Phong, Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An tại chương trình. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Mong sẽ sớm trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Hoài Vũ

Nhà thơ Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) là một hậu bối, là người đã cùng nhà thơ Hoài Vũ đi qua cuộc chiến cũng có nhiều chia sẻ xúc động tại chương trình Thì thầm với dòng sông.

Đặc biệt, ông Cừ băn khoăn, dù có đóng góp rất lớn đối với nền văn học nước nhà, tuy nhiên nhà thơ Hoài Vũ vẫn chưa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây không chỉ băn khoăn riêng của ông, mà cũng là nỗi niềm của rất nhiều văn nghệ sỹ Nam bộ yêu quý và trân trọng những cống hiến của nhà thơ Hoài Vũ.

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 6.

PGS.TS Lương Minh Cừ kỳ vọng nhà thơ Hoài Vũ sẽ sớm được trao giải thưởng Hồ Chí Minh với những đóng góp của mình. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Cừ đề xuất các cấp lãnh đạo xem xét, nghiên cứu để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Hoài Vũ. Giải thưởng cao quý này chính là sự động viên, khích lệ, ghi nhận những đóng góp của nhà thơ đối với thi ca, văn học nước nhà.

Rất xúc động, nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ, suốt 60 năm cầm bút của mình, đây lần đầu tiên trong đời ông có một buổi ra mắt sách.

"Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, chắc chắn tôi không thể quên được buổi sáng hôm nay. Buổi sáng đẹp trời, đẹp lòng người và tình người, ngọt ngào và hạnh phúc không dễ gì có đối với người cầm bút. Đây là món quà vô giá sẽ tiếp sức cho tôi tiếp tục đi tới trên con đường sáng tạo nghệ thuật và cũng nhắc tôi sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương, sự tin cậy của mọi người", nhà thơ Hoài Vũ xúc động chia sẻ.

Nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ tại chương trình "Thì thầm với dòng sông". Thực hiện: Mỹ Quỳnh

Ông cũng cho biết thêm, Thì thầm với dòng sông là tập sách gom lại một số bài thơ đầy ắp kỷ niệm và một số nhạc phẩm được các nhạc sĩ tài hoa phổ thơ của ông, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng bào, người dân qua nhiều năm. 

Thì thầm với dòng sông cũng là lời tâm sự ngọt ngào của ông với người dân, bà con, những người thân yêu từng kề vai sát cánh, với vùng đất đã đi qua, nơi đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên.

Vinh danh nhà thơ Hoài Vũ trong chương trình ra mắt sách "Thì thầm với dòng sông" - Ảnh 8.

Nhóm sinh viên khoa Văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều cảm xúc khi được gặp nhà thơ Hoài Vũ. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Nhóm sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ, các em rất vui, rất xúc động khi lần đầu tiên được gặp nhà thơ Hoài Vũ ngoài đời - dù các ca khúc phổ từ thơ của ông đã được các em thuộc lòng từ rất lâu.

"Khi được gặp gỡ, được nghe những câu chuyện đằng sau sự ra đời bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ, chúng em cảm thấy vô cùng xúc động. Là những người trẻ, cũng có niềm đam mê với văn học, thơ ca, khi được gặp gỡ và nghe chia sẻ từ những nhân vật nổi tiếng, có đóng góp lớn cho nền văn học... chúng em được học hỏi rất nhiều. Đồng thời, chúng em cũng được hun đúc thêm tình yêu với thi ca, tiếp thêm động lực để cùng phát triển nền văn học nước nhà", đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Đức Lân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam với trách nhiệm là Ủy viên Thường trực Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn - Gia Định; Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng (Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam).

Từ sau năm 1975, ông là Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam); Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam); Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM; Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TP.HCM) và Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem