Học nghề sau lớp 9, hướng thực tế nhất để có việc làm ngay

Bạch Dương Thứ tư, ngày 10/06/2020 16:13 PM (GMT+7)
Mô hình học sinh theo học chương trình đào tạo 9+ đang được nhiều trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) nhân rộng trong mùa tuyển sinh năm 2020.
Bình luận 0
Không cần vào lớp 10 vẫn có thể liên thông lên đại học - Ảnh 1.

Xu hướng học nghề sau khi tốt nghiệp THCS đang được nhiều người quan tâm.

Ông Đỗ Văn Giang - Vụ phó Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Nếu không học tiếp lên THPT, các em sẽ bỏ học đi làm, số em chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất ít.

Từ năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã hướng dẫn các trường đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS theo hướng liên thông từ TC, CĐ (gọi tắt là chương trình 9+).

Theo ông Giang, đây là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và có thể học liên thông lên CĐ, rút ngắn thời gian đào tạo. Sau 3 năm học chương trình CĐ, các em đã có thể gia nhập thị trường lao động, có lương để trang trải cuộc sống, tiết kiệm một nửa thời gian so với học lên THPT để học lên các trình độ cao hơn. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để phân luồng học sinh từ khối THCS.

Học xong lớp 9, tự biết khả năng của mình khó có thể đỗ lớp 10 công lập, Bảo Trâm (trú quận 10, TP.HCM) đã quyết định chọn học nghề pha chế tại Trường CĐ nghề TP.HCM. 

Trâm cho biết, kinh tế gia đình không khá giả, nếu em trượt lớp 10 công lập, gia đình không đủ tiền cho em học trường tư thục. Vì thế, em chọn học nghề để vừa sức, đúng sở thích và nếu có điều kiện, sau này em sẽ học lên cao hơn.

PGS.TS Lê Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng Trường TC công nghệ Thăng Long cho biết, nếu như các trường học truyền thống chỉ chú trọng dạy nghề, dạy các môn học văn hóa cơ bản, Trường Thăng Long đã có hướng đi hoàn toàn khác biệt khi thiết kế chương trình học theo mô hình 9+ của Nhật Bản và Đức. 

Theo đó, học sinh sẽ được đào tạo bài bản ít nhất 2 ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh là bắt buộc. Ngoài ra, học sinh sẽ được chọn ngoại ngữ thứ 2 để học chuyên sâu (tiếng Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Cùng với đó, học sinh sẽ được đào tạo về giáo dục kỹ năng - phẩm chất, đồng thời, học 7 môn văn hóa để có thể thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Năm nay, trường tuyển sinh 200 em, cuối tháng 5 đã có hơn 50 hồ sơ đăng ký nhập học.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhận định nhu cầu đăng ký tuyển sinh sẽ tăng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khi khối phổ thông kết thúc chương trình học. Học sinh theo học nghề được miễn học phí theo quy định của Nhà nước. Điều này rất hữu ích với những em có hoàn cảnh khó khăn và muốn tham gia thị trường lao động sớm.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó, 124.500 người có trình độ từ đại học trở lên. Đó là chưa kể nhiều người làm trái ngành trái nghề. Trong khi đó, có một nghịch lý là thị trường nguồn nhân lực Việt Nam nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ… luôn khan hiếm và khát nguồn nhân lực trầm trọng.

Theo một số công ty tuyển dụng lao động, để có nguồn lao động đáp ứng ngay công việc, các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển các em có năng lực nghề nghiệp (bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ) hơn là các em chỉ có kiến thức chung chung từ các trường đại học.

Hiện nay, một số trường nghề còn liên kết với doanh nghiệp nên khi tuyển dụng, học viên có thể làm việc được ngay, gần như không phải đào tạo lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem