Học sinh Hà Nội đi học lại ngay sau Tết Nguyên đán: Trường sẵn sàng, phụ huynh thấy cần thiết

Tào Nga Thứ sáu, ngày 04/02/2022 12:50 PM (GMT+7)
Học sinh từ lớp 7-12 tại Hà Nội sẽ chính thức đi học lại từ ngày 8/2. Trong khi đó, nhiều phụ huynh cấp Mầm non đến lớp 6 cũng mong ngóng con em ngày được đến trường sau gần 1 năm chỉ quanh quẩn học ở nhà.
Bình luận 0

Nhà trường sẵn sàng để đón học sinh đi học lại

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Nguyễn Ngọc Anh, hiệu trưởng Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng từ cơ sở vật chất đến phương án cụ thể để đón học sinh, đồng thời gửi thông báo và đăng tải đầy đủ thông tin về việc học sinh chuẩn bị đến trường cũng như khi ở trường. Phụ huynh, học sinh hoàn toàn yên tâm và đang háo hức chờ đến ngày đi học lại".

Học sinh Hà Nội đi học lại ngay sau Tết Nguyên đán: Quan điểm của phụ huynh và nhà trường? - Ảnh 1.

Tâm tư của giáo viên Trường THCS Thành Công gửi gắm đến học sinh. Ảnh: NTCC

Cô Phạm Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm cho hay: "Nhà trường sẽ thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở GDĐT Hà Nội. Nhìn chung phụ huynh và giáo viên nhận thấy sự cần thiết của việc đi học lại dù cũng có chút lo lắng vì tình hình dịch đang diễn biến phức tạp".

Cô Hà chia sẻ thêm, nhà trường lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng đón học sinh đi học lại. Trường đã chuẩn bị điều kiện cần thiết, các phương án đón học sinh cũng như sắp xếp thời khóa biểu đi học trực tiếp... Được biết, sẽ có 43 lớp 7, 8, 9 với khoảng 2.000 học sinh của trường đi học sau Tết Nguyên đán.

Cô Nguyễn Thanh Hà, hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình cho biết: "Tính riêng khối 7, 8, 9, trường có 1.598 học sinh chia cho 35 lớp. Sau khi có thông tin học sinh sớm quay trở lại trường, chúng tôi rất vui mừng. 

Về phía nhà trường sẽ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống Covid-19 và có các phương án bổ trợ kiến thức cho học sinh. Thời gian qua tuy học online vất vả nhưng cả thầy trò và gia đình đều rất cố gắng để khắc phục đảm bảo chất lượng dạy và học".

Cô Trịnh Hồng Vân, hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân bày tỏ "Giáo viên rất phấn khởi khi nghe tin có thể học sinh có thể đến trường. Hiện tại học sinh lớp 7-9 của trường đã hoàn thành xong mũi 2 vaccine được 2 tuần và tỷ lệ tiêm đạt trên 90%. Vì vậy phụ huynh và giáo viên đã yên tâm hơn khi các con có thể đảm bảo sức khỏe an toàn trước dịch bệnh. 

Theo cô Vân, việc đi học trực tiếp có ý nghĩa quan trọng với học sinh sau thời gian dài học online, đặc biệt là các em học cuối cấp. 

Phụ huynh học sinh Mầm non, Tiểu học ngóng ngày đi học

Mặc dù đã có quyết định học sinh từ lớp 7-12 sẽ đến trường sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên, học sinh Mầm non và Tiểu học vẫn chưa có thông tin về thời gian đi học lại. 

Chị Hoàng Thị Thủy, phụ huynh có con đang học Mầm non và lớp 5 một trường tiểu học quận Thanh Xuân cho hay: "Mặc dù lo cho sức khỏe của con nhưng tôi thấy cần thiết của việc học sinh đi học trở lại. Con tôi đã mất gần 1 năm quanh quẩn ở nhà. Học online chắc chắn không hiệu quả bằng học trực tiếp, trong khi đó con chuẩn bị thi chuyển cấp. Tôi mong nhà trường có biện pháp phòng chống dịch an toàn để phụ huynh yên tâm cho các con đi học".

Học sinh Hà Nội đi học lại ngay sau Tết Nguyên đán: Quan điểm của phụ huynh và nhà trường? - Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung tiêm vaccine. Ảnh: NTCC

Liên quan đến những biến chủng mới hay số người nhiễm vẫn gia tăng có phải là nguy cơ cho học sinh khi đi học trở lại hay không, chia sẻ với PV, bà Rana Flowers, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho hay: "Cho dù có biến chủng Covid-19, đặc biệt là khi cho phép kinh doanh và đi lại không hạn chế, thì các trường học nên cho học sinh học trực tiếp càng sớm càng tốt, không có rào cản với việc tiếp cận giáo dục, bao gồm cả việc không bắt buộc tiêm chủng trước khi đi học. 

Điều quan trọng là chính phủ cũng như chính quyền địa phương và sở giáo dục địa phương giúp các trường nối lại việc đi học trực tiếp bằng cách làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu lây nhiễm của virus, chẳng hạn cung cấp các dụng cụ làm sạch, xà phòng, nước sạch, thiết bị bảo vệ...

Bằng chứng cho thấy trẻ em đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19 nặng thấp hơn, thế nhưng cái giá khiến các em mất đi việc học hành, sự lo lắng và cô lập mà các em phải chịu đựng, những thách thức về tinh thần mà các em phải đối mặt - đó là những mối đe doạ lớn hơn, và UNICEF đã khuyến khích Chính phủ Việt Nam mở cửa trường học càng sớm càng tốt.

Tại cuộc họp Chính phủ tổ chức ngày 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ 7/2-14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem