Học sinh lớp 12 quá tải vì lịch học và các kỳ thi, thường xuyên thức đến 2 giờ sáng

Tào Nga Thứ ba, ngày 07/03/2023 12:10 PM (GMT+7)
Từ nay đến tháng 7 là giai đoạn nước rút để thí sinh ôn tập cật lực và tham gia các kỳ thi. Tuy nhiên, việc tham gia nhiều kỳ thi riêng khác nhau cũng gây khó khăn cho học sinh.
Bình luận 0

Khó phân bổ thời gian

Theo lịch của Bộ GDĐT, học sinh sẽ thi tốt nghiệp vào cuối tháng 6. Ngoài ra, nhiều thí sinh còn đăng ký tham gia các kỳ thi khác như đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá tuyển sinh CAND của Bộ Công an, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐH Sư phạm TP.HCM…

Không dừng lại ở đó, một số em cho biết còn tham gia một số kỳ thi khác như giải Toán trên máy tính, thi học sinh giỏi quốc gia... Việc tham gia nhiều kỳ thi khiến các em cảm thấy quá tải.

Em Nguyễn Thân Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai, cho biết dự kiến đăng ký vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM bằng phương thức thi đánh giá năng lực, xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Em thấy Bộ GDĐT công bố sớm lịch thi và cũng đẩy ngày thi lên sớm hơn là hợp lý để chúng em yên tâm tinh thần cũng như có thời gian để lên kế hoạch ôn tập. Kế hoạch của em cố gắng hoàn thành xong chương trình trong tháng 3. Tuy nhiên, kế hoạch thi của em có phần dày đặc nên cũng khá căng thẳng", nam sinh cho hay.

Học sinh lớp 12 khó sắp xếp lịch học và các kỳ thi, hôm nào cũng thức đến 2 giờ sáng - Ảnh 1.

Học sinh ôn thi ở TP.HCM. Ảnh: NVCC

Khôi chia sẻ, thời gian qua em tham gia cuộc sinh học sinh giỏi bảng A và bảng B cấp tỉnh. Em khá khó khăn không biết xếp lịch học thế nào để vừa chạy chương trình đội tuyển, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực. "Hiện tại em đang tập trung ôn thi đánh giá năng lực. Buổi sáng em học ở lớp, buổi chiều học từ 14-17h và tối từ 21-0h30", Khôi tâm sự.

Em Phạm Hoàng Minh Hiếu, lớp 12, Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM cũng chia sẻ dự kiến sắp tới đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM: "Em đang học đều tất cả các môn cho đến khi kỳ thi đánh giá năng lực kết thúc sẽ ôn chuyên sâu vào khối thi của mình. Phương thức đánh giá năng lực là ưu tiên hàng đầu của em".

Như nhiều thí sinh khác, Hiếu cho biết bản thân khó sắp xếp lịch học và làm bài sao cho hợp thời gian cũng như đủ giữ gìn sức khỏe. Có những hôm, Hiếu phải làm bài tập đến 1-2h sáng nên khá mệt mỏi.

Trần Hải Đăng, học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM đang dồn sức chuẩn bị cho 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực.

"Em ưu tiên thi đánh giá năng lực lên hàng đầu vì hiện tại kỳ thi này mang lại nhiều cơ hội hơn là học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Khó khăn của em là chia thời gian học, ôn thi và tham gia các kỳ thi khác nhau. Vào tháng 1 em mới tham gia kỳ thi giải Toán nhanh trên máy tính cầm tay. Hiện tại em tập trung ôn thi đánh giá năng lực rồi đến thi tốt nghiệp.

Hàng ngày em phải phân chia thời gian học: 21h30-23h cho thi đánh giá năng lực và từ 21h đến 0h30 sáng hôm sau cho khối thi. Việc chuẩn bị những bài kiểm tra trên trường thì em học trước ở lớp để không bị ảnh hưởng đến lịch học của mình", Đăng chia sẻ.

Lang Gia Kiệt, học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Nhuận cho hay khó phân bổ thời gian vì đang tham gia cuộc thi Casio, học sinh giỏi Toán, thi tốt nghiệp và thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, lịch thi đánh giá năng lực vào 26/3 khá gần ngày với học sinh giỏi 7/3 nên càng vất vả hơn.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn tư vấn cho thí sinh. Clip: Tào Nga

Thí sinh cân nhắc đăng ký các kỳ thi

Chia sẻ với PV, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: "Các kỳ thi có những đặc thù khác nhau. Những thí sinh thi vào công an, sư phạm... đã có mục tiêu từ đầu nên các em sẽ đăng ký thi kỳ thi riêng tại trường đó chứ không tham gia nhiều kỳ thi. Mặt khác, chúng ta nghe có 8-10 kỳ thi thì nhiều nhưng lại phân bổ ở 2 miền và từng miền lại phân chia theo lĩnh vực. 

Tôi khuyên các thí sinh không nhất thiết phải tham dự nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng là đủ. Thi nhiều các em sẽ tốn công sức và chi phí nên các em cần cân nhắc". 

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cũng cho biết thêm, thực chất các kỳ thi riêng của các trường không giống nhau. Kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia mang tính phổ quát và được nhiều trường sử dụng trong xét tuyển. Một số kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy khác tập trung vào các khối ngành, nhóm ngành nhất định. Do đó, khi thí sinh đã các định hướng nghề nghiệp, lựa chọn các trường ứng tuyển phù hợp với nguyện vọng, năng lực của bản thân thì không cần tham dự nhiều kỳ thi mà chỉ lựa chọn 1 kỳ thi phù hợp nhất. Còn lại, các em nên tập trung kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là cơ hội rất lớn để các em ứng tuyển vào các trường đại học.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ: Có rất nhiều học sinh có nguyện vọng tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường. Tuy nhiên, nếu thí sinh tham gia đủ các kỳ thi này để tăng thêm cơ hội, thì chỉ riêng việc sắp xếp thời gian đã là một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, học sinh cũng không có nhiều thời gian để ôn luyện các đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường.  Như vậy, nếu tham gia quá nhiều kỳ thi, học sinh sẽ khó đảm bảo việc học trên lớp cũng như hạn chế tiếp nhận kiến thức. Cô Bội Quỳnh lưu ý, thí sinh cần xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết, phù hợp với năng lực bản thân để đăng ký dự thi.

Trước quan điểm nở rộ các kỳ thi riêng khiến thí sinh gia tăng áp lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, áp lực của thí sinh bắt nguồn từ nhiều thứ, trong đó xuất phát từ cả phía phụ huynh. Thực tế công tác tư vấn hướng nghiệp những năm qua vẫn có nhiều trường hợp thí sinh dù không muốn xét tuyển vào ngành học này nhưng phụ huynh vẫn kỳ vọng, tạo thêm áp lực cho các em.

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi bắt buộc với tất cả các thí sinh mà hầu hết các trường đều sử dụng và dành phần lớn chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển này. Nếu các em ôn tốt cho kỳ thi thì bảo đảm các em thi bất kỳ kỳ thi nào cũng đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, khi đăng ký xét tuyển vào bất cứ ngành học nào, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của trường, các phương án xét tuyển đại học mà trường sử dụng. Thí sinh đặc biệt lưu ý không nên dự thi quá nhiều kỳ thi vì mỗi kỳ thi có tính chất và phục vụ một đối tượng nhất định.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học ở Hà Nội bày tỏ: "Các trường đại học cũng tính toán tuyển thẳng những học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia chứ không chỉ những bạn đạt giải. Vì đến vòng thi quốc gia đều là những em xuất sắc, xứng đáng được trân trọng".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem