"Cần tạo điều kiện an toàn nhất có thể, để trẻ em được đến trường"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 15/02/2022 08:55 AM (GMT+7)
Cả nước vừa ghi nhận gần 30.000 ca mắc Covid-19 trong ngày hôm qua (14/2) khiến nhiều người có tâm lý lo lắng. Không ít gia đình cũng bị xáo động việc con em đi học lại hiện nay. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, đến trường không có thời điểm nào là an toàn tuyệt đối nhưng trẻ cần thiết đi học.
Bình luận 0

Những ngày vừa qua, Việt Nam liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Ngày 14/2 cả nước ghi nhận hơn 29.400 ca mắc tại 63 tỉnh, thành phố. Trước đó một ngày có hơn 26.300 ca mắc. Ngày 12/2 có hơn 27.300 ca nhiễm...

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam về vấn đề này.

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thưa GS, những ngày gần đây, tại Việt Nam liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao. GS nhận định thế nào về vấn đề này?

- Dịch Covid-19 hiện nay nhìn chung mà nói diễn biến vẫn khá phức tạp không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron kể cả chủng Delta cũng vậy, thực tế đang lan rất mạnh ở Việt Nam.

Theo thống kê, Hà Nội luôn luôn đứng đầu số người nhiễm liên tục trong hai tháng nay. Nhưng tôi tin ở các tỉnh khác, tình hình phức tạp cũng vậy. Cách chỉ định làm xét nghiệm, khai báo có khác so với trước. Bởi hiện nay, đa phần người dân tự làm xét nghiệm tại nhà. 

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Ảnh: Bộ Y tế

Có người nhiễm Covid-19 báo với cơ sở y tế nhưng có người không khai báo cho nên con số ca bệnh rất tương đối chứ không phải tuyệt đối. Tuy nhiên số lượng người nhiễm đang tăng lên từng ngày mà chúng ta thấy rất rõ. Cụ thể, trong ngày 14/2, Việt Nam ghi nhận hơn 29.400 ca mắc mới, tăng hơn 3.000 ca so với một ngày trước đó. 

Đứng trước tình hình này, chúng ta cần giữ vững 2 thái độ đó là không hoảng loạn và cũng không được phép chủ quan. Số người nhiễm tăng, tuy nhiên chỉ số người phát ra bệnh tỉ lệ không cao. Tỉ lệ người tử vong không cao. Trước đây, mỗi ngày cả nước ghi nhận vài trăm người nhiễm Covid-19, người dân đã lo lắng rồi nhưng giờ riêng Hà Nội đã xấp xỉ 3.000 ca mắc mỗi ngày, cao điểm như ngày 14/2 ghi nhận 3.507 trường hợp. 

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 3.

Bác sĩ theo dõi, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm

Tại sao ông nói người dân không nên chủ quan và hoảng loạn?

- Chúng ta không chủ quan bởi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng và có thể bùng phát trở lại. Ngoài ra, Covid-19 có thể xuất hiện những biến chủng lành sẽ đỡ nhưng biến chủng ác tính thì đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thứ 2, tình hình dịch kéo dài đến lúc mệt mỏi, sức chịu đựng giới hạn nên mọi người không được phép chủ quan.

Cùng với đó, tôi cho rằng chúng ta cũng không nên hoảng loạn bởi số lượng người nhiễm nhiều nhưng tỉ lệ phát bệnh và tỉ lệ tử vong ít. Thứ 2, hầu hết người Việt Nam đã tiêm vaccine, là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine lớn trên thế giới. Tôi đánh giá đây là một thành công rất cao thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn vaccine. Việc tiêm vaccine rất đúng.

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi điều trị cho F0 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Thứ 3, không hoảng loạn bởi chúng ta có kinh nghiệm của thế giới nói chung và Việt Nam có hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, trong 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt đại dịch tại TP.HCM kéo dài từ khoảng tháng 7 đến tháng 10/2021. Phải nói kinh nghiệm này rất quý báu.

Trên thực tiễn ngay cả cá nhân gia đình tôi cũng có người bị nhiễm Covid-19 nhưng nếu đã được tiêm vaccine sẽ hạn chế phát nặng, âm tính nhanh chứng tỏ tiêm vaccine đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Với 3 lý do trên tôi cho rằng chúng ta không nên hoảng loạn.

Tôi cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" là định hướng chiến lược hết sức đúng đắn. 

Cả hai nhiệm vụ phải bình tĩnh, không chủ quan nhưng phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trên thực tế nếu phát triển kinh tế tốt mà kiểm soát được dịch bệnh là điều tuyệt vời. Ví dụ nông dân vẫn tiếp tục cày cấy, rau màu, công nhân tiếp tục sản xuất, giao thông đảm bảo đi lại, du lịch dần mở cửa… Những việc này hoà nhịp cùng thế giới. 

Để kiểm soát được dịch bệnh, theo GS cần có những biện pháp gì?

- Hiện việc quan trọng cần cho học sinh đến trường. Việc này từ Chính phủ đến các Bộ ngành, địa phương đều rất quyết liệt. Tuy nhiên, tôi nhận thấy vấn đề thực hiện 5K ở nhiều nơi đã bắt đầu chủ quan, việc này không ổn. 

Ví dụ như mở cửa nhưng mở cửa rộng quá, không chú ý việc cách ly, theo dõi F0 tại nhà, chống lây lan F0 tại nhà… Tất cả việc này không được chủ quan. Đâu đó cũng đã xuất hiện nên tôi đề nghị phải xem xét lại những vấn đề này. 

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 5.

Học sinh Trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để các em được đến trường đi học ở mọi cấp. Cần rà soát tiêm vaccine hết cho những người yếu thế trong xã hội. Còn một người nào chưa an toàn thì những người khác không an toàn. 

Để phát hiện ra tác nhân gây bệnh SARS-CoV-2 không có cách nào khác ngoài việc xét nghiệm. Tuy nhiên chỉ định xét nghiệm một cách đại trà giống như trước đây bây giờ nên thay đổi. Phải có chọn lọc đối tượng, đúng thời điểm chứ không phải thích thì làm. 

Cần xét nghiệm đúng đối tượng, đúng thời điểm. Cụ thể, người đó tiếp xúc nhiều trong cộng đồng mà trong đó có nguy cơ lây nhiễm rất cao rõ ràng phải có ý thức tự bảo vệ gia đình, cơ quan, cộng đồng nên cần xét nghiệm. Nhóm những người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đã được khuyến cáo như ho, sốt, mệt mỏi người, thay đổi vị giác… hoặc những người đến cuộc họp đông người hay có lãnh đạo cao cấp…

Đảm bảo cho trẻ nhỏ đến trường một cách an toàn theo ông cần chú ý những vấn đề gì?

- Tôi cho rằng việc đến trường của trẻ bây giờ không có thời điểm nào là an toàn tuyệt đối mà chỉ có an toàn nhất. Đây không phải sự buông xuôi mà một sự lựa chọn linh hoạt, hợp lý, khoa học. Tất cả các cấp học nên đến trường học trực tiếp vì hậu quả của học trực tuyến rất to lớn. Bây giờ chưa tính đến nhưng nhiều hệ luỵ kéo theo như ảnh hưởng mắt, tự kỷ, tâm thần, tâm lý,… của trẻ nhỏ nên học càng nhanh càng tốt.

Qua theo dõi Chính phủ đã chỉ đạo, các Bộ yêu cầu sớm đưa học sinh trở lại trường tôi rất hoan nghênh. Tôi cho rằng cần có một số điều chỉnh lại hợp lý hơn. Theo đó, chúng ta phải hiểu rõ dịch từ đâu? Thường dịch lây từ đâu? Trong lớp lây lan thế nào? 

Ghi nhận gần 30.000 ca mắc trong ngày, dịch Covid-19 tại Việt Nam còn đáng lo ngại? - Ảnh 6.

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì, Hà Nội đến trường học trực tiếp ngày 10/2. Ảnh: Tào Nga

Trẻ có thể lây dọc đường, trên xe ô tô, lây từ trong nhà mang đến lớp. Điều này có nhiều khả năng bởi lớp có mấy chục em thì tất cả gia đình số học sinh đó có cách phòng dịch, thái độ, điều kiện sinh hoạt… khác nhau. Ở nhà có 2 việc rất dễ lây, đó là người lớn, bố mẹ thường đi làm việc ở những nơi nguy cơ nhiều, về nhà nghĩ an toàn, trong nhà không đeo khẩu trang.

Với 3 khâu ở nhà, đến trường, trong lớp học, tôi cho rằng khâu ở nhà có nguy cơ lây bệnh nhiều nhất. Còn ở lớp là khâu nguy cơ và lây lan lẫn cho nhau nhiều nhất. Bố mẹ có con đang tuổi đến trường phải có biện pháp phòng chống dịch nhiều nhất, phòng cho cá nhân, cho con mình và cho lớp học.

Vấn đề này tôi cũng đã phát biểu nhiều kể cả với Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT… Nội bộ lớp phải có phòng chống thích hợp mà cụ thể thực hiện tốt 5K. Trong đó, có 3 vấn đề rất quan trọng đó là đeo khẩu trang, giãn cách để tránh tụ tập, việc này hơi khó nhưng khu sân trường nên khoanh vùng các lớp lại, chơi đúng vòng khoanh đó. 

Thứ nữa là tích cực tiêm vaccine cho trẻ để trẻ an toàn đến trường. Tôi tha thiết kêu gọi nhưng dùng vaccine phải khoa học, an toàn, có hiệu quả. Dù sao phải tập trung cao độ, kể cả tốn kém chúng ta phải mua loại vaccine tốt nhất tiêm cho trẻ nhỏ.

Cùng với đó chúng ta cần củng cố y tế phòng dịch tại các trường, thậm chí trong các lớp. Nên có cán bộ y tế trong trường để chăm sóc, theo dõi học sinh. 

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem