Học sinh, sinh viên đến tận vườn, học làm nông nghiệp công nghệ cao

Nguyễn Tố Thứ sáu, ngày 13/04/2018 13:34 PM (GMT+7)
Trong khi với nhiều người, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vẫn là điều gì đó xa vời, cao siêu… một số địa phương đã có cách tiếp cận vấn đề rất độc đáo, đó là đưa NNCNC vào nội dung đào tạo trong nhà trường. Đây thực sự là phương pháp tiếp cận hữu ích và là sự đầu tư đường dài hiệu quả.
Bình luận 0

Sinh viên được tham quan mô hình thực tế

img

Gắn việc học với thực hành giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ nhanh hơn. Nguyễn Tố

Cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Lâm Đồng: Hàng năm, chỉ khoảng 60% học sinh của trường thi vào các trường đại học, cao đẳng, số còn lại đi học nghề hoặc trở về địa phương. Có nhiều em khi vào đại học, ra trường không xin được việc làm. Chính điều này khiến chúng tôi xây dựng ý tưởng và mong muốn học sinh của mình sau này có thể vận dụng những gì đã học áp dụng vào sản xuất ở gia đình, mang lại hiệu quả cao hơn canh tác theo truyền thống.

Thay vì những bài giảng khô khan, rất nhiều trường đại học ởViệt Nam đã chọn cách đưa sinh viên tham quan, tiếp cận với mô hình thực tế nhằm bổ trợ thêm cho những kiến thức được học tại giảng đường. Với mục tiêu giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm và kiến thức về lĩnh vực NNCNC và nông nghiệp thông minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) đã tổ chức nhiều buổi diễn giả, đưa các nhà quản lý, các chính khách, các doanh nhân, nhà khoa học… đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Bạn Đỗ Thị Thúy Sinh - sinh viên năm ba của ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Em đã chọn theo chuyên ngành công nghiệp và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào làm tại các nhà máy chuyên về công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, sau buổi hội thảo này, em nhận thấy NNCNC là xu hướng mới rất thú vị, em sẽ cân nhắc lại lựa chọn của mình”.

TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý và Phát triển công nghệ (ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết: “Trường đang hình thành một nhóm chuyên ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông minh trong nông nghiệp. Hiện tại, trường đang có cơ sở rộng 40ha tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và đây chính là nơi để các sinh viên có thể thỏa mãn những nghiên cứu, trải nghiệm của mình về NNCNC”.

Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, một trong những diễn giả tại các hội thảo ở các trường đại học, NNCNC và nông nghiệp thông minh là 2 lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Trong khi nông nghiệp chiếm tới 18% GDP của cả nước, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô như gạo, cà phê, đặc biệt là rau quả… do đó cần đưa NNCNC vào giảng dạy thường xuyên ở các giảng đường.

“Chúng ta cần tiếp cận gần hơn với công nghệ của thế giới, nhưng cũng cần xác định công nghệ nào phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Và quan trọng nhất phải đào tạo được nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn để tiếp thu được những thành tựu của thế giới. Để việc đào tạo thực sự hiệu quả, theo tôi cần giảm những kiến thức vĩ mô, mà đi vào vi mô, vừa học vừa làm để cho các em khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc ngay mà không bỡ ngỡ” – ông Phạm S nhấn mạnh.

Đưa mô hình về tận trường

img

Cũng chọn phương pháp giáo dục thực nghiệm nhằm tạo điều kiện giúp các em học sinh được thực hành thực tế sau những giờ học trên lớp, hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng cùng các giáo viên trong trường đã lên ý tưởng xây dựng mô hình vườn rau, hoa trong trường.

Theo cô Phạm Thị Hồng- Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Lâm Đồng, đặc thù của trường dân tộc nội trú là ngoài việc dạy kiến thức cho các em, việc dạy kỹ năng cũng rất được chú trọng, quan tâm. Do vậy, từ hè năm học 2016 - 2017, nhà trường đã có ý tưởng thực hiện mô hình NNCNC.

Từ một bãi đất bỏ trống sỏi đá sau trường, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động các em học sinh và giáo viên san lấp, cải tạo để xây dựng mô hình trồng rau, tự cung cấp trong trường.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của cả thầy và trò, cuối cùng 500m2 nhà kính đã được hoàn thành. Sau 1,5 tháng xuống giống, lứa rau đầu tiên đã phát triển xanh tốt và cho thu hoạch.

 Lứa rau đầu tiên, ngoài việc phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của học sinh, nhà trường đã bán được một phần để làm quỹ công đoàn. Cô Phạm Thị Hồng chia sẻ, mục đích chính từ việc xây dựng mô hình này là thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 mà ngành giáo dục đưa ra “gắn việc giảng dạy với thực tiễn sản xuất”, qua đây giúp học sinh làm quen với các mô hình sản xuất NNCNC và được thực hành thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem