Học tiếng Anh để... buôn ngà voi

Thứ hai, ngày 23/05/2011 15:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hắn tên D. D được học hành cơ bản, gia đình có điều kiện nên cho đi du học. Học xong về nước, tích lũy được vốn ngoại ngữ kha khá, được nhiều doanh nghiệp nước ngoài mời chào làm việc nhưng D không thích...
Bình luận 0

Theo giới buôn lậu, sở dĩ cảng của Hải Phòng, Quảng Ninh được chọn làm bãi đáp để trung chuyển ngà voi không chỉ vì hai vùng này thuận lợi về đường biển, gần với thị trường lớn là Trung Quốc, mà còn vì chính sách của ta dễ dàng chấp nhận những lô hàng tạm nhập tái xuất.

Những vận đơn đặc biệt

Trong giới làm nhập khẩu liên quan đến kho bãi của đất cảng, Hoàng không phải cái tên nổi bật. Nhưng những ca khó, đặc biệt là liên quan đến hàng cấm thì không ai giỏi bằng Hoàng, bởi Hoàng không chỉ thông thổ về luồng lạch, kho bãi mà còn khá sành sỏi trong công tác giao nhận, kho vận.

Nhờ có uy tín trong nghề mà Hoàng đã nhiều lần nhận được những vận đơn đặc biệt, đó là những lô ngà voi từ châu Phi tạm nhập vào khu vực cảng Hải Phòng. Trong một lần vui vẻ, Hoàng đã hé lộ về những chuyến vận đơn đặc biệt của mình.

img
Ngà voi thường được các đại gia dùng làm vật trang trí.

Theo Hoàng, nếu ngà voi mà vào khu vực Đông Nam Á thì chỉ có vào Hải Phòng là lý tưởng nhất, bởi Hải Phòng có hàng chục bến cảng và hàng triệu mét vuông kho bãi khác nhau, mỗi ngày đón vài chục con tàu quốc tế lớn nhỏ.

Tuy nhiên Hoàng bảo, ngà voi thường chỉ trà trộn vào hàng nhập khẩu bình thường, trong danh mục cho phép, có đóng thuế đàng hoàng, như vỏ ốc, cá khô, đỗ tương... Nhưng điều quan trọng là phải đưa được hàng vào luồng xanh, vì theo quy định, hàng ở luồng xanh ít bị kiểm đếm mà cho thông quan ngay, còn hàng rơi vào luồng đỏ là hàng khả nghi.

Để hàng không bị đưa vào luồng đỏ, bọn Hoàng cũng vất vả lắm, phải tìm đủ mọi quan hệ để gỡ, nếu hết cách thì đành nhìn mấy anh hải quan bật container ra, đến nước này thì chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người.

Học tiếng Anh để buôn ngà voi

Cửa khẩu Cầu Treo chỉ là một đường trung chuyển của ngà voi. Tôi đã từng ngồi tâm sự với một người bạn hành nghề này.

Hắn tên D. D được học hành cơ bản, gia đình có điều kiện nên cho đi du học. Học xong về nước, tích lũy được vốn ngoại ngữ kha khá, được nhiều doanh nghiệp nước ngoài mời chào làm việc nhưng D không thích.

Sau một thời gian kinh doanh bất động sản đã mua được nhà ở Hà Nội, D chuyển sang phụ giúp mẹ buôn bán ngà voi. Giỏi tiếng Anh, dần dần D được mẹ giao hẳn cho việc bay sang các nước châu Phi để giao dịch với các mối lâu năm mà bà đã gây dựng.

Trong một lần uống rượu với tôi, D tự hào: “Mẹ tao là người có uy tín nhất với các đầu nậu buôn ngà voi ở châu Phi. Bà biết tiếng Anh lại khéo giao tiếp, mua bán nhanh nên chúng rất thích. Giờ tao đi thay cũng rất thuận tiện”.

Mấy vụ buôn bán ngà voi bị bắt chỉ là nhỏ thôi, chứ các ông lớn quan hệ rộng, biết cách đi thường không bao giờ bị bắt.

Rồi D say mê kể những chuyến bay đi bay về sang các nước châu Phi. D nói, muốn mua ngà voi bên đó chỉ cần gọi điện đặt trước, sang là có, không ít thì nhiều.

Thường D chỉ sang giao dịch, còn việc vận chuyển bằng đường không hay đường biển đều do các đầu nậu ở châu Phi lo. Mỗi chuyến hàng cũng phải vài tấn. Lần nhiều nhất, D giao dịch khoảng 5 tấn ngà voi, giá trị hàng chục tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi ngà voi được mua bán xong, thường vận chuyển qua nhiều nước trung gian, thay đổi địa điểm thường xuyên để tránh các cơ quan chức năng phát hiện. Khi lo lót được đường vào, các đối tượng buôn bán thường thuê tàu biển, cho vào các container, ngụy trang bằng nhiều hình thức.

Theo D, hàng của gia đình D thường đưa vào cảng Hải Phòng, hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) rồi bán cho các đầu nậu ở biên giới Trung Quốc. Việc buôn bán ngà voi không phải ai cũng dám làm, chỉ các đại gia có máu mặt, quan hệ rộng mới đủ sức buôn hàng này.

----------------

Kỳ cuối: Đi buôn bằng mọi giá

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem