Học trực tuyến mùa Covid-19: Khó nhất là khối tiểu học

Bạch Dương Thứ tư, ngày 24/02/2021 20:11 PM (GMT+7)
Mặc dù không còn quá xa lạ với phương pháp học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm ngừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương thừa nhận hình thức này còn gặp khó khăn, đặc biệt với khối tiểu học.
Bình luận 0
Học trực tuyến mùa Covid-19: Khó nhất là khối tiểu học - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học TP.HCM đang học trực tuyến tại nhà.

 Khối lớp 1, 2 gặp nhiều khó khăn

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM về việc học sinh tạm ngừng đến trường từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 28/2, Sở GDĐT TP.HCM đã có chỉ đạo cụ thể về việc triển khai dạy học qua Internet, trong đó chú trọng đặc biệt đến khối tiểu học. Hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trên Internet bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học: Khối 1, 2, 3: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Khối lớp 4, 5: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: Từ ngày mùng 6 Tết, cán bộ Sở GDĐT TP.HCM đã tăng cường đi cơ sở, nắm tình hình dạy học qua internet tại các trường, đảm bảo tiến độ chương trình năm học. Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các trường phổ thông đều đã triển khai với hơn 80% số học sinh tham gia, khối 12 đạt trên 96%.

Nhìn chung học sinh các lớp nhỏ (lớp 1, 2) có gặp khó khăn do cần sự hướng dẫn, kèm cặp của phụ huynh nên đa số các trường áp dụng hình thức phiếu giao nhiệm vụ kết hợp các đoạn phim bài giảng do giáo viên trực tiếp quay. Nếu áp dụng hình thức trực tuyến thì thường tổ chức vào cuối giờ chiều để phụ huynh tiện sắp xếp, hỗ trợ con học tập.

Giáo viên khối mầm non cũng thực hiện nhiều đoạn phim ngắn, hướng dẫn trẻ kỹ năng, sinh hoạt, vui chơi…, nhất là những kỹ năng cần thiết cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) đã lập kế hoạch chung về việc thực hiện hoạt động online của nhà trường, áp dụng thời khóa biểu mới từ ngày 18/2 cho đến hết ngày 28/2. 

Để thực hiện việc dạy học, trường chọn hệ thống K12 online của Viettel xây dựng và phát triển, giáo viên và học sinh đều đã được tạo tài khoản. Nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu chung cho toàn trường bao gồm chương trình chính khóa của tất cả môn học và chương trình buổi hai theo như kế hoạch đã xây dựng và thực hiện từ đầu năm.

Việc tổ chức học online được tổ chức theo những khung giờ nhất định, có giờ giải lao. Riêng các tiết học tiếng Anh bản ngữ, tăng cường tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp không học online. Đối với các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12, giáo viên chủ động ôn tập qua nhiều hình thức.

Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên tổ tự soạn bài giảng thông qua tổ trưởng chuyên môn duyệt, giảng và tương tác trực tiếp với lớp phụ trách trong khung giờ thời khóa biểu qua lớp học trên hệ thống. Hoặc nhóm, tổ chuyên môn soạn bài giảng chung qua các clip, gửi ban giám hiệu duyệt, giáo viên bộ môn sử dụng các bài giảng đó để tương tác với lớp phụ trách.

Trong quá trình dạy học, giáo viên trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống. Kết quả kiểm tra, đánh giá sử dụng cho các cột điểm kiểm tra thường xuyên. Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường và giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức.

Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long (quận Bình Tân) cho biết, trường đăng các bài giảng theo thời khóa biểu lên YouTube để học sinh học, trừ môn thể dục và các tiết thực hành như công nghệ, sinh, hóa, lý.

"Riêng các em lớp 9 sẽ được tăng cường bài tập theo đề cương thầy cô đã in sẵn cho các em. Sau khi học xong một bài, các em sẽ làm bài tập, chụp ảnh bài làm và gửi qua Zalo cho thầy cô. Khi đi học lại, các em sẽ được kiểm tra lại các kiến thức đã học. Những em nào chưa hiểu sẽ được dạy thêm trong các tiết buổi hai", bà Giang nói.

Đối với bậc tiểu học, Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8) triển khai theo hai phương án: Giáo viên tương tác trực tiếp với học sinh qua các phần mềm hoặc giáo viên sẽ soạn bài, sau đó đưa video bài học lên website của trường hay Zalo. Học sinh học theo thời khóa biểu, buổi sáng từ 7h30 đến 10h30, buổi chiều 14h đến 16h.

"Học sinh của trường đa số có hoàn cảnh khó khăn nên căn cứ vào tình hình của mỗi lớp, giáo viên sẽ có phương án phù hợp, miễn sao các em có thể tiếp cận bài giảng. Việc học trực tuyến gặp khó vì cha mẹ đi làm cả ngày, các em sẽ không thể tham gia. Sau khi các em học tập trung, trường sẽ ôn lại những kiến thức đã học", ông Nguyễn Văn Giàu, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Học trực tuyến mùa Covid-19: Khó nhất là khối tiểu học - Ảnh 3.

Đối với lớp 1, 2, việc học trực tuyến khá khó khăn.

Ưu tiên lớp 9 và 12

Tại Long An, Sở GDĐT tỉnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị trường học thực hiện đa dạng hóa các hình thức dạy học tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, ưu tiên thực hiện việc dạy trên Internet cho học sinh khối 9 và khối 12.

Theo đó, các đơn vị tổ chức dạy học trên Internet cho học sinh khối 9 và khối 12 phải bảo đảm các điều kiện: Xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, có kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất; bảo đảm 100% học sinh tham gia học tập trên Internet.

Đối với các trường hợp học sinh khối 9 và khối 12 không có smartphone, gia đình không có kết nối mạng internet,... lãnh đạo các đơn vị tổ chức cho các em tham gia học trực tuyến tại trường, bảo đảm mỗi lớp học không quá 20 học sinh, thực hiện việc mang khẩu trang, khử trùng, sát khuẩn trước khi vào lớp học.

Ngoài ra, Sở GDĐT Long An chỉ đạo các đơn vị duy trì, tổ chức có chất lượng các hoạt động dạy và học trong nhà trường bằng hình thức học qua Internet; chỉ đạo, tổ chức, phân công giáo viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy qua Internet cho học sinh theo thời khóa biểu chung của nhà trường; khai thác, sử dụng kho học liệu của ngành để giảng dạy cho học sinh qua phần mềm Zoom do Sở GDĐT tổ chức tập huấn…

Khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua Internet nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem