Học viện Báo chí và Tuyên truyền với mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á

Tào Nga Chủ nhật, ngày 11/09/2022 11:56 AM (GMT+7)
Sáng nay (11/9), Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Bình luận 0

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba 

Sáng 11/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (số 36 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 1.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Ảnh: Tào Nga

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương, được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Tuyên giáo, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học Nhân dân. 

Với những cống hiến bền bỉ trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tự hào là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín cao.

 Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó chủ tịch nước, thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 2.

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình. Ảnh: Phạm Hưng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá trải qua các thời kỳ phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện xuất sắc trọng trách của mình.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 3.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Phạm Hưng

Trước đó, trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1982), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2021) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2022, nhà trường kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Mục tiêu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia và châu Á

PGS.TS Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: "Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, dù phải trải qua những thời kỳ hết sức khó khăn, nhưng những lúc khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của toàn thể, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường được phát huy, tạo ra những đột phá để đưa nhà trường vượt qua, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Phạm Hưng

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng, đồng thời là một trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ chỗ chỉ có 2 khoa khi mới thành lập, đến nay Học viện có 18 khoa, đào tạo 32 chuyên ngành (trong đó có 1 chuyên ngành liên kết quốc tế; 3 chuyên ngành chất lượng cao); 19 chuyên ngành đào tạo cao học; 4 ngành đào tạo tiến sĩ. Trong đó có những ngành, chuyên ngành đào tạo đầu tiên hoặc duy nhất ở Việt Nam như: Công tác tư tưởng, Phát thanh - Tuyền hình, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Thông tin đối ngoại... 

Quy mô đào tạo mỗi năm hơn 2.000 sinh viên Đại học chính quy tập trung, gần 2.000 sinh viên đại học vừa làm, vừa học cho các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; hơn 500 học viên cao học và hơn 50 tiến sĩ mỗi năm. Ngoài ra, Học viện còn bồi dưỡng hàng trăm cán bộ tuyên giáo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan báo chí, xuất bản, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng cán bộ.

Năm 2016, với thế mạnh của mình, Học viện được Bộ GDĐT cho phép triển khai chương trình quốc tế ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông với Đại học Middlesex của Vương Quốc Anh và các chương trình đào tạo chất lượng cao cho các chuyên ngành: Quản trị truyền thông, Kinh tế và Quản lý, Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu, nhằm cung cấp cho xã hội nguồn cán bộ có chất lượng cao. Như vậy Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống các trường Đảng tiên phong liên kết đào tạo quốc tế.

Học viện cũng là 1 trong 5 trường trong cả nước được Bộ GDĐT lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình "Đơn vị học tập".

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 5.

Tặng hoa tri ân các nguyên giám đốc, phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên tuyền các thời kỳ. Ảnh: Phạm Hưng

Hiện nay, Học viện có hệ thống giảng đường về cơ bản đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các lớp học được trang bị máy tính và máy chiếu đa năng, đủ sức chứa 190 lượt lớp/ngày. Các phòng thực hành nghiệp vụ: Studio phát thanh, truyền hình, ảnh, phòng sản xuất chương trình, biên tập xuất bản, diễn giảng, phòng LAB học ngoại ngữ, phòng tin học, phòng học trực tuyến phục vụ thực hành nghiệp vụ cho sinh viên. Thư viện đang được hiện đại hóa, có nhiều phòng đọc tự chọn, chủng loại sách in, sách điện tử đa dạng, phong phú, được kết nối với các thư viện trong nước và quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.

Khu nhà Hành chính trung tâm có đủ các điều kiện của một công sở hiện đại. Cảnh quan, môi trường của Học viện "xanh, sạch, đẹp" văn minh, thân thiện, ký túc xá sinh viên Học viện gồm 5 dãy nhà cao tầng, nằm ở một khu biệt lập, được xây dựng thành hệ thống nhà ở khép kín với nhiều tiện nghi phù hợp, có sức chứa gần 3.000 người; có khu thể thao phục vụ giáo dục thể chất, vui chơi giải trí cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền được xã hội đánh giá là một trong số những trường đại học có uy tín hàng đầu ở Việt Nam về chất lượng tuyển sinh, về môi trường năng động, sáng tạo vượt trội, về phong cách hiện đại, về chất lượng đào tạo được xã hội đánh giá cao".

Nói về mục tiêu phát triển của nhà trường, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho hay: "Đến năm 2030, mục tiêu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hoá, báo chí, tuyên truyền và truyền thông tại Việt Nam; trung tâm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng về lý luận chính trị, tuyên truyền, báo chí và truyền thông tại Đông Nam Á và châu Á. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành trường đại học hàng đầu tại châu Á.

Nhà trường quyết tâm xây dựng được môi trường giáo dục, thực sự là điểm đến để gửi gắm các ước mơ và hoài bão của người học. Ở đó học viên, sinh viên được nuôi dưỡng sự đam mê, tinh thần sáng tạo; ở đó học viên, sinh viên biết tự chủ, chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình và khả năng dễ dàng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội và môi trường toàn cầu".

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 6.

Nhiều thế hệ sinh viên của nhà trường trở về tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: NVCC

Học viện Báo chí và Tuyên truyền mục tiêu trở thành trường trọng điểm quốc gia và châu Á - Ảnh 7.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng, đồng thời là một trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ảnh: Hồng Nhân

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Học viện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: mở chuyên mục "Hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện" trên Cổng TTĐT và các Fanpage; Biên soạn, bổ sung và tái bản cuốn sách "Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 60 năm xây dựng và phát triển", "Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền"; Biên tập và xuất bản kỷ yếu các công trình khoa học (các bài báo) tiêu biểu 5 năm (2017-2022) của cán bộ Học viện; Tổ chức xây dựng phim tài liệu về chủ đề: "Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 60 năm rực rỡ dưới cờ Đảng"; Tổ chức các hoạt động về nguồn; hoạt động nhân đạo, từ thiện…

Đặc biệt chuỗi sự kiện hội thảo, văn nghệ, thể thao được tổ chức trong tháng 8, 9/2022. "Đêm nhạc hội AJC - Màu thời gian"; "Hội trại Truyền thống" trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu, ấn phẩm do cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên sáng tác về 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện. Hội thảo khoa học "Học viện Báo chí và Tuyên truyền – 60 năm xây dựng và phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem