Hôm nay, Anh chia tay EU

31/01/2020 16:54 GMT+7
Vương quốc Anh sẽ chính thức ly khai EU kể từ đêm 31/1 theo đúng hạn chót Brexit mà Hội đồng Châu u đã đặt ra 3 tháng trước đó, qua đó đánh dấu một trong những biến động chính trị - kinh tế lớn nhất của Châu Âu hiện đại.
Hôm nay, Anh chia tay EU - Ảnh 1.

Anh chính thức không còn nằm trong Liên Minh Châu Âu từ 31/1

Ly khai Brexit đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm tại Anh quốc khi chính phủ bà Cựu Thủ tướng Theresa May không thể thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận ly khai với Liên minh Châu Âu. Sự xáo trộn đã gây ra hàng loạt bất ổn kinh tế và căng thẳng chính trị giữa Anh và EU - vốn là thị trường, đối tác thương mại quan trọng của Anh trong cùng khối.

Trước đó, nội các Anh đã có sự chia rẽ sâu sắc về việc thông qua thỏa thuận ly khai khỏi EU cũng như mức độ hợp tác giữa Anh với EU sau khi rời khỏi khối thương mại. Quốc hội Anh hồi cuối tháng 10 đã gây áp lực buộc Thủ tướng Boris Johnson đệ trình yêu cầu gia hạn Brexit lên Hội đồng Châu Âu và được chấp thuận. Thời hạn Brexit cho Anh sẽ lùi lại 3 tháng, từ 31/10/2019 xuống 31/1/2020.

Kết quả bầu cử hôm 13/12 với chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ do Thủ tướng Boris Johnson dẫn đầu đã góp phần đẩy nhanh tiến trình Brexit, đưa nước Anh vào giai đoạn đàm phán tiếp theo với các quốc gia còn lại trong khối EU về quan hệ hợp tác trong vị thế mới. Sau khi ly khai EU vào 31/1, Anh vẫn là một thành viên của liên minh hải quan Châu Âu, nhưng sẽ bắt đầu đàm phán các điều khoản trong thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Chính phủ Anh trước đó đã đưa ra thời hạn đạt thỏa thuận thương mại với EU vào cuối năm 2020, một thời hạn đầy tham vọng mà nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là khó mà thực hiện được. Nếu thỏa thuận thương mại với EU không đến sớm hoặc ly khai được thực hiện với kịch bản không có thỏa thuận nào, hai nền kinh tế Anh và EU có thể phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề do các rào cản thương mại.

Tại nghị viện Châu Âu hôm 29/1, đa số các thành viên Nghị viện đã phê chuẩn thỏa thuận ly khai EU với 621 phiếu thuận và chỉ 49 phiếu nghịch. Sau đó, các nghị sĩ đã có bài phát biểu cuối cùng nêu rõ hy vọng một ngày Anh tái nhập EU.

Cuộc khủng hoảng Brexit bắt đầu từ ngày 23/6/2016, trong một cuộc bỏ phiếu liệu Anh có nên là một thành viên của EU hay không. Như một cú sốc lớn, 51,9% người Anh đã bỏ phiếu ly khai EU trong khi chỉ có 48,1% số phiếu đồng ý ở lại khối. Ngay sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng David Cameron đã từ chức. Theresa May trở thành người kế nhiệm ông Cameron, nhưng bà này cũng không thành công thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit với liên minh Châu Âu. Cho đến khi bà Theresa May từ chức và ông Boris Johnson giữ ghế Thủ tướng Anh, Brexit mới chính thức được bắt đầu.

Hậu Brexit, Anh sẽ ra sao?

Dù ly khai EU từ ngày 31/1, Anh vẫn được coi là một thành viên trong liên minh thị trường - hải quan cho đến cuối năm 2020. Trong thời gian này, Anh sẽ không còn có mặt trong các tổ chức, cơ quan, văn phòng của Liên minh Châu Âu nhưng luật pháp EU vẫn được áp dụng tại Anh cho đến khi hết thời kỳ chuyển tiếp và hoàn tất thỏa thuận ly khai.

Từ nay đến cuối năm 2020, Anh và EU sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại dù Brussels đã cảnh báo London rằng mối quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ không giống với thời hậu Brexit.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục