Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS của IDP cấp sai quy định

Tào Nga Thứ tư, ngày 08/05/2024 19:49 PM (GMT+7)
Ngày 17/11/2022, Bộ GDĐT mới cho phép IDP tổ chức thi nhưng hơn 56.200 chứng chỉ IELTS của đơn vị này được cấp trước đó.
Bình luận 0

Ngày 8/5, Thanh tra Bộ GDĐT đã công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, trụ sở tại quận 3, TP.HCM.

Theo kết luận do Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường ký, ngày 17/11/2022, Bộ GDĐT mới cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng từ đầu năm IDP đã làm việc này sai quy định.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 1/-31/12/2022, công ty đã liên kết tổ chức thi IELTS Test Report Form cho 67.195 người, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS. Địa điểm thi được trải rộng cả nước từ Hà Nội, TP.HCM và 16 tỉnh, thành phố.

Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS của IDP cấp sai quy định- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: Tào Nga

Từ 1/1 đến ngày 9/9/2022, công ty đã tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp khoảng 46.600 chứng chỉ IELTS. Sau đó, từ 10/9 đến 16/11/2022, công ty tổ chức gần 100 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm khoảng 9.600 chứng chỉ.

Tổng cộng, IDP đã cấp hơn 56.200 chứng chỉ IELTS trước khi Bộ GDĐT cho phép. Lệ phí thi thời điểm đó là 4,6 triệu đồng một lượt. Theo quy định, các chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.

Thanh tra Bộ đề nghị IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đồng thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với những chứng chỉ đã cấp khi chưa được phép.

Còn nếu chiếu theo quy định, các chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.

Sự việc này liên quan đến sự kiện hoãn thi IELTS ở Việt Nam hồi đầu tháng 11/2022. Theo Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/8/2018), việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài do Bộ GDĐT phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ làm đề án, trình Bộ cấp phép. Nhiều bên không đáp ứng nên bị Bộ tuýt còi, phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật)...

Theo lý giải của Bộ GDĐT: "Thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể: Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem