Hợp tác xã kiểu mẫu tiên tiến - dù còn khó nhưng có nhiều lợi ích

Lý Tín Thứ bảy, ngày 02/12/2017 14:05 PM (GMT+7)
Xây dựng hợp tác xã (HTX) tiên tiến làm nơi hội tụ cho nông dân, nhà thương mại, máy móc, vật tư nông nghiệp để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Đó cũng là nơi người nông dân có trách nhiệm, tự giác tuân thủ quy trình sản xuất vì nhận được lợi ích hai lần.
Bình luận 0

Cuối tuần qua, đoàn giám sát của Hội Nông dân (ND) TP. HCM đã đến giám sát, lắng nghe phản ánh những thuận lợi, bất cập của 2 trong số 7 HTX được TP.HCM chọn xây dựng thành HTX kiểu mẫu tiên tiến.

Nắm bắt thời cơ

img

Công nhân đang sơ chế, đóng gói rau tại HTX Phú Lộc. Ảnh: L.T

"HTX Phú Lộc hoạt động khá tốt. Nông dân có được lợi ích tối đa khi tham gia vào HTX, nhất là những nông dân mạnh dạn góp vốn. Các sở, ngành, địa phương chú trọng, quan tâm tới HTX. Điều này là tín hiệu đáng mừng để thực hiện đề án HTX kiểu mẫu tiên tiến mà thành phố đặt ra”.

Ông Trần Trường Sơn

 Nhu cầu rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng thành phố rất lớn. Nắm bắt được điều đó, HTX rau Phú Lộc có chi nhánh ở huyện Bình Chánh đã cung cấp ra thị trường mỗi ngày 12 – 15 tấn rau sạch. HXT Phú Lộc hình thành từ năm 2006 nhưng hoạt động chưa hiệu quả do chủ yếu là thu mua, tự sơ chế và hạn chế đầu ra. Từ năm 2012, khi Luật HTX ra đời, nhờ chính sách vay vốn, hỗ trợ công nghệ, HTX Phú Lộc bắt đầu hoạt động hiệu quả.

Theo ông Trần Quang Chánh – Phó Giám đốc HXT và cũng là nông dân “chính hiệu” khi đồng sở hữu 3ha trồng rau, HTX hiện có 66 xã viên với diện tích trồng rau khoảng 68ha. Trong đó có 21 xã viên góp vốn vào HTX. Tất cả xã viên đều cung ứng dịch vụ cho HTX, đa số là trồng rau ăn lá, một số làm dịch vụ khác.

Tham gia vào HTX Phú Lộc, người nông dân có được 2 lợi ích.  Thứ nhất: HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của xã viên bằng cách nhận đơn hàng từ khách hàng và phân công, lên lịch xuống giống cho từng xã viên, với mức giá 7.000 - 8.000 đồng/kg. HTX ra còn hỗ trợ thêm 500 – 1.000 đồng/kg. Xã viên sản xuất dư sản phẩm theo đơn đặt hàng, HTX vẫn bao tiêu toàn bộ. Tất cả sản phẩm của xã viên đều phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi xã viên tham gia HTX có thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.

Lợi ích thứ hai: Mỗi năm 21 xã viên góp vốn đều họp lại chia lợi tức theo tỷ lệ. Vì thế, xã viên có trách nhiệm hơn với sản phẩm và HTX.

img

Còn HTX Mai Hoa ở huyện Hóc Môn được hình thành từ năm 2012, có quy mô nhỏ hơn chỉ cung ứng 1 tấn rau/ngày cho các siêu thị. Ông Trần Văn Thơm - Phó Giám đốc HTX nói: “HTX có 15 xã viên, chủ yếu trồng sản phẩm rau muống nước. Chúng tôi cung ứng cho các xã viên danh mục thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được phép sử dụng hoặc dựa vào nhật ký đồng ruộng để thu mua. Xã viên có nhiệm vụ tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP và chịu sự giám sát của HTX”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Cả HTX Phú Lộc và Mai Hoa đang gặp vấn đề về nhà sơ chế, nhà xưởng. “HTX nằm trên đất nông nghiệp nên không thể xây dựng nhà xưởng. Nhà sơ chế HTX Phú Lộc xây dựng từ năm 2006 đến nay xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi đã đề xuất sửa chữa nhưng chưa được chính quyền chấp nhận. Kế đến, chính sách hỗ trợ chúng tôi chỉ nghe, chứ chưa tiếp cận được, nhất là về công nghệ” - ông Chánh nói.

Khó khăn tiếp theo là việc tiếp cận thị trường khá khó khăn, các siêu thị lớn đòi hỏi chiết khấu cao. Ông Thơm cho biết một số siêu thị hiểu sai về rau muống nước nên HTX chưa tiến xa hơn được. Một số xã viên nhận thức chưa tới, còn vi phạm quy định an toàn VietGAP khiến HTX bị tai tiếng.

Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, nhận định: “HTX Phú Lộc hoạt động khá tốt. Nông dân có được lợi ích tối đa khi tham gia vào HTX, nhất là những nông dân mạnh dạn góp vốn. Các sở, ngành, địa phương chú trọng, quan tâm tới HTX. Điều này là tín hiệu đáng mừng để thực hiện đề án HTX kiểu mẫu tiên tiến mà thành phố đặt ra”. 

Sẽ đề xuất thành phố tháo gỡ khó khăn 

Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị với thành phố đưa ra chính sách tạo điều kiện cho HTX, nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm sạch.
Thứ nhất, đề nghị thành phố có cơ chế gỡ việc các HTX muốn xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, nhà sơ chế nhưng vướng thủ tục. Địa phương không có quỹ đất dành cho HTX nên hầu như nhà sơ chế, trụ sở HTX đều phải thuê và nằm trên đất nông nghiệp nên không thể xây dựng được. 
Thứ hai, ngoài thị trường vẫn còn bán những loại thuốc tăng trưởng. Một số nông dân chưa nhận thức được nên còn sử dụng. Đề nghị thành phố, các cơ quan ban ngành rà soát lại.
Thứ ba, đa số nông dân trồng rau là dân nhập cư, ở huyện Hóc Môn là 80%, nhưng chính sách chưa đủ để họ gắn bó, có trách nhiệm hơn với nơi sản xuất rau sạch.
Thứ tư, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ chưa thống nhất với nhau về chủng loại, chất lượng. Việc các siêu thị test nhanh sản phẩm để kiểm tra có dư thuốc bảo vệ thực vật hay không chưa có sự giám sát của nông dân hay đơn vị thứ ba, gây bất lợi cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem