"Hot" trở lại, một thương hiệu trà sữa Việt muốn nhượng quyền quốc tế như Gong Cha

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 29/05/2023 13:56 PM (GMT+7)
Nhượng quyền đang "hot" trở lại. Một thương hiệu trà sữa Việt Nam có hơn 130 chi nhánh trên toàn quốc, 80% là nhượng quyền. Họ đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại hai thị trường trong khu vực là Malaysia và Philippines.
Bình luận 0

Trà sữa Việt Nam nhượng quyền quốc tế

Nhiều thương hiệu trong nước thuộc ngành F&B, bán lẻ, công nghệ đang có nhu cầu nhượng quyền thương mại quốc tế, nghĩa là tìm kiếm những khách hàng, đối tác có nhu cầu nhượng quyền, mở những cửa hàng tương tự trên thế giới.

Một loạt thương hiệu trên thị trường hiện nay như Phúc Tea, Care With Love, Phở’S, Star Home Spa, Arkki, Heramo, Run Together Vietnam, Limart… phần lớn là các startup F&B, dịch vụ… khai thác tài nguyên bản địa Việt Nam hoặc ứng dụng công nghệ đều đang đẩy mạnh tìm các đối tác nhượng quyền quốc tế.

Một thương hiệu trà sữa Việt muốn nhượng quyền quốc tế như Gong Cha, đã có hơn 130 cửa hàng trong nước - Ảnh 1.

Mô hình của Phúc Tea là những cửa hàng diện tích nhỏ. Ảnh: Phúc Tea

Ông Trần Nhật Vũ, nhà đồng sáng lập thương hiệu Phúc Tea, chuỗi trà sữa - cho biết đã bắt đầu tiếp xúc với đối tác ở Malaysia cho đại lý nhượng quyền độc quyền. Phúc Tea là chuỗi trà sữa với nguyên liệu thuần Việt có 135 chi nhánh trên toàn quốc, 80% là nhượng quyền sau 6 năm kinh doanh.

Theo ông Vũ, ngoài việc đang đàm phán với hợp tác nhượng quyền tại Malaysia thì thương hiệu này cũng đang tìm kiếm các đối tác tại thị trường Philippines.

Thương hiệu Phở’S của hai anh em Nguyễn Tự Tin và Nguyễn Tiến Hải đồng sáng lập dựa trên nền tảng phở sâm Ngọc Linh của gia đình cũng đang hướng đến nhượng quyền quốc tế. Phở’S đang thử nghiệm mô hình phở thuần Việt từ tháng 1/2023 và hoàn thiện nền tảng vận hành. Dù mới thành lập, Phở’S đã và đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia và Philippines.

Các startup Việt Nam tìm đến nhượng quyền quốc tế là hướng đi mới gần đây sau khi từng bước chắc chân tại thị trường trong nước. Trong khi đó, từ trước đến nay, chủ yếu là các thương hiệu quốc tế trong ngành F&B như Gong Cha, The Alley… ồ ạt nhượng quyền tại Việt Nam.

Nhượng quyền đang "hot" trở lại

Theo đánh giá của các chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền, sau đại dịch Covid-19, ngành nhượng quyền hiện trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư chọn nhắm đến những hệ thống và thương hiệu đã có mô hình được kiểm chứng, kinh nghiệm kinh doanh, có hệ thống quản trị bài bản, có hỗ trợ xuyên suốt.

Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro kinh doanh trong bối cảnh thói quen của người tiêu dùng thay đổi và đòi hỏi trải nghiệm mua sắm, sử dụng dịch vụ ở tầm cao mới. Đây là những yêu cầu mà để đáp ứng được cần phải có nền tảng quản trị tốt, tài chính vững mạnh, ứng dụng công nghệ.

Trong khi đó, nếu tự khởi nghiệp, tự đầu tư, quá trình này sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, thậm chí nhanh chóng phá sản vì hết tiền.

Một thương hiệu trà sữa Việt muốn nhượng quyền quốc tế như Gong Cha, đã có hơn 130 cửa hàng trong nước - Ảnh 3.

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân chia sẻ kinh nghiệm nhượng quyền tại một chương trình tổ chức tại TP.HCM, cuối tháng 5/2023. Ảnh: M.T

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch của Go Global Holdings, đánh giá nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia khi được đầu tư đúng mức để ngành phát triển. Nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân và đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Vân chỉ ra 3 chìa khóa đầu tư nhượng quyền thành công.

Thứ nhất, các nhà đầu tư cần có cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Mỗi cá nhân có quỹ thời gian khác nhau, phong cách sống khác nhau, khả năng tài chính khác nhau, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị khác nhau. Do vậy, trước hết nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản thân để chọn cách đầu tư phù hợp.

Thứ hai, theo chuyên gia, điều hay nhất của nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã chứng minh thành công và có nền tảng hỗ trợ bền vững. Đó chính là nguồn lực mà bên nhận quyền nên tận dụng hết mức có thể, thay vì tập trung vào việc đàm phán phí nhượng quyền như cách hiểu sai phổ biến hiện nay.

Thứ ba, cần tăng cường cộng tác. Các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem