HSBC: Bức tranh kinh tế lạc quan, thặng dư thương mại tăng gấp đôi mức bình quân hàng tháng năm 2022

09/03/2023 14:54 GMT+7
Theo HSBC, dữ liệu tháng 2 tốt hơn kỳ vọng nhưng chưa thay đổi được những thách thức Việt Nam vẫn phải đối mặt. Tuy nhiên, ít nhất bức tranh này cũng mang lại chút lạc quan rằng tình thế sẽ thay đổi.

Khối nghiên cứu của HSBC vừa phát hành báo cáo với tiêu đề “Dữ liệu tháng 2 của Việt Nam: Phần nào gỡ thế bí”.

Thặng dư thương mại tăng gấp đôi

Dữ liệu thương mại tháng 2 của Việt Nam tốt hơn kỳ vọng, với xuất khẩu tăng 11 % so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu giảm 6,7% so với cùng kỳ. Do đó, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đáng kể, đạt 2,3 tỷ USD, gấp đôi mức bình quân hàng tháng của năm 2022.

HSBC: Bức tranh kinh tế lạc quan, thặng dư thương mại tăng gấp đôi mức bình quân hàng tháng năm 2022 - Ảnh 1.

Tóm lược các chỉ số kinh tế chính gần đây. (Nguồn: CEIC, IHS Markit, HSBC)

Sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với tháng trước do các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau Tết. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ số này lại giảm 4,0%, phản ánh tình hình thương mại chậm lại vẫn còn tiếp diễn. Mặt khác, chỉ số PMI cho thấy tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên trong vòng bốn tháng trở lại đây, Việt Nam trở lại vùng mở rộng.

Trong nội địa, doanh số bán lẻ tháng 2 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi. Đặc biệt, các dịch vụ liên quan đến du lịch (ví dụ như lưu trú và ăn uống) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi trong ngành du lịch vẫn đang tiếp diễn.

Khách du lịch quốc tế đạt khoảng 933.000 lượt, cải thiện đáng kể so với năm 2022, giúp đưa tỷ lệ phục hồi du lịch lên gần 60% từ đầu năm đến nay so với mức của năm 2019.

Lạm phát toàn phần cũng tăng với tốc độ chậm hơn, tăng 0,4% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá năng lượng tăng, ví dụ như khí đốt và điện, cũng như sự gia tăng nhu cầu thuê nhà ở.

Xem xét dữ liệu tháng 1 và tháng 2, có thể thấy rõ sự biến động do Tết. Mặc dù năm 2023 khởi đầu với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn thấy những cơ hội xuất hiện trong nghịch cảnh.

Bất chấp sự suy yếu dai dẳng bên ngoài, dữ liệu hai tháng đầu năm vẽ nên một bức tranh nhẹ nhàng hơn so với những lo ngại ban đầu. Chỉ số PMI sản xuất lần đầu tiên quay trở lại vùng mở rộng trong vòng bốn tháng trở lại. Trong khi đó, thương mại cũng đạt một số kết quả khả quan hơn mong đợi. Tất nhiên, đó không hẳn là một bức tranh hoàn toàn tươi sáng khi xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chủ đạo.

HSBC: Bức tranh kinh tế lạc quan, thặng dư thương mại tăng gấp đôi mức bình quân hàng tháng năm 2022 - Ảnh 2.

Xuất khẩu tháng Hai tăng trưởng nhưng chủ yếu do số liệu biến động do tết. (Nguồn: CEIC, HSBC)

“Chúng tôi đã cảnh báo Việt Nam ở thế "đứng mũi chịu sào" trước tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ, vốn là điểm đến lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng 30%. Mặc dù vậy, ngoại lệ duy nhất nằm ở mảng điện thoại và linh kiện liên quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm tới giờ đã tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặt trong chu kỳ phát hành điện thoại thông minh của Samsung, kết quả này nhiều khả năng đạt được là nhờ sự ra mắt của dòng sản phẩm "đinh" Galaxy S23 từ ngày 17/2, với số lượng đặt trước cao hơn hẳn so với dòng Galaxy S22 trước đây”, báo cáo cho biết.

Khách quốc tế tăng cao kỷ lục

Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng ở một mức độ nhất định. Bản chất ngành sản xuất của Việt Nam rất nặng về nhập khẩu nên việc xem xét tình hình nhập khẩu là rất quan trọng. Xét trên phương diện tích cực, nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm với tốc độ nhanh hơn so với xuất khẩu, ở mức 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến thặng dư thương mại 2,3 tỷ USD, một mức thặng dư rất cần thiết để Việt Nam phục hồi sau hai năm thâm hụt tài khoản vãng lai. 

Tuy nhiên, nhập khẩu hàng điện tử tiếp tục giảm, đặc biệt là nhập khẩu điện thoại từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 60% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy rằng chu kỳ điện tử sẽ khó có thể nhanh chóng “đảo chiều”, mặc dù các chỉ số PMI toàn cầu gần đây đã cho thấy một vài dấu hiệu ổn định sơ khởi.

Trong nước, doanh số bán lẻ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng vững vàng. Trong khi tăng trưởng hàng hóa chậm lại đáng kể thì mảng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tăng trưởng nhờ du lịch quốc tế bùng nổ. Chỉ tính riêng trong tháng 2, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài, một mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch COVID-19 tới giờ.

HSBC: Bức tranh kinh tế lạc quan, thặng dư thương mại tăng gấp đôi mức bình quân hàng tháng năm 2022 - Ảnh 3.

Tháng Hai chứng kiến lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tăng mạnh. (Nguồn: CEIC, HSBC)

Trong đó, khách du lịch Trung Quốc đại lục tăng lên đáng kể, đạt 55.000 lượt. Mặc dù con số này chỉ bằng 10% so với mức trung bình khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch, chúng ta cần lưu ý kết quả này diễn ra trong bối cảnh tần suất chuyến bay hạn chế và không có tour theo đoàn.

Thêm nữa, không chỉ cần theo dõi tình hình du khách Trung Quốc đại lục mà khách du lịch từ Hàn Quốc, một thị trường trọng điểm khác với tỷ trọng  khoảng 30%, cũng đã duy trì vững vàng, với lượng khách hàng tháng phục hồi khoảng 85% so với mức trước đại dịch. Trong khi thương mại hàng hóa toàn cầu đã chậm lại đáng kể, du lịch quốc tế có thể là một trụ cột hỗ trợ tăng trưởng, nếu tháo gỡ được một số điểm nghẽn. Mặc dù vậy, chặng đường trở lại mức của năm 2019 có thể còn khá xa.

Về lạm phát, mặc dù lạm phát toàn phần tháng 2 ở mức 4,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4,5% đặt ra cho năm 2023 nhưng Việt Nam vẫn cần cẩn trọng khi xem xét các diễn biến. Đà lạm phát vẫn mạnh, tăng ở mức 0,4% so với tháng trước. Mặc dù giá tài nguyên, khoáng sản toàn cầu giảm so với mức đỉnh năm ngoái, lạm phát năng lượng vẫn tiếp tục tăng.

HSBC: Bức tranh kinh tế lạc quan, thặng dư thương mại tăng gấp đôi mức bình quân hàng tháng năm 2022 - Ảnh 4.

Đà lạm phát cơ bản dịu lại, mặc dù vẫn ở mức cao. (Nguồn: CEIC, HSBC)

Một mặt, giá dầu trong nước tiếp tục nhích lên cao hơn, khiến chi phí vận chuyển tăng theo. Trong khi đó, chi phí nhà và vật liệu xây dựng cũng tăng đáng kể, một phần phản ánh chi phí điện và khí đốt tăng cao. Mặc dù lạm phát có thể đã đạt đỉnh trong tháng 1, vẫn cần theo dõi chặt chẽ các áp lực giá từ bên ngoài đang tăng cao.

“Nhìn chung, dữ liệu tháng 2 tốt hơn kỳ vọng nhưng chưa thay đổi được những thách thức Việt Nam vẫn phải đối mặt, tuy nhiên, ít nhất bức tranh này cũng mang lại chút lạc quan rằng tình thế sẽ thay đổi. Mặc dù những khó khăn bên ngoài có thể sẽ tiếp tục trong ngắn hạn, ngành du lịch đang phục hồi có thể phần nào bù đắp cho một số trở ngại. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cần được chú ý nhiều hơn, vì áp lực giá cả vẫn tiếp tục tăng”, báo cáo lưu ý.


An Vũ
Cùng chuyên mục