Huawei sẽ mua chip Samsung nếu Mỹ tiếp tục gây áp lực
“Dù cho Mỹ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như vậy, chúng tôi vẫn có thể tìm kiếm nguồn cung chip từ Samsung (Hàn Quốc) hoặc các công ty khác như MediaTek Đài Loan và Spreadtrum (Trung Quốc)... Đây là thông lệ phổ biến trong các ngành công nghiệp” - phát ngôn viên của Huawei hôm 21/4 nhấn mạnh.
“Ngay cả khi Huawei không thể tự sản xuất các con chip như vậy, tôi tin rằng nhiều công ty công nghệ chip tại Trung Quốc sẽ phát triển và đóng góp vào chuỗi cung ứng của Huawei để chúng tôi sản xuất các sản phẩm. Sau đó, chúng tôi có thể sử dụng chip từ chính các công ty nội địa, hoặc từ nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…”
Hồi tháng 5/2019, Bộ thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế thương mại. Washington hiện cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt nhằm siết chặt hạn chế Huawei tiếp cận với công nghệ và linh kiện điện tử từ các nhà cung cấp Mỹ. Những biện pháp mới này liên quan đến Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài (tức những sản phẩm sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ, linh kiện của Mỹ).
Quy tắc này yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chip sản xuất tại Mỹ phải được cấp giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn xuất khẩu chip cho Huawei. Một khi các quy tắc này được Mỹ thông qua, nhiều nhà cung cấp chip sử dụng công nghệ Mỹ trong việc phát triển chip bao gồm cả những gã khổng lồ như TSMC (nắm hơn 50% thị phần trong ngành công nghiệp chip toàn cầu)… có khả năng sẽ không thể bán hàng cho Huawei.
Dù có năng lực tự thiết kế chip, Huawei hiện vẫn phải dựa vào nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) để sản xuất các loại chip cao cấp, từ bộ xử lý di động cho đến chip tùy chỉnh smartphone, thiết bị viễn thông… Huawei cũng hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng chip từ Mỹ như Intel, Micron Technology… Nhưng khi Huawei bị đưa vào danh sách đen, các doanh nghiệp Mỹ giờ đây phải có giấy phép đặc biệt của Bộ Thương mại nếu muốn làm ăn với công ty này.
TSMC hồi tuần trước cho hay họ đang đánh giá chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ. Tuyên bố được đưa ra sau khi Washington đề nghị nhà sản xuất chip Đài Loan sản xuất chip tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Phản ứng trước diễn biến này, phát ngôn viên của Huawei cho biết: “Huawei đã và sẽ tiếp tục tuân thủ chiến lược mua sắm đa nguồn và đa kênh dài hạn… Chúng tôi không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia hay một nhà cung cấp nào”.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đã chuyển một số đơn đặt hàng chip trung cấp và cấp thấp sang cho Semiconductor Manufacturing International Co., một trong những nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc và là đối thủ cạnh tranh nhỏ của TSMC.
Hôm 21/4, Huawei báo cáo doanh thuy 182,2 tỷ CNY (25,7 tỷ USD) trong quý I, chỉ tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là chậm lại đáng kể so với mức tăng trưởng 39% được ghi nhận hồi quý I/2019; do tình hình đại dịch Covid-19 làm suy yếu nhu cầu trên thị trường. Huawei cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 7,3% trong quý I/2020.