PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: "Nhiều sinh viên không biết mình học để làm gì"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 09/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, công tác hướng nghiệp hiện nay chưa tốt, thậm chí còn để lại khoảng trống mênh mông khiến nhiều sinh viên không biết mình học để làm gì.
Bình luận 0

Công tác hướng nghiệp còn có khoảng trống mênh mông

Trong hội thảo Hướng nghiệp suốt đời – gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 diễn ra vào ngày 8/10 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ: "Hướng nghiệp cho học sinh vô cùng quan trọng. 

Chọn đúng ngành yêu thích, các em phát huy được năng lực. Chọn sai ngành hết sức nguy hại không chỉ cho sinh viên mà cho cả xã hội vì dẫn đến tình trạng nhân lực thừa hoặc thiếu. Vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều trong khi thị trường lao động không có. Đó là công tác hướng nghiệp thời gian qua làm chưa tốt, còn có khoảng trống mênh mông".

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: "1.700 sinh viên vào trường nhưng chỉ có 800 em tốt nghiệp" - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Tào Nga

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu đặt ra câu hỏi: "Ai sẽ là người tư vấn cho các em? Gia đình ư? Không phải gia đình nào cũng biết để tư vấn cho con. Muốn hướng nghiệp được thì phải nắm được số liệu, căn cứ vào thực tiễn chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của bố hoặc mẹ. 

Hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình - nhà trường - người học - người lao động - doanh nghiệp. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp các em biết được 5-10 năm sau sẽ làm gì. Công tác hướng nghiệp từ THPT giúp các em biết được sau 3 năm học sẽ chọn trường đại học nào phù hợp. Sau đó lên đại học là sự kết hợp hướng nghiệp với khởi nghiệp. Thực tế chúng tôi thấy rằng các em sinh viên hiện nay mơ hồ không biết học để làm gì".

56% làm đúng ngành đào tạo

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT (Trung tâm MOET-TSC), năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại là chỉ liên quan đến ngành đào tạo (25%), thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo (19%).

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của Thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%... Các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chon nghề nghiệp của người học.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia đã chỉ ra những lỗ hổng kiến thức, sai lầm thường gặp khi mỗi cá nhân chưa hiểu đúng và đủ về hướng nghiệp. Từ đó, gợi mở các công cụ hỗ trợ cá nhân thiết lập hành trình nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm sở thích, sở trường, tính cách, khả năng, năng lực,… của bản thân và bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: "1.700 sinh viên vào trường nhưng chỉ có 800 em tốt nghiệp" - Ảnh 2.

PGS. TS. Trần Thành Nam tư vấn trong hội thảo. Ảnh: Tào Nga

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Các bạn học sinh, sinh viên cần nắm quy trình định hướng nghề nghiệp với 8 bước sau đây. 

Bước 1 xác định điều muốn làm (thích làm gì, thích điều gì, các giá trị mang lại hạnh phúc). Bước 2 xác định những khả năng có thể làm tốt (sức khỏe, tố chất, năng khiếu và các năng lực khác). Bước 3 tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (nghề, việc làm; môi trường làm việc; điều kiện làm việc). Bước 4 tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng…). Bước 5 tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt (bản thân, gia đình, cơ hội việc làm). 

Bước 6 đánh giá sự lựa chọn tối ưu (thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng của gia đình và mong muốn của con, thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình). Bước 7 đăng ký một chương trình giáo dục – đào tạo (xác định bậc đào tạo, uy tín cơ sở đào tạo, các điều kiện, lợi thế của cơ sở đào tạo). Bước 8 duy trì tích cực (nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trả nghiệm nghề và học hỏi người đi trước)".

Liên quan đến công tác hướng nghiệp hiện nay, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực TSC, Bộ GDĐT cho biết: "Trung tâm đang nỗ lực phối hợp các Sở GDĐT, các đại học, các chuyên gia trong toàn quốc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trong gần 55.000 cơ sở giáo dục, trong 250 trường đại học… Từ đó để chuẩn bị trước một bước đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở mỗi năm cả nước có từ 250-300 ngàn tân kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học.

Trong buổi Hội thảo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT, Hệ sinh thái VitanEdu và TikTok đã công bố kênh TikTok "Hướng nghiệp suốt đời" với mục tiêu lan tỏa các nội dung giá trị và hữu ích về hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cũng như các nội dung về phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp đến đa dạng các đối tượng học sinh, sinh viên và người đi làm... Hứa hẹn đây sẽ là một kênh thông tin hữu ích, bổ trợ thêm kiến thức giúp phụ huynh, giáo viên và nhà trường đồng hành cùng con trên hành trình học tập và hướng nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem