Huyện Gia Lâm dẫn đầu giao dịch nhà biệt thự, liền kề
Báo cáo thị trường bất động sản mới nhất do Savills vừa công bố cho biết, năm 2019, Việt Nam đạt được các chỉ số kinh tế vĩ mô ấn tượng hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển tốt.
Đáng chú ý, thị trường biệt thự, nhà liền kề cũng có nguồn cung sơ cấp hạn chế. Tổng nguồn cung thị trường sản phẩm này đạt 49.800 căn, chỉ tăng 1% theo quý và 9% theo năm.
Bốn dự án mới đóng góp thêm khoảng 547 căn, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong năm 2019. Nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm -28% theo năm; tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%.
Trong quý IV, nguồn cung sơ cấp đạt gần 1.300 căn, tăng 2% theo quý nhưng giảm -70% theo năm. Trong năm 2019, Huyện Gia Lâm dẫn đầu với 38% tổng lượng giao dịch, quận Hà Đông theo sau với 17%.
Đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn tung ra thị trường. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai.
Bên cạnh đó, theo Savills, thị trường căn hộ năm 2019 có 37.700 căn hộ mới mở bán, tăng 1% theo năm. Cụ thể, quý IV/2019 chiếm 35% với hơn 13.300 căn mở bán từ 8 dự án mới và 14 giai đoạn tiếp theo của dự án hiện tại. Nguồn cung mới liên tục khiến nguồn cung sơ cấp năm 2019 tăng 12% theo năm đạt 62.400 căn.
Tổng giao dịch năm 2019 đạt 39.300 căn, tăng 26% theo năm, riêng quý IV chiếm khoảng 27% với hơn 10.400 căn. Tỷ lệ hấp thụ đạt 63%, tăng 7 điểm phần trăm theo năm cho thấy nguồn cầu lớn. Trong đó, căn hộ hạng B tiếp tục đứng đầu, chiếm 73% tổng lượng giao dịch và đạt tỷ lệ hấp thụ 64%.
"Đến năm 2022, hơn 124.000 căn hộ từ 116 dự án sẽ mở bán; trong đó 41.000 căn sẽ gia nhập trong năm 2020", Savills dự đoán.
Về căn hộ du lịch, thị trường đón nhận tổng nguồn cung đạt xấp xỉ 4.600 căn, tăng 6% theo quý do có sự xuất hiện của một dự án hạng A mới. Giá thuê trung bình tăng 6% theo năm tới 26 USD/m²/tháng. Do nguồn cung tăng, công suất ghi nhận 82%, giảm 2 điểm % theo quý và giảm -4 điểm % theo năm.
Ước tính 2.700 căn từ 22 dự án sẽ mở cửa. 03 dự án thuộc khu phía Tây và các dự án còn lại thuộc khu Nội thành. Riêng quận Tây Hồ sẽ cung cấp 47% nguồn cung tương lai.
Hà Nội thu hút 8,5 tỷ USD nguồn FDI đăng ký, trong đó lượng vốn góp và mua cổ phần chiếm 77%.
Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao hơn mục tiêu năm 2019 của chính phủ ở mức 6,6% đến 6,8% và tương đương với số liệu 2018 (7,08%). Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt ở mức 2,79%, dưới mục tiêu năm 2019 và thấp nhất trong ba năm qua. Doanh số bán lẻ đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng 13% theo năm - cao nhất trong năm năm qua.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký là 38 tỷ USD, tăng 7% theo năm; trong đó, vốn FDI mới đăng ký là vốn 16,7 tỷ USD từ 3.883 dự án. Hàn Quốc dẫn đầu vốn FDI đăng ký mới (22%), tiếp theo là Hồng Kông (17%), Trung Quốc (14%). Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài là hơn 20 tỷ USD, tăng 7% theo năm.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16% lên 18 triệu theo năm.