Huyền thoại vùng đất “con ngựa tiên”

Chủ nhật, ngày 26/02/2012 20:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) trước kia có tên gọi Ma Ly Pho - tức vùng đất “con ngựa tiên”, tượng trưng cho ý chí bất khuất của các bậc tiền nhân.
Bình luận 0

Nhưng cái huyền thoại ấy phải đến hôm nay mới được các thế hệ con, cháu người Dao Tiền và những người lính biên phòng làm cho rạng rỡ...

Ký ức vùng phên giậu...

Nằm sát biên giới Việt - Trung, bản Hùng Pèng là nơi sinh sống của gần 50 hộ dân tộc Dao Tiền. Đứng chân trên dải đất biên cương mênh mông, đồi núi trập trùng, gió mây thăm thẳm... với nghề nông truyền thống, nhưng cái đói nghèo ở Hùng Pèng lại đeo đuổi bao kiếp người Dao Tiền như một định mệnh. Nghèo nhiều, khổ lắm đến nỗi cái khẩu ngữ "đói chẳng thấy lo, no không thấy mừng" đã trở thành câu nói cửa miệng của một số người dân nơi đây.

img
Bộ đội Biên phòng Ma Lù Thàng còn là lực lượng tiên phong giúp dân xoá nhà tạm.

Tuy khó khăn, vất vả là thế, nhưng người Hùng Pèng chẳng ai bỏ bản mà đi, vẫn bên nhau chống chọi với gian khó; cùng Bộ đội Biên phòng gìn giữ biên cương. Đêm đêm, dưới ánh lửa bập bùng, dân bản lại quây quần nghe người già kể về huyền tích mảnh đất cha ông từng khai phá.

Chuyện rằng, ngày xưa vùng đất này còn chưa có tên gọi và cũng chẳng có ai dám đến định cư. Những trai bản khoẻ nhất cũng chưa từng đặt chân lên những dãy núi cao ngất luôn bao bọc bởi mây trời, gió núi, rộn rã tiếng chim và ngập tràn vết chân hoang thú.

Bỗng một hôm, trời quang mây tạnh, một cơn dông lớn nổi lên, rồi một đám mây lung linh ngũ sắc chở con ngựa bạch khổng lồ từ trên trời phi xuống, ăn cỏ trên đỉnh núi cao nhất, uống nước suối Nậm Na. Sau đó, mây, gió lại đưa ngựa bạch bay về trời trong ánh hào quang rực rỡ.

Kể từ khi ngựa tiên xuất hiện, vùng đất này cây cối trở nên tốt tươi, suối Nậm Na nước trong xanh bốn mùa và muông thú sinh đàn đẻ lũ. Cho là điềm lành - đất đẹp, tổ tiên người Dao Tiền đã di dời nhà cửa lên dãy núi ngựa tiên từng về ngự trị và đặt tên là Mã Ly Pho - đất ngựa tiên.

Lâu dần, Mã đọc chệch thành Ma và người Ma Ly Pho với tất cả sự hào hiệp, không ai phàn nàn về việc gọi sai vô tình đó. Nhưng trong huyết quản của mỗi người dân nơi đây, con ngựa trở thành vật linh thiêng và đã là trai Ma Ly Pho thì phải cưỡi ngựa giỏi, bắn cung tên tài, đủ sức khoẻ chinh phục dãy núi thần cao ngất...

Sứ giả quân hàm xanh

Bất khuất thế nhưng Hùng Pèng nghèo lắm; cái nghèo như một định mệnh truyền kiếp đè nặng lên cuộc đời người dân Hùng Pèng. Biên cương bao la cũng không mang hết tâm sự của người Hùng Pèng về một quá khứ đói cơm nhạt muối.

May mắn làm sao, hạnh phúc làm sao khi mà nỗi lòng người Hùng Pèng được cán bộ chiến sĩ lực lượng Biên phòng Lai Châu, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 297 Ma Lù Thàng lắng nghe, sẻ chia và giúp đỡ.

Những ý tưởng xoá nghèo cho Hùng Pèng của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 297 không những được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đón nhận, mà hơn thế, còn được làm phong phú thêm bằng những tư duy mới, cụ thể hơn và giàu tính khả thi hơn.

Để hiện thực hoá một chủ trương nhằm giúp cho người dân Hùng Pèng dần được no cơm ấm áo, tháng 4.2008, một đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu đã về Hùng Pèng kiểm tra thực tế để có kế hoạch đầu tư khả dĩ, hiệu quả và sát thực nhất. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, một mô hình quân dân kết hợp làm kinh tế ở Hùng Pèng ra đời: Mô hình Hợp tác xã với các nhóm hộ nông dân có cùng sở nguyện.

Lần đầu tiên mô hình Hợp tác xã nông nghiệp hình thành trong sự xúc động và cả sự hoài nghi của không ít người dân: “Hợp tác xã Đoàn kết bản Hùng Pèng”, có trưởng bản Hùng Pèng làm chủ nhiệm, một cán bộ biên phòng làm phó chủ nhiệm và quan trọng hơn cả là mô hình được tạo dựng bằng ý chí vươn lên của chính người dân Hùng Pèng.

Đại tá Nguyễn Văn Tuất - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Thời gian qua, BĐBP tỉnh tập trung củng cố hệ thống cơ sở chính trị ở các xã biên giới, bên cạnh đó, chúng tôi còn tập trung xoá đói, giảm nghèo ở một số bản. Một trong những mô hình mà BĐBP Lai Châu tập trung xây dựng đó là Hợp tác xã sản xuất Hùng Pèng. Đây là một mô hình mới mà BĐBP giúp cho nhân dân phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.

Hợp tác xã thực hiện các nhiệm vụ như sản xuất tập trung, trồng cây cao su, cây keo để phát triển rừng và chăn nuôi tập trung đại gia súc. BĐBP mở đường giao thông về bản, chuyển giao các công nghệ trồng rừng, cách thâm canh sản xuất, tổ chức nuôi gia súc phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương. Bước tiếp theo, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các xã, bản biên giới khác.

Nắm tay cùng lập nghiệp

Được sự tiếp sức của Nghị quyết 30a, bước đầu một nguồn vốn gần 1 tỷ đồng được thực hiện ở Hùng Pèng; trong đó, hơn 3 trăm triệu dành để phát triển đàn bò và đàn dê. Cả hai đàn gia súc gần 100 con này được giao cho Hợp tác xã quản lý, các gia đình thay nhau chăn thả, có chấm công hẳn hoi và đó chính là điều khác biệt căn bản so với tập quán thả rông gia súc của người Dao Tiền Hùng Pèng nói riêng, của hơn 30 dân tộc thiểu số Tây Bắc nói chung.

Ông Lý A Nhị - Trưởng bản Hùng Pèng bảo: “Đàn bò ban đầu chỉ có 22 con, nhưng 4 năm qua đã lên tới gần 100 con rồi đấy. Bây giờ nhà ai cũng có hơn 1 con bò rồi… Dân bản Hùng Pèng biết ơn Bộ đội Biên phòng lắm”.

Tạm giao lại nhiệm vụ tuần tra đường biên mốc giới cho những đồng đội khác, gần một đại đội biên phòng được điều vào Hùng Pèng với sứ mạng mở lối bắc cầu cho Hùng Pèng gần hơn với cuộc sống bên ngoài về mặt địa lý. Hàng tháng trời ròng rã, mảnh đất Hùng Pèng sôi động bởi những bóng áo xanh của các chiến sĩ biên phòng, tiếng mìn phá đá, tiếng nói, cười, tiếng hò dô náo nhiệt.

Người dân được tận mắt thấy bàn tay người lính phá đá mở đường, bàn tay người lính đem cây keo tai tượng lên trồng trên các sườn đồi và cũng chính bàn tay người lính bước đầu “gieo” niềm tin vào trái tim người dân. Chính việc làm không một chút vụ lợi của những người lính, bà con dân bản đã tự nguyện đem đất góp với Hợp tác xã.

“4 năm gần đây, bản Hùng Pèng đã giảm hơn 70% số hộ nghèo, cơm đã no, áo đã ấm, lại còn phục hồi được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Dao Ma Ly Pho...”.

Cùng với đàn bò, đàn dê là giống gà đen chất lượng cao mà anh em biên phòng phải về tận Thường Tín (Hà Nội) mua giống giúp bà con. Cùng với cây keo tai tượng cho nguồn thu lâm sản trong tương lai, là các loại ngô lai, giống đậu tương đời mới cho những mùa bội thu. Anh Phàn Vần Tiến - xã viên Hợp tác xã Đoàn kết, tâm sự: “Lần đầu tiên được tham gia vào Hợp tác xã như thế này, em thấy rất thích vì làm việc với các anh biên phòng rất đúng giờ, việc nào ra việc đấy. Đời sống người dân Hùng Pèng đã và đang được cải thiện từng ngày”.

Trung uý Lê Văn Dũng - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đoàn kết, người đã gắn bó với Hợp tác xã từ những ngày đầu, vui vẻ ôn lại quá khứ: “Khi mới về Hùng Pèng thực hiện nhiệm vụ tiên phong xoá đói, giảm nghèo cho dân, chúng tôi cũng lo lắm. Những xã viên Hợp tác xã này đều là bà con dân tộc, trình độ hiểu biết rất hạn chế nên nhiều việc họ chưa hiểu. Chúng tôi phải thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương. Sự gắn bó đã giúp chúng tôi trở thành người của bản. Bằng cách miệng nói, tay làm, tai lắng nghe và cầm tay chỉ việc cho bà con nên dân bản đã tin vào bộ đội, phấn khởi tham gia vào Hợp tác xã. Thành công này của chúng tôi chưa lớn, nhưng đó là tiền đề để Hùng Pèng vươn lên làm giàu bền vững”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem