IMF ủng hộ đề xuất quan trọng của ông Biden
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, bà Kristalina Georgieva mới đây nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới nên mở rộng phạm vi nới lỏng kích thích kinh tế, bởi hành động như vậy sẽ mang lại hiệu ứng lan toả tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Khi được hỏi liệu IMF có ủng hộ kế hoạch tung gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không, bà Georgieva cho biết IMF ủng hộ nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng vaccine, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ thất nghiệp và viện trợ cho chính quyền địa phương các bang.
Theo bà Georgieva, dù nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, các rủi ro vẫn ở trước mắt, đặc biệt nếu các chính phủ không duy trì các gói hỗ trợ đủ lâu. Mỹ không ngoại lệ. “Vẫn còn đó mối đe doạ thường trực rằng nếu không duy trì hỗ trợ kinh tế đến chừng nào có một lối thoát thực sự khỏi cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng hiện tại, Mỹ có thể đối diện với làn sóng phá sản và thất nghiệp nguy hiểm”.
Hồi năm ngoái, bà Georgieva từng nhận định tỷ lệ phá sản của Mỹ đang thấp hơn mức bình quân trong những năm đại dịch chưa bùng phát, nguyên nhân là do các hỗ trợ tài chính của chính phủ. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là duy trì và điều chỉnh các gói hỗ trợ hợp lý cho năm 2021 để tránh tình trạng phá sản hàng loạt. “Chúng tôi kỳ vọng các chiến lược chính sách thận trọng, được hiệu chỉnh hợp lý. Chúng tôi mong rằng Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài những hỗ trợ”.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cũng thừa nhận những lo ngại của cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers về khả năng nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng, nhưng khẳng định sự tin tưởng vào Tân Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong việc điều hành và khống chế các rủi ro tiềm ẩn.
Cũng trong ngày 5/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội đã tiến hành thảo luận sâu hơn về gói kích thích kinh tế mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD sau khi các nhà lập pháp Dân chủ thông qua đề cương ngân sách cho phép thúc đẩy gói này mà không cần sự đồng tình của đảng Cộng hoà.
Sau khi giành số phiếu đa số tán thành (219/209), Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch dự trù ngân sách. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự đoán gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ có khả năng được Quốc hội thông qua trước ngày 15/3, thời điểm các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung hết hạn. Phía Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cũng khẳng định sẽ thúc đẩy gói cứu trợ càng nhanh càng tốt để hỗ trợ công tác kiểm soát đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 450.000 người Mỹ cho đến nay và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Biden viện dẫn dữ liệu việc làm yếu kém vừa công bố để khẳng định nền kinh tế và người dân Mỹ cần được hỗ trợ ngay lúc này.
Trong khi đó, ở phía đối lập, các nghị sĩ Cộng hoà đưa ra đề xuất gói cứu trợ chỉ 600 tỷ USD, tức chưa đầy 1/3 quy mô gói cứu trợ mà ông Biden mong muốn. Đại diện Đảng Cộng hòa Michael Burgess cho rằng Quốc hội nên chờ đợi cho đến khi các gói cứu trợ trị giá 4 nghìn tỷ USD đã phê duyệt từ thời ông Trump được chi tiêu hết, bởi hàng nghìn tỷ USD trong các gói này cho đến nay vẫn chưa được phân bổ. Ngay cả một số nghị sĩ Dân chủ như Larry Summers, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra cảnh báo rằng chính quyền Biden có thể đang chi tiêu quá nhiều.
Trong phiên họp qua đêm, Thượng viện Mỹ cũng bỏ phiếu phản đối việc tăng lương tối thiểu liên bang ngay lập tức từ 7,25 USD/ giờ lên 15 USD/ giờ mà Tổng thống Biden đề xuất. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc nâng khoản thanh toán trực tiếp cho mỗi người Mỹ thêm 1.400 USD.