Kể chuyện làng: Sống giữa "kẻ thù"

Đào Nguyên Thuận Thứ tư, ngày 31/05/2023 07:30 AM (GMT+7)
Vì ba tôi là người khiêm tốn nên dự định nếu có viết về ba thì chỉ sau khi ông về với tiên tổ. Ý định là thế, nhưng giờ đây đã tròn 30 năm ngày ba tôi về cõi vĩnh hằng, tôi mới viết.
Bình luận 0

Bởi lẽ, tôi nghĩ khắp đất nước này, trải dài theo thăng trầm của lịch sử, dưới bao mái nhà cũng sẽ có rất nhiều những người cha như ba tôi rất đời thường mà ở đó có thể viết hoặc không đều giống nhau. Vì ít nhiều hình ảnh của ba, của làng quê đã có trong tiềm thức của dân Việt, đặc biệt là ở quê tôi, cái làng muối Quỳnh Thuận nóng chảy miền Trung gió Lào thiêu đốt.

Kể chuyện làng: Sống giữa "kẻ thù" - Ảnh 1.

Một con đường làng ở xã Quỳnh Thuận (Nghệ An). Ảnh: Tác giả cung cấp

Trước Cách mạng tháng Tám, đang học ở trường Quốc học Vinh (nay là trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng), ba bỏ học về quê tham gia Việt Minh. Ba tôi trở thành ông Chủ nhiệm Việt Minh xã cho đến khi thoát ly khỏi quê. Con nhà địa chủ, đi học thì giáo viên người Tây, đọc sách, tiểu thuyết Tây, ăn cơm nội trú với bữa sáng bánh mì và sữa Tây... Tại sao bỗng dưng ba lại bỏ về quê kham khổ làm Việt Minh? "Lúc đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có sức hút vô cùng lớn" – Tôi tìm câu trả lời cho riêng mình từ cuốn lý lịch đảng viên của ba kê khai hơn 60 năm trước, giấy đã úa màu nhưng nét mực thì đang tươi mới. Ngày xưa, bản kê khai lý lịch ghi rất kỹ, vô cùng tỉ mỉ - có lẽ là điều hơi khác biệt với bây giờ. "Làm cách mạng với lời nhắn nhủ của cấp trên là để sau này sẽ thành như nước Xô Viết" – Câu này trong hồ sơ đảng viên của ba làm tôi dừng lại lâu nhất, và có lẽ còn lâu hơn nữa!

Rồi Cải cách ruộng đất xảy ra. Khoảng 10 năm sau khi ba tham gia cách mạng thì một biến cố lớn nhất ông gặp phải: Cải cách ruộng đất! Một cuộc "long trời lở đất", ai đứng lên đấu tố càng hăng thì được chia phần của nhà địa chủ đó càng nhiều. Mười hai gian nhà lim bị người đấu tố dỡ xuống tranh nhau chia phần đưa đi hết. Ngôi nhà này, chính ba tôi thường hay đưa cán bộ Việt Minh về để họp và nuôi cơm ở đó. Có lần chum gạo của nhà địa chủ vơi nhanh, bà nội có ý phàn nàn ba tôi, nhưng ông nội xua đi. Bà nội lại nhằn "ông địa chủ" vì chồng mình cứ bênh, chiều thằng cháu nội... Sau cuộc đấu tố, nhà lim đã dỡ ra chia phần xong, với cái tội "con địa chủ", mẹ bắt đầu bị treo ngược lên xà ở gian nhà thờ tổ họ, đầu trở xuống, chân ở trên, đung đưa với sợi dây thừng. Mẹ cắn răng chịu đựng với no đủ nỗi đau, sau những lần treo ngược ấy, mẹ bị lộn tử cung ra ngoài.

Năm anh dân quân súng treo trên vai tức tốc lên đường đến Ty Y tế trao lệnh bắt ba tôi về để tiếp tục lên phiên đấu tố. Nhưng với sự nhạy cảm tuyệt vời, trước đó, Trưởng ty đã thu xếp cho ba đi công tác 6 tháng đến vùng biên giới Việt – Lào. Nhờ thế mà ba tôi thoát ba tội lớn lắm, đó là: Một, con cháu địa chủ - đương nhiên rồi. Hai, trước khi giặc Pháp đổ bộ bằng đường biển lên huyện Quỳnh Lưu, ông về tập hợp người dân để phổ biến kế hoạch đề phòng. Cái tội tày đình thông đồng với giặc Pháp mới biết trước kế hoạch giặc lên! Ba, có người tố cáo rằng, nhiều lần ông vừa chữa trị vết thương cho một tù binh người Tây và nói tiếng Tây với nhau...

Kể chuyện làng: Sống giữa "kẻ thù" - Ảnh 2.

Tuổi nhỏ cảm nhận về tấm gương cha ông qua ảnh và lời kể. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ngày cầm quyết định hưu, ba nhất quyết về quê sinh sống. Bỏ lại tất cả ở phố thị, ba thuyết phục cả gia đình về nơi chôn rau cắt rốn, nơi làng quê muối trắng cát nâu một thời nổi tiếng đánh Tây rất cừ.

Ông Bí thư xã sốt sắng dẫn ba đi tìm đất để đựng nhà, "tùy bác, bác thích chỗ nào là xã cắt đất chỗ đó". Chẳng cần đắn đo, ba chọn mảnh đất vô cùng đắc địa. Ông Bí thư xã ái ngại vì mảnh đất ba chọn lại cơ man với bao loại cỏ dại. Một người với mấy mươi năm chỉ cầm dao kéo trên bàn mổ, giờ cuốc cày với cỏ sao đặng? Ba cười tươi đáp lại: "Cỏ là thuốc mà". Và ba chọn, thật hài lòng. Một túp nhà tranh 3 gian dựng lên giữa lớp lớp cơ man cỏ gai ấy.

Mảnh đất ba chọn nó thật "đắc địa" vì xung quanh giáp ranh với ba hộ dân vô cùng đặc biệt: Ông Ngọc Ngũ, ông Cò Bắc, ông Cấn Trì. Cả ba hộ này hơn 20 năm trước là những người đấu tố địa chủ ba mẹ tôi hăng nhất trong Cải cách ruộng đất. Đấu hăng nhất, vì nghèo nhất nên cố gắng để hưởng quy chế "đấu càng hăng thì được chia của càng nhiều".

Đất nước sau chiến tranh rồi lại bao cấp, gặp thêm những lúc lũ lụt, bão bùng, đói càng thêm đói rũ. Giữa nắng trưa oi ả rát mặt người, tiếng hét khản đục của làng xóm kêu cứu: "Làng nước ơi cứu, cả nhà ông Ngọc Ngũ nằm la liệt, mắt trợn trắng lên hết rồi ". Tiếng kêu ấy ba mẹ tôi nghe rõ.

Lần đầu tiên ba tôi xử lý "kẻ thù" của mình. Ba hối thúc mẹ nhanh tay pha một nồi nước đường, chạy sang đổ vào miệng 12 đứa con, cháu nhà ông Ngọc Ngũ. Cả nhà ông Ngọc Ngũ sống lại, mẹ tôi đưa thêm cho ít sắn và khoai khô, chỉ có thế vì gia đình tôi hầu như cũng chỉ có những thứ đó.

Bên kia bờ rào là nhà ông Cấn Trì, cũng là "kẻ thù" của ba mẹ. Trong ba gia đình cạnh nhà tôi thì nhà ông Cấn Trì trông có vẻ "khá giả" hơn cả bởi có cái cầu tiêu hai ngăn xây bằng đá với vôi ở góc vườn. Và ông Cấn Trì thêm cái tật nghiện rượu. Rượu uống không được nhiều nhưng phải nhiều lần uống. Một lần ông Cấn Trì đi nhà tiêu khi đã say rượu, bị trượt chân lăn cuộn từ sàn nhà tiêu xuống các bậc tới mặt đất. Người nhà bế từ nhà tiêu ngoài góc vườn vào đặt trên thềm nhà kèm í ố tiếng khóc vì ông đã tắt thở, mắt đứng tròng, được đắp lên phên chiếu cũ. Một người chui qua bờ rào hổn hển sang nhà nhờ ba tôi cứu giúp. Mở tấm chiếu sờn, mũi thuốc tiêm của ba rút ra khỏi người ông Cấn Trì thì trong chốc lát ông đã thở nhẹ và dần tỉnh lại. Một lần nữa ba tôi đã cứu mạng "kẻ thù"...

Nhà ông Cò Bắc ở giáp góc sau hồi nhà tôi. Ngôi nhà của ông Cò Bắc vẫn còn đó một kèo gỗ của gia đình tôi vài chục năm trước. Cái kèo gỗ ấy là chiến lợi phầm sau lần ông Cò Bắc đấu tố gia đình tôi nên được chia hẳn một cái kèo lim xanh này. Ba tôi nhớ rõ, vì ngày trước ông nội hay dùng lá chuối khô để chà bóng cho cột kèo chứ không dùng giấy nhám. Bởi thế mà cái độ bóng láng của nó rất khác biệt, dễ nhận ra.

Vì nhà ông Cò Bắc hay qua lại với gia đình tôi nên ba cho phá bờ rào, mở hẳn một ngõ đi sau nhà để hai gia đình nối sang cho tiện. Nhà ông Cò Bắc có nghề soi đồng. Suốt đêm ông đốt lốp xe đạp hỏng để soi, gặp con gì trên đồng nước mặn cũng bắt rồi sáng đem ra chợ bán. Hôm ấy, sau khi đi soi về, ông Cò Bắc nằm lịm, sùi bọt mép. Sau mấy tiếng đồng hồ cả nhà ông hí hoáy nhang khói khấn vái vì cho rằng trên đường đi soi về đã bị ma ám. Chẳng biết con ma nào nhập vào, nhưng sau vài lần nhang thì ông Cò Bắc càng lịm thêm. Lao động trụ cột chính mà nằm xuống thì cả nhà mấy miệng ăn sẽ nguy khốn. Bà vợ chạy sang nhà tôi, khóc như thể chồng tạ thế mất rồi.

Ba tôi nhanh chân bước sang, ông Cò Bắc nằm lạnh thượt, xanh như tàu lá trên chiếc chõng tre ọp ẹp. Mắt ông đã trợn tròng trắng nhìn trừng trừng vô hồn lên chiếc kèo lim xanh ấy – món đồ quý giá nhất của ngôi nhà này. Phảng phất trong gợn khói hương nhang hắt xuống từ bàn thờ, ba tôi thăm khám và tiêm thuốc. Vài ngày sau, vừa tiêm thuốc, ông Cò Bắc vừa ra đồng đi soi đêm. Ba tôi bảo mẹ đưa sang ít lương thực để nhà ông có cái ăn cho đến khi khỏi hẳn mới được ra đồng...

Kể chuyện làng: Sống giữa "kẻ thù" - Ảnh 3.

Nhà thờ họ Đào thôn Thanh Đoài được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vì từng có nhiều công giúp đỡ cách mạng và kháng chiến. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cứ như thế, với hơn 30 năm, sống giữa những "kẻ thù", chẳng thể nhớ nổi đã bao lần gia đình tôi cưu mang họ, lương thực, thuốc men, đặc biệt là sức khỏe và mạng sống của từng thành viên trong gia đình của họ...

Dân làng ai cũng hiểu rất rõ chuyện quá khứ của gia đình tôi – địa chủ bị đấu tố tàn khốc với nhà ông Ngọc Ngũ, Cò Bắc, Cấn Trì. Bởi thế khi thấy việc ba tôi chọn đất để dựng nhà lọt thỏm giữa ba hộ gia đình ấy là đã ngạc nhiên lắm lắm cho làng trên xóm dưới. Giờ đây lại thấy ba mẹ tôi cứu giúp, quan tâm, thương yêu họ như thế lại càng thêm sự ngỡ ngàng đến khó tin. Khó tin đến nỗi, họ bảo: "Chẳng thể nào lại tốt đến như thế được, cứ để thời gian sẽ rõ". Và thời gian đằng đẵng hơn 30 năm sống với xóm làng, với ba "kẻ thù" vẫn thế, "để thời gian sẽ rõ" của dân làng cũng tàn phai và lấp chìm bởi bao điều tốt đẹp.

Cho đến một ngày, khi từng bản hợp xướng của ve sầu gióng lên, trái tim ba tôi ngừng đập. Ngày tiễn đưa ba tôi trời nắng như đổ lửa, lại đúng vào giờ Ngọ canh trưa. Mấy cụ bô lão tay lau mồ hôi ướt sũng và miệng cứ tấm tắc: "Sống đến chừng này tuổi rồi, chưa bao giờ thấy có đám tang đông người đưa đến như thế này". Phong tục quê tôi, trên đường đưa tang phải dừng lại nghỉ ở giữa đoạn đường. Lúc nghỉ, bà con bắt đầu bàn chuyện "để thời gian sẽ rõ", về sự ân hận khi đã hoài nghi về lòng bao dung của con người.

Ba tôi đã nhận được tất cả từ lòng bao dung ấy, sống đủ đầy tâm phúc giữa những "kẻ thù".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

                                                     


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem